Vì sao chậm cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ?

Ông Nguyễn Giảng, quê quán xã Thạch Môn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, năm 1996 có giấy báo tử và được công nhận liệt sĩ, nhưng đến nay chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công (TQGC).

Trong đơn gửi Tin Phong, ông Nguyễn Văn Tần, nguyên quán xã Thạch Môn (nay là xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) phản ánh: Sở dĩ ông Giảng (chú ruột ông Tần) chưa được cấp bằng TQGC vì hồ sơ liệt sĩ (LS) có sự khúc mắc chưa được làm rõ liên quan đến LS Nguyễn Giống. Tại xã Thạch Môn có tên LS Nguyễn Giống, đã được cấp bằng TQGC nhưng nhiều năm không có người nhận.

Photo: ..

Photo: ..

Ông Tần cho rằng, LS Giảng và LS Giống là một người. Tháng 1/2020, tại cuộc họp Hội đồng chính sách để đính chính thông tin LS (có lãnh đạo xã Đồng Môn tham dự) đã đề cập: Trong sách lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Thạch Môn tập 1 (1930-2010) có ghi ông Nguyễn Giảng là LS chống Pháp. Qua đó, Hội đồng kết luận LS Nguyễn Giảng và LS Nguyễn Giống là một người. “Sau đó, gia đình đề nghị được sửa lại thông tin LS Nguyễn Giống thành Nguyễn Giảng, nhưng đến nay chưa được chấp thuận”- ông Tần cho biết.

Ngày 9/2/2021, Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố Hà Tĩnh có văn bản (số 46) trả lời báo Tin Phong, cho biết: Trước sự việc trên, Phòng LĐ-TB&XH TP Hà Tĩnh đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Hà Tĩnh và UBND xã Đồng Môn nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về LS Nguyễn Giống và Nguyễn Giảng.

Theo đó, LS Nguyễn Giảng là con ông Nguyễn Bạng và bà Trương Thị Mây, quê quán xã Thạch Môn, nhập ngũ tháng 4/1953, hy sinh tháng 4/1954 tại mặt trận phía Bắc, hiện chưa được cấp bằng TQGC. Còn LS Nguyễn Giống (mẹ là bà Đặng Thị May), quê quán xã Thạch Môn, nhập ngũ ngày 20/4/1953, mất tin trong kháng chiến chống Pháp, đã được cấp bằng TQGC. Theo quyết định số 119 (ngày 11/8/1961), gia đình LS Giống được hưởng mức trợ cấp 76,86 đồng. Nhưng từ trước đến nay không có thân nhân hưởng trợ cấp và thờ cúng LS Giống, và hiện trên địa bàn xã Đồng Môn không ai biết thông tin về LS này.

Trong Văn bản 46 nhận định, từ trước đến nay không có thân nhân hưởng trợ cấp và thờ cúng LS Giống, nhưng không có nghĩa là không có LS này. Còn việc chỉ căn cứ một số thông tin về LS Nguyễn Giảng trong quyển sách Lịch sử Đảng bộ xã Thạch Môn, không thể khẳng định đây là LS Nguyễn Giống. “Đến nay, chưa có thông tin đầy đủ để khẳng định LS Nguyễn Giống và Nguyễn Giảng là một hay hai người”- Văn bản 46 kết luận.

Ông Nguyễn Văn Tần cho biết, sau khi ông Nguyễn Giảng được công nhận LS, gia đình ông được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần vào năm 1996. Do chưa được cấp bằng TQGC nên đến nay gia đình ông chưa được hưởng chế độ trợ cấp thờ cúng LS Giảng. “Nhiều năm qua, tôi đã đề nghị được đính chính thông tin trong hồ sơ của LS Nguyễn Giống thành LS Nguyễn Giảng nhưng đến nay cấp có trách nhiệm vẫn nhận định là chưa có cơ sở. Thế nên, đến nay chú tôi đã được công nhận LS, nhưng vẫn chưa được cấp bằng TQGC”- ông Tần cho biết.

Ngày 24/10/2020, Báo Tiền Phong đã chuyển đơn của ông Nguyễn Văn Tần về sự việc trên tới Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), nhưng hiện chưa nhận được hồi âm.

Kiến Nghĩa

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/vi-sao-cham-cap-bang-to-quoc-ghi-cong-cho-liet-si-1805883.tpo