Vì sao các tay đua F1 cần 2 kỹ sư hỗ trợ?

Để giúp các tay đua vận hành chiếc xe F1 một cách hiệu quả, sự có mặt của những kỹ sư đóng vai trò quan trọng.

Một chiếc F1 không bao giờ đua 2 lần. Việc thay đổi 22 đường đua khác nhau khiến thiết kế của xe cũng cần được điều chỉnh. Tốc độ của xe cũng phải cải thiện không ngừng. Do đó, các tay đua cũng như kỹ sư phải làm rất nhiều việc trước các ngày đua chính thức.

Will Joseph, kỹ sư của Lando Norris luôn tự đặt câu hỏi rằng làm thế nào để tạo ra một chiếc xe đua tốt nhất. Nguyên nhân là các quy định trên đường đua mang tính thời điểm và được thay đổi liên tục. Do đó, chiếc xe đua cũng cần được cải tiến theo thời gian.

 Will Josheph, kỹ sư của đội McLaren trao đổi với Lando Norris trên đường đua F1. Ảnh: F1.

Will Josheph, kỹ sư của đội McLaren trao đổi với Lando Norris trên đường đua F1. Ảnh: F1.

Theo Josheph, các kỹ sư của các đội đua sẽ tham khảo tất cả đường đua cũ và mới. Sau đó, họ sẽ để các vận động viên đua thử trong một môi trường giả lập nhưng khác với trò chơi điện tử. Thông thường, các tay đua sẽ thử tốc độ tốt nhất của chiếc xe, thay đổi các mức độ của lực nén xuống, hệ thống cánh gió. Từ đó, họ sẽ tìm ra những điểm mạnh hay yếu và chiếc xe hoạt động tốt nhất khi nào.

"Chúng tôi bắt đầu từ những yếu tố cơ bản nhất. Tôi, Josheph và Andrew Jarvis (một kỹ sư hiệu năng của Norris) sẽ thảo luận với nhau, đưa ra các ý kiến về chặng đua và phân tích sâu hơn. Chúng tôi xem lại những chặng đua trước của tôi lẫn Carlos Saiz (đồng đội của Norris) để lên kế hoạch. Cuối cùng, chúng tôi dành từ 6 đến 7 tiếng trong phòng giả lập. Trong môi trường này, việc thay đổi các thông số, điều kiện đua chỉ mất vài giây. Còn con số này ở ngoài đời là hàng chục phút", Norris, tay đua của đội McLaren, chia sẻ.

Các đội đua vận hành theo cách khác nhau nhưng đều có điểm chung là xoay quanh vận động viên và các kỹ sư. Sự phức tạp của một chiếc F1 khiến các công việc liên quan đến kỹ thuật cần được chú ý hơn. Vì vậy, mỗi tay đua thường có 2 kỹ sư hỗ trợ mình.

Một kỹ sư thường xuyên vận hành thử, trao đổi với thợ máy về các vấn đề trên xe. Người còn lại sẽ làm việc với tay đua để đưa ra các phân tích về cách điều khiển, hướng dẫn các chức năng của xe.

Nguyên Khang - Nguyễn Tùng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-cac-tay-dua-f1-can-2-ky-su-ho-tro-post1042970.html