Vì sao cần tập trung đầu tư cao tốc đường bộ Bắc - Nam?

Về dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng thời gian tiến hành dự án từ năm 2019 đến 2022 là chưa hợp lý, nên ưu tiên dành nguồn lực làm đường sắt tốc độ cao thay cho đầu tư đường bộ cao tốc.

Ảnh minh họa.

Trao đổi với báo chí thắc mắc này tại tọa đàm “Giải đáp câu hỏi nóng về đầu tư cao tốc Bắc –Nam” vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT đã được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông ở 5 lĩnh vực quản lý gồm: đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy, hàng hải.

Những năm qua, các lĩnh vực này đều được quan tâm đầu tư để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội đất nước và nhu cầu giao thương, đi lại. Còn lý do vì sao phải trình dự án cao tốc Bắc – Nam, đó là trên cơ sở quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, trong đó có 6.114km đường cao tốc.

Theo Thứ trưởng Nhật, trong quy hoạch cũng ghi rõ, dự kiến đến năm 2020, phấn đấu có 2.000 - 2.500 km đường cao tốc. Dựa vào quy hoạch, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt trong những năm vừa qua và đã hoàn thành được 746km/6.114km. Con số này so với quy hoạch và nhu cầu thực tế còn rất hạn chế.

Vì vậy, để bảo đảm cơ sở hạ tầng giao thông đi trước một bước theo Nghị quyết 13, giải quyết được 3 điểm tắc nghẽn để Việt Nam phát triển mà Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo là: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế chính sách, Bộ GTVT đã nghiên cứu và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nói chung, trong đó có 5 lĩnh vực chứ không chỉ riêng đường bộ.

Tuy nhiên, trên thực tế về đường biển, trong quy hoạch năm 2015, các cảng biển có thể đạt được 500 ngàn tấn thông qua. Vận tải đường biển cơ bản đảm bảo nhu cầu vận chuyển Bắc - Nam, cũng như vận tải quốc tế. Về hệ thống Đường thủy nội địa, đây là mảng tập trung nhiều ở khu vực Tây Nam bộ với 60%, còn lại là nằm ở một số tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Trong khi đó, vận tải Bắc – Nam, đường thủy nội địa cũng rất khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào tuyến ven biển mới hoạt động cách đây 2 năm. Đường ven biển chỉ chạy được theo mùa và tùy theo thời tiết. Nếu thời tiết xấu, tàu nhỏ không thể đi được.

Về hàng không, hiện tốc độ phát triển là 14% - 16%/năm và được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đánh giá là 1 trong 7 nước có tốc độ phát triển hàng không lớn nhất thế giới trong năm 2015 và đứng thứ 3 châu Á về phát triển hàng không. Vận tải hành khách qua hàng không năm 2015 đạt gần 70 triệu khách, tốc độ tăng trưởng rất lớn.

"Đặc biệt, khi chúng ta nâng cấp sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, vận chuyển hàng không đối với hàng hóa nhanh, nhưng tải trọng thấp nên không đáp ứng được nhiều cho vận tải hàng hóa Bắc - Nam", Thứ trưởng nói.

Về đường sắt, chủ yếu vận chuyển Bắc - Nam đối với hàng siêu trường, siêu trọng. Tuy nhiên, hệ thống đường sắt hiện nay có năng lực vận tải còn yếu, hạn chế. Dự án trình Quốc hội về đường sắt cao tốc là 55 tỉ USD, còn nếu làm tốc độ cao (160km/h) thì cũng là 35 - 40 tỉ USD.

Nếu chọn đường sắt để đầu tư trong giai đoạn này sẽ rất khó khăn, vì sẽ vượt trần nợ công mà Quốc hội cho phép là 60% GDP. Chính vì thế, Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu từ 2015 đến năm 2020, làm thủ tục, trình dự án và hoàn thành thủ tục đầu tư đường sắt cao tốc sau năm 2020 do vốn quá lớn và phải đầu tư toàn tuyến mới có hiệu quả.

"Vì vậy, để đáp ứng được vận tải Bắc - Nam, phát triển các khu kinh tế trọng điểm ven biển và kết nối các loại hình vận tải, chúng ta cần tập trung đầu tư hệ thống cao tốc đường bộ Bắc - Nam. Trong đó, tập trung trước vào tuyến phía Đông, gồm hơn 1.300 km.

Trên đoạn này chúng ta đã đầu tư đoạn Hà Nội - Ninh Bình, từ La Sơn - Túy Loan, Quảng Nam - Quảng Ngãi và đạt khoảng 470km, còn lại thông toàn tuyến hơn 1.300km. Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất xây dựng cao tốc phía Đông để bảo đảm phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo giao thương và ATGT", lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề này, ông Phạm Hữu Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cũng thông tin cho biết đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam nghĩa là đang xem xét về hiệu quả đầu tư phục vụ phát triển kinh tế xã hội, lưu lượng giao thông và phát triển kinh tế toàn vùng.

Bởi lẽ, theo ông Sơn, trong đề án Bộ GTVT trình Chính phủ và Quốc hội đã chỉ ra rằng tuyến phía Đông cao tốc Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, thành nhưng chiếm 45% dân cư khu vực này. Chúng ta phát triển mạnh kinh tế vùng ven biển mà 75% cảng biển lớn ở khu này; vùng kinh tế trọng điểm cũng trải dài theo tuyến này. Do đó thông qua tuyến cao tốc có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế không chỉ 20 tỉnh mà còn cả nước và đây chính là động lực xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam.

"Ngoài ra, về công tác giải phóng mặt bằng, trên trục Đông, chúng ta đầu tư 1.372 km thì có 432 km trùng với đường Hồ Chí Minh (đoạn tuyến cao tốc Đông - Tây) giúp tiết kiệm chi phí, đồng thời góp phần giảm tải cho nhiều đoạn tuyến trên Quốc lộ 1. Với những cơ sở như trên, Chính phủ định hướng từ nay tới năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành cao tốc phía Đông", ông Sơn nói.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/vi-sao-can-tap-trung-dau-tu-cao-toc-duong-bo-bac-nam-46083.html