Vì sao chậm trễ trong việc thi hành án?

Báo Lao động Thủ đô đã từng có bài viết về vụ án tranh chấp lao động giữa ông Hoàng Mạnh Hùng và Trung tâm y tế Dệt may – Bệnh viện Dệt may (gọi tắt là TTYT Dệt may), thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Tháng 10/2016, TAND TP Hà Nội đã quyết định buộc TTYT Dệt may phải thanh toán trợ cấp thôi việc cho người lao động (NLĐ) nhưng đến nay, TTYT Dệt may vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ của mình.

Theo nội dung khởi kiện của ông Hoàng Mạnh Hùng, ông Hùng là bác sỹ, công tác trong ngành y tế hơn 22 năm. Tháng 7/2007, ông Hùng chuyển đến công tác tại TTYT Dệt may. Vì lý do cá nhân, ngày 4/1/2013 ông Hùng nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Tuy nhiên, đến thời hạn chấm dứt hợp đồng ghi trong đơn (21/3/2013), ông Hùng không nhận được đồng ý của Ban Giám đốc.

Bệnh viện Dệt may vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ đối với NLĐ

Bệnh viện Dệt may vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ đối với NLĐ

Ông Hùng cho rằng mình đã thực hiện đúng quy định của Luật Viên chức nên đã bàn giao công việc và nghỉ việc. Đến ngày 9/5/2013, Giám đốc TTYT Dệt may mới ban hành quyết định về việc “Chấm dứt hợp đồng lao động” với ông Hùng từ ngày 9/5/2013 với lý do “tự ý nghỉ, không đến làm việc từ ngày 21/03/2013” đồng thời từ chối chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ.

Đến tháng 6/2013, TTYT Dệt may mới trả sổ Bảo hiểm xã hội cho ông Hùng. Vì hồ sơ bị trả muộn nên ông Hùng không đủ điều kiện đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, ông Hùng nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới Giám đốc TTYT Dệt may và Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhưng không có kết quả.

Ngày 12/3/2014, ông Hùng đã nộp đơn khởi kiện tới TAND quận Hai Bà Trưng để đòi quyền lợi.Sau phiên tòa xét xử, ngày 25/9/2015, TAND quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định, buộc TTYT Dệt may phải thanh toán cho ông Hùng số tiền trợ cấp thôi việc và số tiền chậm trả của số tiền đó tổng cộng gần 4,5 triệu đồng.

Đồng thời không chấp nhận yêu cầu của ông Hùng buộc Trung tâm thanh toán số tiền bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp không nhận được vì đã hết thời hiệu khởi kiện… Ông Hùng đã làm đơn kháng cáo gửi TAND TP Hà Nội đề nghị hủy bản án sơ thâm của TAND quận Hai Bà Trưng.

Mặc dù, theo hồ sơ vụ án, trong quá trình công tác, ông Hùng luôn chấp hành đúng pháp luật và nội quy của cơ quan, thế nhưng, suốt quá trình tố tụng, TTYT Dệt may đã từ chối yêu cầu của ông Hùng với nhiều lý do, đặc biệt trong đó đưa ra cả những lý do liên quan đến cá nhân, đời tư của NLĐ. Việc khởi kiện của ông Hùng là bất hợp lý khi xin phép nghỉ vì lý do sức khỏe.

Tuy nhiên, những vấn đề mà đại diện TTYT Dệt may đưa ra lại không có chứng cứ cụ thể. Chính vì vậy, quá trình tố tụng bị kéo dài tới hơn 3 năm, vụ án nhiều lần phải tạm đình chỉ để thu thập chứng cứ.

Đến ngày 30/3/2016, TAND thành phố Hà Nội đã mới ra phán quyết cuối cùng. Bản án dân sự phúc thẩm số 05/2016/LĐ-PT quyết định: ông Hoàng Mạnh Hùng chấm dứt hợp đồng làm việc là đúng luật, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Hùng, buộc Trung tâm Y tế dệt may - Bệnh viện Dệt may phải có nghĩa vụ thanh toán cho ông Hùng số tiền trợ cấp thôi việc là 46.037.290 đồng.

Tuy nhiên sau 2 tháng bản án có hiệu lực TTYT Dệt may vẫn không chấp hành. Một lần nữa, ông Hùng phải gửi đơn đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng thi hành án. Ngày 2/10/2016, Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng ra Quyết định thi hành án theo yêu cầu.

Ngày 28/06/2017, Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng ra Thông báo số 972/TB-THADS, về việc người thi hành án chưa có điều kiện thi hành và nhận định: “xác minh thực tế thấy người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án”. Như vậy, khoản tiền trợ cấp thôi việc mà ông Hùng được hưởng theo quyết định của Tòa án cấp có thẩm quyền đến nay đã hơn 3 năm, kể từ ngày có bản án có hiệu lực, vẫn chưa được TTYT Dệt may chi trả.

Trao đổi với phóng viên báo LĐTĐ, ông Phạm Tuấn Anh - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính TTYT Dệt may cho biết: Trước khi làm việc tại Trung tâm ông Hùng đã công tác ở nhiều cơ quan khác.

Thời gian ông Hùng làm việc ở Trung tâm chỉ khoảng 5 năm, nhưng Tòa án lại quyết định Trung tâm phải chi trả trợ cấp thất nghiệp cho ông Hùng trong tất cả quãng thời gian làm việc (22 năm 5 tháng) và yêu cầu Trung tâm thu lại số tiền trợ cấp thất nghiệp của ông Hùng từ các đơn vị nơi ông Hùng từng làm việc là không hợp lý. Trung tâm không có chức năng này và cũng không xác định số tiền cần phải thu là bao nhiêu. Trung tâm đã làm đơn kháng cáo theo quy định.

Theo luật sư Nguyễn Thị Yến (Công ty Luật TNHH Everest): “Phán quyết của TAND TP Hà Nội hoàn toàn căn cứ theo quy định pháp luật. Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về trợ cấp thôi việc. Cụ thể, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Đồng thời, điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP quy định: Trường hợp NLĐ trước khi làm việc cho doanh nghiệp nhà nước mà đã có thời gian làm việc ở các đơn vị khác thuộc khu vực nhà nước, nhưng chưa được trợ cấp thôi việc, thì doanh nghiệp nơi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đó theo quy định của pháp luật. Các đơn vị sử dụng lao động trước đây có trách nhiệm chuyển trả cho doanh nghiệp đã chi trả, nếu đơn vị cũ đã chấm dứt hoạt động thì ngân sách nhà nước sẽ hoàn trả”.

Như vậy, ông Hoàng Mạnh Hùng nghỉ việc đúng quy định pháp luật sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc. TTYT Dệt may có trách nhiệm thanh toán cho ông Hùng số tiền trợ cấp thôi việc tương ứng với thời gian công tác và đóng bảo hiểm liên tục từ tháng 10/1990 đến hết 30/12/2008. Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của ông Hoàng Mạnh Hùng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

L.Thắm- K.Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vi-sao-cham-tre-trong-viec-thi-hanh-an-89409.html