Vì sao cầu đi bộ Hoàng Minh Giám có giá 11,6 tỉ?

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, giải thích chi phí cao hơn các cầu khác vì đây là cây cầu 'ba trong một'.

Sở GTVT TP.HCM vừa đưa vào sử dụng cầu đi bộ trên đường Hoàng Minh Giám, nối khu A và khu C của Công viên Gia Định. Ý kiến nhiều người dân cho rằng cầu được xây dựng với tổng mức đầu tư 11,6 tỉ đồng là quá đắt so với các cầu đi bộ khác cũng vừa được Sở GTVT xây dựng, đưa vào sử dụng (mức đầu tư 3,2-3,6 tỉ đồng). Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, về những thắc mắc trên.

. Phóng viên: Thưa ông, cầu đi bộ Hoàng Minh Giám có mức đầu tư được người dân cho là cao so với các cầu khác. Vì sao cầu có mức đầu tư cao như vậy?

Ông Võ Khánh Hưng

+ Ông Võ Khánh Hưng: Cầu đi bộ này được đặt ở vị trí trung tâm và nối hai khu A và C của Công viên Gia Định. Vì vậy, điều đặc biệt của cầu này là nó không chỉ đáp ứng nhu cầu lưu thông (đi bộ) mà phải thỏa mãn hai nhu cầu khác là: Một, phải đáp ứng về mặt tổng quan kiến trúc, đô thị của khu vực công viên là hài hòa, đẹp, có tính mỹ thuật cao; hai, phải là không gian, nơi nghỉ chân, thư giãn của người dân khi qua cầu. Vì thế chúng tôi gọi đây là cây cầu “ba trong một”.

. Ba nhu cầu đó được thể hiện như thế nào ở cây cầu này, thưa ông?

+ Về lưu thông, đi bộ ở trên và giải quyết ùn tắc cho bên dưới, nhất là quanh khu vực gần ngã tư Hoàng Minh Giám-Đặng Văn Sâm và lên xuống cầu vượt Nguyễn Thái Sơn, khu vực đầu đường Phổ Quang là rõ rồi và hiệu quả đã thấy rõ từ lúc đưa cầu này vào sử dụng.

Về mỹ thuật, đây là cây cầu có vòm sắt tròn ở bên trên, không phải chỉ đơn thuần là một dải bê tông dầm cầu vắt ngang đường nên nhìn từ xa, từ cả hai phía thì cầu rất đẹp, nhất là vào ban đêm khi đèn chiếu sáng bật lên. Cũng về mặt kiến trúc, để tránh đơn điệu, cầu thang bộ ở khu A lên xuống cầu chính được làm theo hình chữ U, còn cầu thang bộ lên xuống khu C có hình chữ T.

Cầu đi bộ Hoàng Minh Giám được chăm chút hơn về mỹ thuật. Ảnh: HOÀNG GIANG

Về không gian dừng chân, nơi thư giãn cho người dân thì ở cầu thang bộ lên xuống khu C có hai chiếu nghỉ nhỏ. Cầu thang bộ lên xuống khu A có cả một dải chiếu nghỉ lớn dài hơn 20 m, rộng gần 3 m. Ở phần cầu chính dài hơn 35 m, mặt cầu được làm rộng hơn 4,4 m (các cầu đi bộ khác chỉ rộng hơn 2-2,2 m). Như vậy ở cả hai cầu thang bộ và cầu chính, người dân có thể vừa đi bộ vừa có không gian dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh công viên xung quanh và cận cảnh chiêm ngưỡng cây cầu đẹp này. Một tiện ích khác là ở cả hai cầu thang bộ đều có lối đi riêng, đặc biệt dành cho người khuyết tật lên xuống cầu thuận lợi.

Xin nói thêm phương án “ba trong một” không phải là của riêng Sở GTVT TP. Sở GTVT chỉ đưa ra ý tưởng và giải pháp kỹ thuật, kết cấu đi cùng. Còn thông qua phương án là cả Hội đồng Kiến trúc TP và được thống nhất hồi tháng 12-2016.

. tổng mức đầu tư cây cầu được xây dựng và phê duyệt như thế nào?

+ Như tôi đã nói, cây cầu này nhằm đáp ứng ba nhu cầu giao thông, mỹ thuật và sinh hoạt của người dân nên các giải pháp kỹ thuật, kết cấu phải được làm khác các cầu bình thường chỉ phục vụ mục đích đi bộ. Từ đó mới có tổng mức đầu tư đó. Cạnh đó, tổng mức đầu tư là trên cơ sở các quy định hiện hành và được các sở, ngành, Hội đồng Kiến trúc TP thẩm định, đồng thuận.

. Xin cám ơn ông.

Xây cầu có lãng phí?

. cũng có ý kiến cho rằng cầu đi bộ Hoàng Minh Giám đặt gần ngã tư Hoàng Minh Giám-Đặng Văn Sâm, nơi có vạch dành cho người đi bộ khi đèn đỏ nên việc xây cầu là lãng phí?

+ Cần phân biệt, đi bộ qua ngã tư bằng tín hiệu đèn là đi bộ không liên tục, còn đi bộ qua cầu vượt là liên tục. Và như đã nói, người dân đi bộ lên cầu còn để thưởng lãm không gian xung quanh, dừng chân thư giãn. Còn đi bộ qua ngã tư thì không thể dừng lại để mà ngắm nhìn... Còn việc sao không đưa cầu ra xa ngã tư? Nếu xích về hướng đường Phổ Quang thì sẽ mất đi điểm giữa của công viên và mất luôn khoảng lùi mỹ thuật nhìn lên cầu vòm từ cả hai phía. Còn đưa về gần cầu vượt Nguyễn Thái Sơn thì nơi này lại có nhánh rẽ phải vào nút giao Nguyễn Kiệm-Nguyễn Thái Sơn. Như vậy cầu sẽ phải làm dài hơn 45-50 m chứ không phải là 37 m.

Theo ông Võ Khánh Hưng, lâu nay chúng ta làm cầu đường bộ, cầu vượt hoặc cầu đi bộ mới chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông. Vậy nên trong điều kiện kinh tế TP cho phép thì rất cần có những cây cầu đẹp, cầu - không gian nghỉ ngơi, thư giãn cho người dân. Ví dụ, cầu Thủ Thiêm 2 đang xây dựng sẽ có hình tượng cánh buồm vươn khơi hoặc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn nối bến Bạch Đằng với Thủ Thiêm sẽ là không gian thư giãn, nghỉ ngơi, vui chơi cho người dân...

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/vi-sao-cau-di-bo-hoang-minh-giam-co-gia-116-ti-771463.html