Vì sao cán bộ cửa quyền?

1. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa 'hách dịch': Có thói ỷ mình có quyền thế mà ra oai, nạt nộ, hạch sách người khác. Còn 'cửa quyền' là dịch nôm hai chữ 'quyền môn' với nghĩa là cửa công, cửa quan, nơi làm việc của chức dịch. Hách dịch đi đôi với cửa quyền như là một 'thói' xấu.

Một thiết chế cửa quyền thường là môi trường đẻ ra thói hách dịch. Bởi vậy, một thiết chế cửa quyền cũng bao hàm chức năng chống lại thói hách dịch. Thiết chế xã hội ưu Việt là thiết chế chống được, bài trừ dần được thói hách dịch.

Thái độ mang tính hách dịch có rất nhiều nguyên do mà nguyên do đầu tiên phải nói đến là áp lực công việc của cán bộ công chức là hàng đầu. Nếu bạn chỉ làm một chuyên môn của mình thì áp lực sẽ rất ít.

 Ảnh mang tính chất minh họa.

Ảnh mang tính chất minh họa.

Một nông dân chỉ lo ruộng nương, chăn nuôi thì áp lực sẽ chừng ấy mà thôi. Một cán bộ làm việc nhà nước thì áp lực không đâu vào đâu đổ xuống đầu nhiều lắm. Riêng việc anh ta phải tham gia cùng một lúc quá nhiều tổ chức chính trị xã hội đã đủ khổ rồi. Đoàn thanh niên, công đoàn, chi bộ, tổ nghiệp vụ, hội đồng này nọ, thể thao, văn nghệ, thi đua, kiểm tra thanh tra…

Mỗi người có từ 3 - 4 chức vụ là chuyện thường. Mà chuyện gì cũng phải “hoàn thành xuất sắc” cả. Vì nó liên quan đến thi đua và thu nhập. Bản thân tôi có khi cùng lúc đảm nhiệm 6 chức vụ và lăn lông lốc từ cuộc họp này đến cuộc họp khác. Không nóng tính mới là lạ.

Bạn đừng nghĩ những cái đó không gây áp lực. Bệnh thành tích đày đọa không biết bao nhiêu giáo viên đứng lớp và được báo chí nhắc đến rất nhiều. Chịu áp lực sẽ dẫn tới tâm lý bức xúc và tính nóng nẩy. Lúc nóng nẩy, mọi ứng xử sẽ dễ trở nên “hách dịch”.

Năm 2011, tôi đi làm việc tại Hàn Quốc, Hội Nhà văn nước bạn dẫn đoàn tham quan một nhà xuất bản làm ăn tốt. Nhà xuất bản chỉ có 15 nhân viên. Tôi gượm hỏi các tổ chức chính trị xã hội ở đây như thế nào? Họ bảo rằng đó là lựa chọn riêng của từng người. Ở đây chỉ có công việc chuyên môn, ứng xử theo luật pháp, làm tốt hưởng nhiều. Thế thôi.

Câu trả lời của họ làm tôi thoạt nghĩ đến các nhà xuất bản đồ sộ ở ta với đủ các đoàn thể mà làm ăn thật khó khăn. Hình như có điều gì đó bất ổn trong hệ thống thiết chế của chúng ta.

Nguyên do thứ nhất là dịch vụ ít mà nhu cầu nhiều. Cái khó nó bó cái khôn. Người có quyền điều tiết sẽ đứng ở vị trí ban phát làm tăng tính “cửa quyền” và sẵn sàng áp chế người khác, hoặc như từ điển chỉ ra đó là thói “ra oai, nạt nộ, hách dịch người khác”. So sánh việc xếp hàng mua hàng mậu dịch thời bao cấp với mua hàng thị trường hiện tại thì thấy thái độ khác hẳn của nhân viên bán hàng.

Trong kinh tế thị trường, tình trạng độc quyền (monopoly) được coi là một thất bại thị trường. Chính nó góp phần đẻ ra thói hách dịch khi anh ta không có cạnh tranh đúng pháp luật. Thói quen một thời khan hiếm hàng hóa vẫn lưu luyến với tâm lý chúng ta cho đến tận bây giờ trên nhiều lĩnh vực.

Nguyên do thứ hai là tâm lý phổ biến của con người là có niềm vui tự khẳng định mình trong cộng đồng. Sự thái quá, sự cực đoan trong tâm lý này cũng là một nguyên nhân thúc đẩy thói hách dịch khi mình đứng trong hàng ngũ công quyền, dựa vào đó để thể hiện thái độ trước người khác.

Và hiển nhiên, nguyên do về lòng tham phổ quát của con người, từ vật dục đến danh vọng, đã khiến con người dễ sa vào thói hách dịch cửa quyền. Đã gọi là thói, nó bao hàm nghĩa xấu cần loại bỏ khi muốn tiến lên một xã hội dân chủ và văn minh.

Cái thói hách dịch này, tạo nên phản ứng ngược của Nhân dân. Lòng tin giảm thiểu, ứng xử bạo lực bột phát với nhân viên công lực ngày càng nhiều, đặc biệt là ở các môi trường ít quyền lực thực tế như y tế và giáo dục. Chỉ cần một ứng xử bất ưng ý của viên chức là có thể xảy ra mất trật tự hoặc bạo lực.

2. Tôi có người bạn được mọi người đồng thanh tôn là “dị nhân”. Chuyên môn sâu thăm thẳm của ông là nghiên cứu kiểu cách tư duy của người Việt thể hiện qua lịch sử Tiếng Việt. Trong khoa học, ông viết bài nào thì được cả giới thán phục vì cách làm công phu, kết luận xác đáng.

Nhưng ông “dị” ở chỗ là không bao giờ có thể chơi với quan chức được. Thậm chí, ông còn không biết thủ trưởng hiện nay của mình là ai. Trưởng phòng tài vụ, trưởng phòng khoa học, chủ tịch công đoàn bộ phận… là ai ông cũng lẫn lộn người này với người kia, nhiều lúc rất oái oăm. Mà cũng đúng thôi, trong một môi trường như chúng tôi, để nhớ được những người “chức dịch” liên quan đến cuộc sống và công việc của mình quả là quá nhiều.

Tính sơ sơ có đến hơn 40 vị trí kèm chức danh cần nhớ. Trong lúc đó, bộ nhớ thường trực của con người chỉ cho phép ta nhớ đến 7 là mãn trí. Cách ứng xử của ông khá cực đoan: Đóng sập bộ nhớ lại, khi cần nghĩ đến chức dịch, ông buông một câu: “Rắc rối quá, hách dịch cửa quyền cả”.

Ông chỉ lao vào chuyên môn thôi. Kể cũng có phần oan vì tôi thấy tất cả đều biết ông và có thể sẵn sàng giúp ông điều này điều khác. Cuộc sống của ông nói chung là khó khăn với đồng lương tiến sĩ khoa học.

Lại một người bạn khác cũng xứng là “dị nhân”. Ông chơi được hết với tất cả. Ông có năng khiếu đặc biệt là nhớ các số điện thoại của những ai quan hệ với công việc của mình. Với ông, việc gì cũng êm ro, trót lọt.

Khi làm đề tài liên ngành, các đơn vị khác còn khốn khổ xin kinh phí thì ở đơn vị tôi, ông ôm về bọc tiền dày cộm và nói: “Kinh phí đây, thực hiện tốt vào!”, rồi cười hề hề. Ông bao giờ cũng được đề cử làm thư ký cho các dự án to nhỏ. Ông thứ nhất gặp ông thứ hai trách: “Sao mày chơi được với chúng nó?”. Ông thứ hai cười hề hề: “Sống chung với lũ mà!”.

3. Ông bạn thứ nhất của tôi chỉ muốn rảnh thân để làm khoa học và muốn sống với một thu nhập “trung lưu” như người khác nhưng không thể được. Thiết chế chúng ta phức tạp đến nỗi ông trở thành người bên lề, trở thành dị nhân.

Cái nghề khoa học cơ bản của ông, mỗi bài viết in tạp chí, kết quả của tích lũy nhiều chục năm, cũng chỉ được nhuận bút tạp chí từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng là cùng. Thiết chế của chúng ta chưa hướng đến tính chất nghiệp vụ chuyên biệt, mà con người bức bối bởi qua nhiều loại quan hệ khác. Có thể mạch lạc và đơn giản hơn không?

Rất may, với kinh tế thị trường đang bồng bột phát triển, nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực đã thu hút những người có chuyên môn tốt, họ đã lựa chọn “một nghề cho hơn chín mười nghề”, không chọn con đường viên chức để bớt đi nhiều “nhiệm vụ” ngoài chuyên môn, hướng đến làm ăn thượng tôn pháp luật. Đó là tín hiệu rõ rệt trong thời gian qua.

Sự vận động này không một sớm một chiều được nhưng việc Chính phủ đẩy mạnh chủ trương xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động là một trong những bước khuyến khích bài trừ thói hách dịch cửa quyền trầm kha trong xã hội hiện đại.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vi-sao-can-bo-cua-quyen-352404.html