Vì sao Campuchia thận trọng với vaccine Covid-19 của Trung Quốc?

Thủ tướng Campuchia nói nước này chỉ chấp nhận vaccine Covid-19 được WHO phê duyệt. Các chuyên gia nhận định ông Hun Sen có thông điệp sâu xa hơn đằng sau tuyên bố này.

Các nhà phân tích Campuchia cho biết việc nước này thể hiện sự cảnh giác trước vaccine Covid-19 của Trung Quốc cho thấy đại dịch ở đây được xử lý tốt. Bên cạnh đó, Phnom Penh cũng đang muốn chứng tỏ mình không phụ thuộc vào người láng giềng “khổng lồ”, theo South China Morning Post.

Đầu tuần, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói nước này sẽ đặt lô vaccine Covid-19 đầu tiên qua Covax, chương trình hỗ trợ 92 nước thu nhập thấp tiếp cận vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ông Hun Sen cũng nói chỉ tin và chấp thuận vaccine được WHO thông qua. “Campuchia không phải là thùng rác, và cũng không phải nơi thử nghiệm vaccine”, thủ tướng Campuchia phát biểu.

 Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói Campuchia chỉ chấp thuận vaccine được WHO phê duyệt. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói Campuchia chỉ chấp thuận vaccine được WHO phê duyệt. Ảnh: Reuters.

Không muốn làm Trung Quốc tức giận

Những tuyên bố này cho thấy Campuchia sẽ không đặt trước vaccine của công ty Trung Quốc Sinovac, Nikkei Asia nhận định.

Tuy nhiên, một ngày sau tuyên bố của ông Hun Sen, Bộ Y tế Campuchia phải đính chính rằng thủ tướng không có ý tránh sử dụng vaccine của Trung Quốc. Thay vào đó, thủ tướng Campuchia muốn nói nước này chỉ mua vaccine đã được WHO phê duyệt.

Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia cũng nói một hãng truyền thông đã đăng tải sai tuyên bố của ông Hun Sen về việc không mua vaccine Trung Quốc. Mặc dù Campuchia không nêu tên hãng truyền thông, South China Morning Post cho biết hãng tin Nhật Bản Nikkei Asia ngày 15/12 đã đăng tải bài viết nói rằng ông Hun Sen không muốn dùng vaccine Trung Quốc.

Sophal Ear, giáo sư người Mỹ gốc Campuchia chuyên về ngoại giao và các vấn đề thế giới tại Cao đẳng Occidental ở Los Angeles, cho biết Phnom Penh không muốn chọc giận Bắc Kinh.

Những năm gần đây, Bắc Kinh đã tạo dựng mối quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự thân thiết với Campuchia.

Vào tháng 8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Bắc Kinh sẽ ưu tiên cho các nước Đông Nam Á tiếp cận vaccine Covid-19. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nhắc lại điều này trong chuyến thăm Campuchia vào tháng 10.

Sovinda Po, nhà nghiên cứu tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, cho biết có ba lý do khiến Campuchia “cân nhắc kĩ lưỡng” về vaccine Covid-19 của Trung Quốc.

Người dân Campuchia chờ xét nghiệm Covid-19 ở Phnom Penh ngày 8/12. Ảnh: AP.

Lý do đầu tiên là nhu cầu vaccine của Campuchia không quá khẩn thiết. Tình hình dịch bệnh ở đây không nghiêm trọng như Anh và Mỹ, ông Po nói.

Indonesia, nước ghi nhận hơn 650.000 ca nhiễm, tuần trước đã nhận lô vaccine đầu tiên từ Trung Quốc. Indonesia đang chuẩn bị cho chiến dịch tiêm ngừa trên diện rộng trước khi vaccine được phê duyệt trong nước.

Trong khi đó, Campuchia mới xác nhận 362 ca nhiễm và chưa có trường hợp tử vong nào. Đất nước này cũng chỉ có vài ca nhiễm trong cộng đồng, dấu hiệu cho thấy dịch bệnh “được kiểm soát chặt chẽ”, theo ông Po.

Ông Hun Sen cũng cố gắng đảm bảo bất kỳ loại vaccine nào được nhập vào Campuchia sẽ không ảnh hưởng đến các nỗ lực của chính phủ.

“Bây giờ, nếu ông ấy chấp nhận vaccine của Trung Quốc và có sự cố, vụ việc sẽ phá hủy mọi hình ảnh tốt chính phủ đã xây dựng”, ông Po nói thêm.

Thông điệp cho Mỹ?

Việc Campuchia dè dặt trước vaccine của Trung Quốc cũng là một tín hiệu gửi đến các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Campuchia muốn thể hiện nước này “không phải là sân sau của Trung Quốc và các nước nên xem lại chính sách với Campuchia”.

Điều này khá quan trọng ở thời điểm hiện tại vì căng thẳng Mỹ - Trung không có dấu hiệu xuống thang. Quan hệ Mỹ - Campuchia cũng không có diễn biến tích cực, ông Po cho biết.

Quan hệ giữa Phnom Penh và Washington đã căng thẳng trong vài tháng qua sau khi Campuchia phá hủy và cho di dời căn cứ hải quân do Mỹ xây dựng. Hành động này khiến nhiều người suy đoán Campuchia có kế hoạch cho quân đội Trung Quốc thuê căn cứ. Tuy nhiên, Campuchia nhiều lần bác bỏ chuyện đã đạt được thỏa thuận để Trung Quốc bố trí lực lượng ở đây.

Ông Po cũng nói mặc dù Campuchia đang xích lại gần Trung Quốc, những động thái này được “tính toán cẩn thận” và “không nên cho rằng Campuchia sẽ luôn nghe theo Bắc Kinh”.

Ngoài ra, ông Sophal Ear nói thủ tướng Campuchia phải thận trọng với vaccine Trung Quốc vì cần xem xét kỹ.

Mặc dù chưa có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, vaccine CoronaVac của Sinovac đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Trung Quốc vào tháng 7. Vaccine này được sử dụng trên những nhóm có nguy cơ cao, bao gồm quan chức chính phủ Trung Quốc và nhân viên y tế, theo bài viết của chuyên gia Adam Taylor từ Viện Sức khỏe Griffith Menzies Queensland trên The Conversation vào tuần trước.

Vaccine của Sinovac chưa có kết quả thử nghiệm giai đoạn 3, nhưng đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Ảnh: Reuters.

Ông Ear cũng nói mặc dù thủ tướng Campuchia “đang có vẻ khắt khe hơn với Trung Quốc”, việc không chấp nhận vaccine khác với việc từ chối nhận tiền của Bắc Kinh.

“Hiện tại, ông ấy chỉ đang nói không với loại vaccine bị mọi người nghi ngờ về tính hiệu quả và an toàn. Ngày Hun Sen từ chối tiền hoặc các dự án của Trung Quốc mới là lúc ông ấy thật sự đổi hướng”, ông Ear nhận định.

Kimkong Heng, nghiên cứu sinh tiến sĩ người Campuchia tại Đại học Queensland, chỉ ra rằng trong các tuyên bố trước đó, ông Hun Sen không nói cụ thể đến vaccine Trung Quốc. Thủ tướng Campuchia chỉ nói nước này không cho phép bất kỳ quốc gia nào thử nghiệm vaccine ở đây.

“Đây là một tuyên bố thông minh cho thấy sự hiểu biết về các giai đoạn phát triển vaccine Covid-19”, ông Heng nói.

Ông Heng cũng cho biết quyết định của ông Hun Sen có thể thay đổi tùy thuộc vào tốc độ phát triển vaccine Trung Quốc.

“Hiện tại, ông ấy có thể ngồi yên chờ đợi và nói những điều tốt đẹp. Nhưng trong tương lai, khó mà từ chối vaccine Covid-19 miễn phí của Trung Quốc”, ông Heng nhận định.

Như Trần

Theo SCMP, Nikkei Asia

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-campuchia-than-trong-voi-vaccine-covid-19-cua-trung-quoc-post1165040.html