Vì sao cần xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa?

Trong lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là sự kiện quan trọng của tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

18h ngày 25/9, ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện E (Hà Nội) và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng phối hợp hoàn thành những bước cuối cùng của ca mổ tim bẩm sinh cho bệnh nhi 29 tháng tuổi.

Kíp mổ gồm các bác sĩ ở 2 điểm cầu cách xa gần 800 km. GS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, cho biết: "Ca mổ đã gần hoàn thành, nhịp tim trở lại. Công việc còn lại của phẫu thuật viên chỉ là cầm máu, rút ống và thực hiện tim phổi nhân tạo".

Đặc biệt, tại một địa điểm khác ở Hà Nội, ca phẫu thuật được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc theo dõi trực tiếp trên màn hình. Ông còn trò chuyện, động viên các bác sĩ đang đứng trong phòng mổ.

Đó là thành quả khi xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) của ngành y tế Việt Nam.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mặt trong Lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mặt trong Lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh: Hoàng Hiệp.

"Đề án có ý nghĩa nhân văn cao cả"

Cùng ngày, Bộ Y tế tổ chức Lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa tại Hà Nội. Thông qua sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Bộ Y tế với việc xây dựng và triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa.

"Đây là đề án có ý nghĩa nhân văn cao cả, hướng tới việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên mọi miền tổ quốc, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa", Thủ tướng nhận định.

Ngày 22/6, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu của đề án này là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám, chữa bệnh và hỗ trợ chuyên môn từ các bác sĩ ở tuyến xã cũng như tuyến Trung ương. Bên cạnh đó, người dân sẽ được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại tuyến dưới.

Đề án này được đưa ra trong bối cảnh ngành y tế và cả nước phải đối mặt nhiều khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát.

Phát biểu khai mạc sự kiện, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Việt Nam đã áp dụng nhiều ý tưởng, mô hình mới nhằm biến nguy thành cơ, qua đó phát triển và cải thiện tình hình. Trong đó, hoạt động khám, chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng nhanh chóng".

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu khai mạc Lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh: BYT.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mở rộng hoạt động khám, chữa bệnh từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành y tế. Qua đó, chúng ta sẽ hướng tới việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên toàn tuyến và sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.

Ông nhấn mạnh Telehealth sẽ giúp người dân cả nước, tại bất cứ đâu, đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại cơ sở tuyến dưới. Đồng thời, đề án này còn hạn chế được việc chuyển tuyến, quá tải hay tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Người dân khi ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ, tư vấn và điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.

"Tôi tin rằng trong tương lai gần, nhiều bệnh nhân của chúng ta, trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, sẽ không cần ra nước ngoài để khám, chữa bệnh nữa”, Thủ tướng nói.

Trong thời gian tới, mục tiêu của đề án là đạt được 14.000 điểm cầu kết nối vào hệ thống khám chữa bệnh từ xa.

Những dấu hiệu tích cực

Khi Đề án Khám, chữa bệnh từ xa được phê duyệt, Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là đầu mối phối hợp bệnh viện trên toàn quốc cùng các giáo sư, thầy thuốc khẩn trương triển khai hoạt động.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, toàn bộ 63 tỉnh/thành phố của Việt Nam đã đăng ký tham gia. Đặc biệt, một số bệnh viện của các nước láng giềng như Lào (2) và Campuchia (1) cũng đăng ký để kết nối và tham gia với cương vị bệnh viện tuyến dưới.

Các đại biểu đồng thời đặt tay phải lên để bấm nút khánh thành 1.000 cơ sở khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh: BYT.

Trong 2 tháng triển khai, hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TP.HCM.

"Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé... đã đăng ký tham gia và được kết nối với các bệnh viện trung ương gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế...", PGS Khuê cho hay.

Ngày trong buổi lễ, thông qua hệ thống Telehealth, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên và chia sẻ với cơ sở y tế ở huyện đảo Cô Tô.

Ông Nguyễn Phú Nhuận, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cô Tô (Quảng Ninh), cho biết cơ sở này đang tham gia tư vấn trực tuyến với các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).

"Tôi vui mừng vì thấy mọi người rất rõ. Chúc mừng Bệnh viện Nhi Trung ương và các đồng chí tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô. Chúc mọi người sức khỏe, ứng dụng công nghệ mới thành thạo và vận dụng được trí tuệ của các bác sĩ giỏi ở nước ta", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Điểm cầu Trung tâm y tế huyện Cô Tô chia sẻ về tình hình ứng dụng Telehealth với chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt. Ảnh: BYT.

Bên cạnh đó, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời, không phải chuyển tuyến trên trong 2 tháng qua.

Ông Lương Ngọc Khuê nhận định dù được triển khai cách đây khoảng 10 năm, khám, chữa bệnh từ xa thời điểm đó chưa đồng bộ. Vừa qua, hệ thống này đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

"Cái cần của tuyến dưới, cái có của tuyến trên cùng nền tảng công nghệ thông tin đã tạo nên sự đồng bộ và mang tới kết quả ngày hôm nay", Cục trưởng Khuê nhấn mạnh.

Thách thức

Dù có nhiều điểm sáng, việc triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa vẫn còn nhiều thách thức. "Trước đây, chúng ta có đầy đủ các quy chế từ hội chẩn đến chuyên môn ở các chuyên khoa. Tuy nhiên, khi công việc này được triển khai từ xa, các quy chế đó phải thay đổi để vẫn được đảm bảo trên nền tảng công nghệ. Đồng thời, yếu tố bảo mật thông tin cũng rất đáng lưu ý", PGS Khuê nhận định.

Ngoài ra, các quy định về kỹ thuật, quy trình, không gian hội chẩn, đặt máy quay, màn hình, thậm chí dữ liệu cận lâm sàng, điện tim, X-quang, bệnh cảnh của bệnh nhân cũng cần được tính toán và đưa ra chính xác, phù hợp nhất.

Theo PGS Khuê, các vấn đề như bác sĩ phải giữ thông tin cho người bệnh, không được phép livestream, tránh nhận xét xúc phạm đồng nghiệp hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp phải tiếp tục được xem xét và hoàn thiện quy tắc chung.

Ông nhận định quy trình hội chẩn, đặc biệt là cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế cần tìm cách vào cuộc nhằm chi trả cho dịch vụ và nền tảng một cách thỏa đáng nhất.

Do đó, PGS Khuê chia sẻ: "Chúng tôi mong các cơ quan, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ cố gắng hết sức để hoàn thiện hơn đề án này. Sự đồng hành và quyết liệt của các bộ, ban, ngành có thể giúp chúng tôi mang đến sự lựa chọn cho người dân cũng như động viên các bác sĩ trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn để lại nhiều ảnh hưởng trong cuộc sống".

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-can-xay-dung-he-thong-kham-chua-benh-tu-xa-post1135220.html