Vì sao chậm công bố vụ dùng soda công nghiệp làm nước mắm?

Cơ quan chức năng cho biết để đảm bảo tính nghiệp vụ đã không công bố ngay kết luận thanh tra. Ngoài ra, Thanh tra Bộ NN&PTNT khẳng định chưa có sản phẩm hoàn chỉnh được bán ra.

Ngày 13/1, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố tên 3 công ty sản xuất nguyên liệu nước mắm dùng soda công nghiệp (Na2CO3). Thực tế, vụ việc đã được lực lượng chức năng tiến hành điều tra từ giữa năm 2019.

Nhiều người dùng mạng xã hội đặt câu hỏi tại sao sai phạm diễn ra từ hơn nửa năm trước, đến nay Thanh tra Bộ mới thông tin rộng rãi. “Gần Tết, những công ty sản xuất nước mắm không đảm bảo vệ sinh mới lộ diện. Nếu sớm hơn, người tiêu dùng sẽ bớt cảm thấy hoang mang”, tài khoảng mang tên L.H. bình luận.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, đã cung cấp thêm một số thông tin về vụ việc.

Chưa công bố để đảm bảo yếu tố nghiệp vụ

Nói với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Tiến khẳng định Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công an, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Thanh tra Sở NN&PTNT tiến hành điều tra vụ việc tại Vĩnh Long, An Giang và TP.HCM từ giữa năm 2019.

Cụ thể, Thanh tra Bộ cùng lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an đi xác minh, kiểm tra các dấu hiệu sai phạm tại một số doanh nghiệp. Sau đó, hai bên bàn và thống nhất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành khoảng trên 30 người vào ngày 6/5/2019.

 Kết quả kiểm nghiệm cho thấy kim loại nặng đều dưới ngưỡng cho phép nên cơ quan công an thấy chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Ảnh: K.L.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy kim loại nặng đều dưới ngưỡng cho phép nên cơ quan công an thấy chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Ảnh: K.L.

Ông Tiến cho biết đến tháng 8/2019 đã có kết luận điều tra. Lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu, niêm phong hàng hóa của các đơn vị có sai phạm phát hiện dùng soda công nghiệp. Trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm, toàn bộ chất cấm, kim loại nặng đều dưới ngưỡng cho phép.

Dù hồ sơ vụ việc đã được chuyển đến cơ quan an ninh để thụ lý, đơn vị này xét thấy kết quả kiểm nghiệm chỉ ra chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên yêu cầu Thanh tra Bộ xử lý nghiêm khắc về mặt hành chính.

Và phải đến ngày 13/1, cơ quan chức năng mới công bố tên các doanh nghiệp vi phạm. Cụ thể, công ty TNHH MTV Điều Hương (ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, Châu Thành, An Giang); Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (47 Trần Phú, phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long); Công ty TTHH thực phẩm Tấn Phát (tổ 1, ấp Tân Đông, xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) đã sản xuất nguyên liệu nước mắm dùng soda công nghiệp (Na2CO3).

Ông Tiến cho rằng việc chưa thể “chỉ mặt” ngay các đơn vị có sai phạm trong sản xuất nước mắm do yếu tố nghiệp vụ.

“Phải có thời điểm để xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm, rồi cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an sẽ tiếp tục theo dõi biến động, nắm bắt tình hình và thông tin liên quan. Sau đó, chúng tôi mới thông tin rộng rãi được”, ông Tiến nói.

Theo đó, 3 công ty vi phạm đã chế biến nước mắm bán thành phẩm, dự kiến bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm. Tuy nhiên, trong quá trình bắt đầu sản xuất ra thành phẩm, lực lượng chức năng đã phát hiện và yêu cầu dừng, xử lý ngay.

“Cho nên sản phẩm này chưa được bán ra thị trường và chưa được đưa vào xưởng chế biến nước mắm. Các doanh nghiệp vi phạm chưa bán được nguyên liệu cho bất cứ cơ sở nào cả. Cơ quan công an đã điều tra rất kỹ”, ông Tiến khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Tiến khẳng định chưa có sản phẩm nước mắm sai phạm nào tuồn được ra thị trường. Ảnh: K.L.

Bán dịch nước mắm giá 7.000-9.000 đồng/lít

Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Tiến cho biết tại các cơ sở được thanh tra nói trên, nguyên liệu dùng trong sản xuất nước mắm gồm: dịch bột ngọt của Công ty Vedan Việt Nam (dung dịch có tính axit, công bố dưới dạng phụ gia thực phẩm) hoặc dùng dịch nước tôm, dịch bổi cá (nước đầu của việc ủ cá với muối).

Những nguyên liệu trên sau khi khi xử lý được cho chạy qua xác cá ủ chượp (đã loại thải sau khi thu hoạch nước mắm truyền thống). Cuối cùng, cho ra các sản phẩm nước mắm bán thành phẩm có độ đạm khác nhau tùy theo việc cô đặc và phụ gia chế biến (có mùi vị của nước mắm).

Ông Tiến cho biết nước mắm bán thành phẩm dự kiến được bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm có quy mô lớn, nhỏ khác nhau để tiếp tục sử dụng các chất điều vị, mùi, màu hoặc tiếp tục xử lý, cô đặc để thành các sản phẩm nước mắm có giá trị khác nhau đưa ra thị trường tiêu thụ.

Nguyên liệu soda công nghiệp được sử dụng để khử axit trong dịch bột ngọt. Theo hồ sơ công bố, dịch bột ngọt có tính axit (PH từ 3-4), giá thành bán ra rất thấp, tính cả chi phí vận chuyển thì có giá thành 500 đồng/lít.

Theo quy trình khử chua, doanh nghiệp đưa khoảng 17.000 lít hỗn hợp gồm 95% dịch bột ngọt, 5% dịch nước tôm và 120 kg Na2CO3 (soda công nghiệp) để trung hòa axit trong dịch bột ngọt, đun bằng hơi nước trong thời gian 40-50 giờ. Sau đó dung dịch thu được 800 lít nồng độ đạm đạt 25-35oN và 700 lít muối.

Sau đó, doanh nghiệp sử dụng 800 lít này cho đi qua cá đã ủ chượp (chủ yếu là xác cá) hoặc bán luôn cho cơ sở sản xuất nước mắm. Bán dịch nước mắm này (còn gọi là nước hoa cà) với giá 7.000-9.000 đồng/lít.

Văn Hưng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-cham-cong-bo-vu-dung-soda-cong-nghiep-lam-nuoc-mam-post1036097.html