Vì sao cha đẻ của truyện ngắn Nhật Bản tự sát ở tuổi 35?

Sự chối từ của cuộc đời đối với vai trò tuyệt đối của nghệ thuật đã đẩy Akutagawa đến tận cùng thống khổ, khiến tự sát là cứu rỗi duy nhất.

Chiều 8/6, tại đường sách TP.HCM đã diễn ra cuộc trò chuyện giữa nhà văn Hoàng Long và dịch giả Phạm Bích về chủ đề “Văn chương là sinh mệnh”. Chương trình diễn ra dưới sự dẫn dắt của nhà văn, dịch giả Đỗ Nhật Phi.

“Khi cái đẹp tuyệt đối ngự trị trên thân xác phù du” - câu nói của Akutagawa Ryunosuke trong cuốn Cuộc đời kẻ ngốc viết vào lúc cuối đời của ông có thể xem là châm ngôn cốt tủy cho nghệ thuật sáng tác. Đời văn chói lọi rực rỡ trong ngắn ngủi của ông là minh chứng cho châm ngôn ấy.

Từ trái qua: nhà văn, dịch giả Hoàng Long, dịch giả Phạm Bích và nhà văn Nhật Phi tại chương trình chiều 8/6.

Từ trái qua: nhà văn, dịch giả Hoàng Long, dịch giả Phạm Bích và nhà văn Nhật Phi tại chương trình chiều 8/6.

Cuộc đời một kẻ ngốc chưa được nhiều độc giả Việt Nam biết tới. Tác phẩm sẽ cho người đọc một cái nhìn thật sâu vào nội tâm nhiều phần bất ổn của Akutagawa Ryunosuke tiên sinh, vẫn được coi như một chỉ dấu, một manh mối dẫn tới lựa chọn cuối cùng của ông.

Đây là tuyển tập những tác phẩm đáng nhớ trong văn nghiệp Akutagawa được sắp xếp theo trình tự thời gian sáng tác giúp độc giả có được cái nhìn tổng quan không chỉ về văn tài độc nhất vô nhị của Nhật mà còn cả ý niệm về dòng chảy tâm thức trong Akutagawa qua 15 năm sáng tác.

Trong tác phẩm, 4/5 truyện là truyện cổ. Chia sẻ về những khó khăn gặp phải khi dịch, dịch giả Phạm Bích nói: “Cuốn sách ra đời đã khá lâu nên có một số từ cổ, thậm chí có những ký tự không còn trong bảng chữ cái tiếng Nhật. Điều này cũng là một khó khăn khi chuyển ngữ, nhưng khi đã quen với cách dùng từ và diễn đạt thì người dịch vượt qua được. Tôi cảm thấy may mắn khi dịch cuốn sách này”.

Cả cuộc đời Akutagawa là minh chứng cho một bi kịch của kẻ tài hoa đi tìm cái đẹp tuyệt đối. Các nhà phê bình Nhật Bản đã gọi chủ nghĩa duy mỹ của Akutagawa là “chủ nghĩa nghệ thuật tối thượng”.

Cuốn sách Cuộc đời một kẻ ngốc

Nói về quan điểm văn chương của Akutagawa, nhà văn, dịch giả Hoàng Long cho rằng: “Akutagawa dùng ngòi bút sắc bén như bác sĩ giải phẫu tử thi. Trong khi lạnh lùng phân tích tỉ mỉ cái xác chết tên gọi cuộc đời, Akutagawa chỉ toàn tìm thấy sự xấu xa ích kỷ. Từ một nhà sư đau khổ vì cái mũi dài cho đến đám nhà thơ trong Cánh đồng khô hay họa sĩ Yoshihide trong Địa ngục… không ai thoát khỏi lưỡi dao mổ của Akutagawa. Đôi khi Akutagawa dùng dao mổ ngược".

"Kappa là một thế giới giả tưởng cho Akutagawa lật ngược thế giới nhìn qua đôi chân để tìm lấy một niềm tin nào còn sót lại. Câu trả lời vẫn mãi mãi là không. Sự chối từ vĩnh viễn của cuộc đời đối với vai trò tuyệt đối của nghệ thuật đã đẩy Akutagawa đến tận cùng thống khổ, chất chứa thêm bao nhiêu u uất trên một thân xác vốn dĩ mong manh, khiến tự sát là sự cứu rỗi duy nhất sau cùng. Cũng như Dazai Osamu, đó là thứ văn chương phải đánh đổi bằng sinh mệnh”.

Akutagawa Ryunosuke là cái tên không xa lạ gì với những người yêu mến văn học Nhật Bản, từ vị thiên tài vắn số cho tới giải thưởng nâng cánh vô vàn nhà văn hậu thế.

Được coi là "cha đẻ của truyện ngắn Nhật Bản", nhưng những tác phẩm lớn nhất của Akutagawa lại mang dáng dấp của tiểu thuyết và phần nào tiến tới ngưỡng truyện vừa.

Nhà văn Akutagawa.

Chỉ 35 năm tuổi đời, 15 năm con đường văn nghiệp, Akutagawa đã để lại cho hậu thế hơn 300 truyện ngắn và vừa, đưa tên tuổi ông sánh ngang với hai tác gia Soseki Natsume và Mori Ougai. Họ được xem là “ba trụ cột” của văn học hiện đại Nhật Bản. Các tác phẩm của Akutagawa trở thành mẫu mực kinh điển cho thể loại truyện ngắn trên thế giới.

Trong số đó có nhiều kiệt tác như Cái Mũi, Lã Sinh Môn, Địa ngục, Trong rừng cúc… Đặc biệt, truyện vừa Cuộc đời một kẻ ngốc được viết trong năm cuối đời của Akutagawa được coi là một tiểu tự truyện của tác gia.

Cuộc đời vẻn vẹn 35 năm của Akutagawa kết thúc bằng một liều thuốc ngủ lớn khi ông đang trên đỉnh cao sự nghiệp văn chương. Trước đó, ông cũng phải chống chọi với chứng điên di truyền từ mẹ.

Ông giống như một ánh sao băng phi lý, chói sáng mà ngắn ngủi trên bầu trời văn chương không chỉ của Nhật Bản.

Ngân Trà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-cha-de-cua-truyen-ngan-nhat-ban-tu-sat-o-tuoi-35-post954933.html