Vì sao châu Á ngày càng có 'sức hút' với sinh viên quốc tế?

Trong một bài viết mới đây, trang Asiancorrespondent.com cho rằng ngày càng có nhiều sinh viên quốc tế chọn du học tại các nước Đông Nam Á và Đông Á. Bài viết đã đưa ra 6 lý do tạo nên 'sức hút' của nền giáo dục tại các quốc gia này. Báo Quân đội nhân dân giới thiệu nội dung chính bài viết:

Mỗi khi nói tới chuyện du học, người ta không hay nhắc đến các cơ sở giáo dục đại học ở châu Á. Tuy nhiên, những số liệu gần đây lại cho thấy xu hướng này đang thay đổi. Số lượng sinh viên quốc tế đăng ký nhập học tại các quốc gia như Indonesia, Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Hàn Quốc không ngừng gia tăng, nhiều trong số đó là các sinh viên Ấn Độ. Các chuyên ngành thu hút được nhiều sinh viên quốc tế là y khoa, kỹ thuật, quản trị kinh doanh, luật và khoa học môi trường. Đâu là nguyên nhân đứng đằng sau “làn sóng” này?

Sinh viên quốc tế trong một lễ tổng kết hoàn thành chương trình học tập, thực tập tại Đại học FPT. Ảnh: fpt.edu.vn.

Thứ nhất là học phí và sinh hoạt phí thấp. Con đường học hành vốn đắt đỏ. Cho dù tiềm lực của sinh viên có như thế nào chăng nữa thì tài chính vẫn luôn đóng một vai trò nhất định. Học phí của các cơ sở giáo dục châu Á thấp hơn nhiều so với của Mỹ, Australia cũng như đa số các quốc gia châu Âu. Sinh hoạt phí tại đây cũng thấp hơn nhiều.

Thứ hai là cơ hội được gần nhà. Đối với các sinh viên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, du học tại các nước láng giềng vẫn đem lại trải nghiệm thú vị mà không cần phải sống quá xa quê hương. “Nhìn chung, các trường đại học tại Đông Nam Á và Đông Á là một lựa chọn tốt đối với những sinh viên vừa muốn du học vừa muốn được sống gần nhà ở một nền văn hóa gần gũi hơn với chi phí rẻ hơn”, nhà tư vấn giáo dục Karan Gupta trả lời tờ Hindustan Times.

Đối với các chuyên ngành như y khoa, những điểm tương đồng giữa quê nhà và nơi sinh viên du học đóng một vai trò quan trọng. Ví dụ, tại Philippines, số lượng sinh viên Ấn Độ mỗi năm tới đây theo học y khoa không ngừng gia tăng. Tất cả các bằng tốt nghiệp y khoa do các trường đại học Philippines cấp đều được Hội đồng Y khoa Ấn Độ công nhận. Vì vậy, các sinh viên y khoa có thể quay về Ấn Độ hành nghề sau khi tốt nghiệp. “Điều quan trọng hơn cả là khí hậu tại Philippines gần giống với khí hậu tại phần lớn các khu vực của Ấn Độ. Vì thế, nhiều loại bệnh tật tại hai nước cũng tương tự nhau. Điều này rất có lợi cho các sinh viên y khoa Ấn Độ muốn hành nghề tại quê nhà sau khi tốt nghiệp ở Philippines”, nhà tư vấn giáo dục Karan Gupta nhấn mạnh.

Thứ ba là ngày càng có nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. “Trong vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều quốc gia Đông Nam Á và Đông Á mở các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế bằng tiếng Anh, do đó thu hút thêm nhiều sinh viên quốc tế”, Kimberly Dixit, nhà sáng lập hãng tư vấn du học The Red Pen cho biết.

Thứ tư là sự tăng bậc trên các bảng xếp hạng giáo dục đại học toàn cầu. So với con số 0 vào năm 2012, Indonesia đã có 4 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới năm 2018 do tạp chí Times Higher Education bình chọn. Hàn Quốc cũng có 5 trường đại học nằm trong danh sách này so với ba trường vào năm 2012. Philippines có hai trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 800 trường đại học hàng đầu thế giới năm 2018.

Thứ năm là nhiều quốc gia châu Á đang điều chỉnh hệ thống giáo dục để thu hút thêm sinh viên quốc tế. Malaysia tạo điều kiện về thủ tục thị thực (visa) như một phần trong nỗ lực thu hút 200.000 sinh viên quốc tế đến năm 2020. Tại Việt Nam, từ cách đây hai năm, hệ thống giáo dục bắt đầu được đổi mới với mục tiêu thu hút thêm sinh viên quốc tế và mọi việc đang dần phát huy hiệu quả. “Theo các quy định mới, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được phân thành ba tầng: Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành. Sự phân tầng này đang giúp nhiều sinh viên quốc tế có những lựa chọn tốt hơn”, nhà tư vấn giáo dục Karan Gupta nêu rõ.

Thứ sáu là triển vọng nghề nghiệp. Trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, sinh viên muốn các chương trình đào tạo sát với nhu cầu của thị trường việc làm toàn cầu. Khi các trường đại học châu Á điều chỉnh chương trình đào tạo, hợp tác với các tổ chức quốc tế để thích nghi với đòi hỏi của thị trường thì sự kỳ vọng đối với họ cũng tăng lên. “Ví dụ như tại Indonesia, các trường đại học đều có quan hệ đối tác với các doanh nghiệp. Một số trường đại học của Việt Nam đã có những chương trình liên kết với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Trong ba năm qua, Việt Nam còn mở các chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) bằng tiếng Anh”, nhà tư vấn giáo dục Karan Gupta cho biết thêm.

HOÀNG VŨ (lược dịch)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/vi-sao-chau-a-ngay-cang-co-suc-hut-voi-sinh-vien-quoc-te-536283