Vì sao cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?

'Ngôn ngữ là công cụ của giao tiếp, của tư duy và là một biểu hiện của văn hóa. Quốc văn, quốc sử và quốc ngữ làm nên hồn vía của văn hóa dân tộc', PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam chia sẻ!

PGS.TS Phạm Văn Tình

Thưa ông! Thời gian gần đây, đặc biệt là khi công nghệ thông tin, mạng xã hội bùng nổ thì việc sử dụng tiếng Việt bị cho là có những lộn xộn, thậm chí xuất hiện ngay cả trên sách, báo. Là người nghiên cứu ngôn ngữ, ông có thể cắt nghĩa việc này?

Những sai sót về ngôn ngữ hay những hiện tượng lệch chuẩn ngôn từ vẫn thường hay xảy ra trong giao tiếp ở mọi ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ trên báo chí. Tiếng Việt không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện hiện nay và nhất là sự ra đời của mạng xã hội, những sai sót dễ dàng bị phát hiện vì nó “tường minh” trước cộng đồng. Người viết bây giờ đa dạng hơn, ở nhiều trình độ khác nhau nên cũng bộc lộ nhiều hạn chế về kĩ năng sử dụng ngôn ngữ. Ai cũng có thể là một “truyền thông viên” (từ học sinh tiểu học đến nhà khoa học đại tài).

Nhiều người cho rằng, tiếng Việt đang trở nên “bát nháo”. Nhận định như vậy cũng cần suy nghĩ mặc dù thực tế cũng chưa đến nỗi thảm họa.

Không chỉ trong đời sống, mà ngay cả ở văn bản pháp quy, có trường hợp tiếng Việt cũng bị sử dụng một cách mà theo nhiều người là “vô nghĩa”. Ví dụ, khái niệm “thu giá” mà ngành Giao thông đưa ra mới đây. Theo ông, từ “thu giá” có nghĩa không? Nếu không thì việc sử dụng nó trong các văn bản mang tính pháp quy, sẽ nguy hại như thế nào?

Cái biển hiệu “Trạm thu giá” kia mắc một lỗi cần phải bàn. Đó là lỗi logic kết hợp.

Tổ hợp từ này có 3 thành tố có nghĩa: 1) trạm, 2) thu và 3) giá. Tiếng Việt ngàn xưa cho đến nay sử dụng 3 từ này ra sao?

Theo Từ điển tiếng Việt bản mới nhất (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2017) thì:

TRẠM có 2 nghĩa: “1.[cũ] nhà dựng lên ở từng chặng trên dọc đường cái quan, dùng làm nơi vận chuyển công văn thời phong kiến. 2. nhà, nơi bố trí ở dọc đường giao thông để làm một nhiệm vụ nhất định nào đó”. Như vậy, trạm hiện dùng thuộc nghĩa thứ 2.

THU có 6 nghĩa: “1. nhận lấy, nhận về từ nhiều nguồn, nhiều nơi. 2. tập trung từ nhiều nơi về một chỗ. 3. đạt được, có được kết quả nào đó sau một quá trình hoạt động. 4. ghi lại âm thanh, hình ảnh nào đó bằng những phương tiện máy móc nhất định. 5. làm cho nhỏ lại hoặc gọn lại. 6. làm cho thân mình hoặc một bộ phận nào đó của cơ thể gọn lại, choán ít chỗ hơn và thường khó nhận thấy hơn”. Ta dễ dàng nhận ra thu trong trường hợp đang xét thuộc nghĩa 1.

GIÁ (mục II) có 2 nghĩa: “1. biểu hiện giá trị bằng tiền. 2. tổng thể nói chung những gì phải bỏ ra, tiêu phí, mất đi [thường là nhiều] cho một việc làm nào đó”. Ta cũng thấy nghĩa 1 của từ giá này là thích hợp với nội dung đang xét.

Kết hợp “trạm + thu + giá” rõ ràng là cọc cạch, không ổn. Bởi không ai “thu cái biểu hiện bằng tiền” mà phải thu cái gì mà người ta thấy là họ có quyền làm điều đó.

Trong khi đó, từ PHÍ (trong kết hợp “trạm + thu + phí”) lại hoàn toàn thích hợp. PHÍ [mục II) có nghĩa là “khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó”.

Tôi tin rằng, bất cứ một người dân nào đọc biển hiệu “Trạm thu phí” đều hiểu rõ yêu cầu cần phải trả một khoản tiền phải trả (với tư cách là người tham gia lưu thông trên đường).

Ảnh minh họa

Bộ Giao thông - Vận tải giải thích “giá” ở đây là viết rút gọn tổ hợp từ “giá dịch vụ sử dụng đường bộ”. Kết hợp này nghe cũng không ổn vì “phí dịch vụ” sẽ được cụ thể hóa bằng các mức giá dịch vụ khác nhau. Sao không nói là “thu phí” vừa đơn giản, vừa dễ hiểu vì nó hoàn toàn phù hợp với ngữ nghĩa ta vẫn sử dụng (trong Phí sẽ có Giá cụ thể).

Đưa ra tổ hợp “Trạm thu giá” bất chấp cách sử dụng thông thường của tiếng Việt, Bộ Giao thông - Vận tải tự cho mình cái quyền “một mình một kiểu” chẳng giống ai. Trưng biển như thế, Bộ không chỉ làm rắc rối vấn đề, gây trở ngại cho giao tiếp, thậm chí có thể nói là coi thường cộng đồng người nói tiếng Việt. Không cần nói nhiều thì mọi người cũng nhìn thấy hậu quả nhỡn tiền về nguy hại của cách làm này.

Xin ông nói ngắn gọn về tầm quan trọng của việc vì sao chúng ta phải “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, nhất là trong bối cảnh hiện nay? Và muốn giữ được, chúng ta phải làm gì?

Ngôn ngữ là công cụ của giao tiếp, của tư duy và là một biểu hiện của văn hóa. Quốc văn, quốc sử và quốc ngữ làm nên hồn vía của văn hóa dân tộc. Việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt sao cho giàu đẹp và trong sáng là nhiệm vụ của toàn dân chứ không của một bộ phận nào đó. Những người có vai trò lãnh đạo, phải có trách nhiệm cao hơn mọi người dân trong vấn đề này. Bởi mọi phát ngôn của họ sẽ có ảnh hưởng không nhỏ. Đặc biệt là những quyết định liên quan tới từ ngữ (trong văn bản pháp quy, trên báo chí…) sẽ có ảnh hưởng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Tôi nghĩ Bộ Giao thông - Vận tải nên có tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của công luận, của người dân để có quyết định phù hợp, không riêng sự kiện “Trạm thu giá” vừa rồi.

Trân trọng cảm ơn ông!

V. HUYỀN (Kiến thức gia đình số 22)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vi-sao-can-giu-gin-su-trong-sang-cua-tieng-viet-post219321.html