Vì sao cao tốc Bến Lức - Long Thành trễ hẹn hoàn thành năm 2020?

Hiện nay, một số gói thầu của dự án đã dừng thi công trên công trường do không có đủ nguồn lực tài chính...

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang chậm tiến độ hoàn thành khoảng 17,9% so với thời gian trong quyết định phê duyệt dự án

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang chậm tiến độ hoàn thành khoảng 17,9% so với thời gian trong quyết định phê duyệt dự án

Tin từ Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCGT) cho biết, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư đang chậm tiến độ hoàn thành khoảng 17,9% so với thời gian trong quyết định phê duyệt dự án.

Cụ thể, sản lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 10.652,9 tỷ đồng, đạt 78,6% (chậm hơn 17,9%). Trong đó, đoạn vốn ADB phía Tây đạt hơn 87% (chậm 12,9%); Đoạn vốn JICA đạt hơn 84,5% (chậm hơn 15,5%) và đoạn vốn ADB phía Đông đạt hơn 36% (chậm hơn 32%).

Theo Cục QLXD&CLCGT, các gói thầu sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chậm chủ yếu là do thiếu vốn (Hiệp định vay vốn chưa được gia hạn và thời gian hoàn thành dự án chưa được gia hạn nên cơ quan giải ngân dừng giải ngân cho các gói thầu phía Đông).

Tương tự, các gói thầu vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chậm do vốn đầu tư công từ năm 2019 chưa được bố trí cho VEC.

Cục QLXD&CLCGT cho biết, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ không hoàn thành trong năm 2020 (thời hạn kết thúc Hiệp định khung vào ngày 14/12/2020). Hiện nay, một số gói thầu đã dừng thi công trên công trường do không có đủ nguồn lực tài chính vì khối lượng thực hiện sau ngày 30/6/2019 chưa được giải ngân.

Đối với công tác rà soát thiết kế cầu Bình Khánh, Bộ GTVT đã có ý kiến chính thức đối với kết quả rà soát của tư vấn thiết kế và đã yêu cầu VEC chỉ đạo tư vấn thiết kế hoàn thiện hồ sơ thiết kế trên cơ sở các nội dung đã được các bên thống nhất để triển khai thực hiện.

Về công tác GPMB, đoạn vốn ADB phía Tây (gói thầu A1-A4), còn 17 hộ chưa GPMB, tập trung tại huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) ảnh hưởng đến việc thi công các gói A1 (5 hộ) và gói A2-2 (12 hộ).

Đối với đoạn ADB phía Đông (gói thầu A5 - A7) đã bàn giao mặt bằng 97% diện tích. Hiện nay, còn vướng 34 hộ, trong đó, gói thầu A5 vướng 2 hộ, gói thầu A6 vướng 5 hộ, gói thầu A7 vướng 27.

“Các gói thầu phía Đông tuy có tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao, nhưng mặt bằng xôi đỗ, một số vị trí không có đường tiếp cận để vận chuyển thiết bị và vật liệu vào công trường”, đại diện Cục QLXD&CLCGT cho biết.

Được biết, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58km, có tổng mức đầu tư hơn 1,488 tỷ USD, gồm: Vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 647,12 triệu USD và 569,3 triệu USD từ vốn vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), còn lại vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 272,46 triệu USD.

Dự án chia thành 3 phân đoạn, sử dụng các hiệp định vay vốn khác nhau và thời gian đầu tư cũng khác nhau. Trong đó, đoạn 1 (đoạn phía Tây) gồm các gói xây lắp từ A1-A4, sử dụng vốn vay ADB. Đoạn 2 sử dụng vốn vay của JICA gồm các gói thầu J1, J2 và J3. Còn lại, đoạn 3 (đoạn phía Đông) gồm 3 gói thầu xây lắp từ A5 - A7 sử dụng vốn vay ADB.

Đình Quang

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-cao-toc-ben-luc-long-thanh-tre-hen-hoan-thanh-nam-2020-d470443.html