Vì sao cầu Thăng Long cấm phương tiện lưu thông từ ngày 28/7?

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, sẽ dừng các hoạt động lưu thông qua cầu Thăng Long để phục vụ công tác sửa chữa.

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, mọi công tác sửa chữa mặt cầu được chuẩn bị sẵn sàng. Tổng cục Đường bộ sẽ phân luồng giao thông thử từ ngày 28/7 đến 8/8. Thời điểm này sẽ cấm các phương tiện lưu thông qua cầu.

Theo tính toán, tổng mức đầu tư dự án sửa chữa cầu Thăng Long là 269,3 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư là kinh phí sự nghiệp chi cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ. Nhà thầu thi công là nhà thầu Việt Nam. Thời gian thực hiện sửa chữa là 150 ngày.

Mặt cầu Thăng Long bị xuống cấp nghiêm trọng.

Mặt cầu Thăng Long bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nhấn mạnh tính cấp thiết của việc cải tạo mặt cầu Thăng Long, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay, đơn vị đã thực hiện việc nghiên cứu sửa chữa mặt cầu Thăng Long căn cơ nhất để khai thác êm, an toàn, bền vững lâu dài đối với công trình này. Cầu Thăng Long cũng sẽ được khai thác đồng bộ với đường vành đai 3.

Để công tác thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là lớp bê tông siêu tính năng (UHPC), theo Tổng cục cần thiết phải tổ chức phân luồng giao thông và cấm các phương tiện lưu thông trên mặt cầu (tầng 2) và điều chỉnh lại tốc độ chạy tàu ở tầng 1 trong quá trình thi công xây dựng.

Để đảm bảo điều kiện thi công và tránh những vấn đề về thời tiết mưa, nắng gây bất lợi trong quá trình thực hiện dự án, toàn bộ cầu Thăng Long sẽ được lập mái che bằng tôn.

Công tác tổ chức thi công sửa chữa cầu Thăng Long sẽ do Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp, lên phương án phân luồng giao thông từ xa, hướng dẫn xe tải, xe khách liên tỉnh từ phía Nam ra Bắc và ngược lại đi theo cầu Hưng Hà, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Thịnh để tránh cầu Thăng Long.

Riêng nội thành Hà Nội có 16 tuyến xe buýt đi qua cầu Thăng Long sẽ chuyển sang đi cầu Nhật Tân ở hạ lưu cầu Thăng Long. Các tuyến xe khách từ bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa đi qua cầu Nhật Tân thay vì cầu Thăng Long.

Xe chở công nhân đi làm 2 bên sông Hồng cũng đi theo cầu Nhật Tân. Còn xe máy, xe thô sơ vẫn đi ở tầng 1 cầu Thăng Long.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11/1974, hoàn thành tháng 5/1985.

Công trình có 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ, trong đó cầu ôtô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5m, phần đường ôtô rộng 16,5m gồm 4 làn xe, chiều rộng hành lang bộ hành hai bên 2m.

Đến nay mặt cầu trên phần cầu ô tô đã hư hỏng sau lần sửa chữa vào năm 2009.

Linh Phi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-cau-thang-long-cam-phuong-tien-luu-thong-tu-ngay-287-ar558750.html