Vì sao các nước 'cuồng' S-400 của Nga, bất chấp bị Mỹ dọa trả đũa?

Ấn Độ là nước mới nhất vừa ký hợp đồng mua S-400 của Nga. Một loạt nước khác đang quyết tâm mua hệ thống phòng không hiện đại này, bất chấp đe dọa trả đũa của Mỹ và NATO.

Nhiều nước muốn mua S-400 của Nga. Ảnh: Reuters

Hôm 5.10, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố hợp đồng mua bán S-400 trị giá 5 tỉ USD trong chuyến thăm của ông Putin tới New Delhi.

Bởi tính năng hiện đại của hệ thống phòng không này, một loạt nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Saudi Arabia, Qatar… tuyên bố sẵn sàng mua S-400, bất chấp việc từng nước đều bị Mỹ, NATO hoặc các đối thủ đe dọa trả đũa ngoại giao.

Lý do cho sự quyết liệt này, theo một số chuyên gia mà tờ Al Jazeera phỏng vấn, không chỉ bởi S-400 có công nghệ tiên tiến, mà nó còn đặt ra nguy cơ tiềm ẩn cho các liên minh lâu đời.

“S-400 là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới, ngang bằng với vũ khí của phương Tây” - ông Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) nói.

“Các radar và cảm biến khác, cùng tên lửa của S-400 có thể bao phủ một khu vực rộng lớn. Radar có tầm giám sát tối thiểu 600km, tên lửa có tầm bắn lên đến 400km”.

“S-400 có độ chính xác cực cao và có khả năng theo dõi số lượng rất lớn các mục tiêu, kể cả mục tiêu tàng hình” - ông Wezeman phân tích.

“Đây là hệ thống tên lửa phù hợp cho tất cả. Nó có thể được cấu hình cùng tên lửa tầm xa, bán tầm xa, tầm trung, thậm chí tầm ngắn, tùy thuộc vào người sử dụng muốn cấu hình như thế nào” - ông Kevin Brand, nhà phân tích quân sự tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nói với Al Jazeera.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, là một trong những người mua S-400 quan trọng nhất.

Phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp của các sĩ quan quân đội hồi tháng 8, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng hoàn tất thủ tục mua S-400 càng sớm càng tốt, mà theo dự kiến của Nga là vào năm 2019.

Tuy nhiên, mối quan tâm S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ làm các đồng minh NATO hoảng sợ vì những lý do chính trị và kỹ thuật.

“Về mặt kỹ thuật, S-400 chắc chắn là một bước tiến với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lại không phải là lợi ích tốt nhất của NATO khi tích hợp S-400 vào hệ thống vũ khí rộng hơn của liên minh này. S-400 có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm tiềm ẩn” - ông Band giải thích.

Đối với Ấn Độ, Saudi Arabia và Qatar, những nước không phải là thành viên NATO, việc mua S-400 dẫn đến ít vấn đề về công nghệ hơn, nhưng đổi lại họ có thể gặp rủi ro ngoại giao và trừng phạt kinh tế của Mỹ.

Năm 2017, Mỹ thực thi Đạo luật Trừng phạt các đối thủ của Mỹ (CAATSA) nhằm đáp trả cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và can thiệp quân sự vào Syria và Ukraina.

CAATSA cho phép Mỹ hành động chống lại các cá nhân, công ty hoặc các quốc gia “gây rối an ninh quốc tế”.

Tuy nhiên, bất chấp bị đe dọa, Ấn Độ quyết tâm mua S-400. “Ấn Độ đặt ưu tiên hàng đầu cho các mối quan hệ với Nga. Trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng hôm nay, mối quan hệ của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng ở tầm cao mới” - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với Tổng thống Vladimir Putin sau khi hai bên ký hợp đồng mua bán S-400 trị giá 5 tỉ USD.

Theo ông Wezeman của SIPRI, cơ hội để Mỹ trừng phạt là khá ít, đặc biệt với Ấn Độ hay Saudi Arabia.

“Các biện pháp trừng phạt không phải tự động và có thể được miễn trừ nếu nó nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ. Trừng phạt ít có khả năng áp dụng với Ấn Độ và các nước khác bởi họ đều là những đối tác chính trị và quân sự quan trọng của Mỹ. Ngay cả những trừng phạt hạn chế cũng có thể khiến các nước này giận dữ - sự giận dữ đủ để gây tổn hại các lợi ích của Mỹ” - ông Wezeman phân tích.

Về trả đũa ngoại giao, ông Charles Forrester, nhà phân tích công nghiệp quốc phòng cao cấp tại Jane’s IHS cho biết: “Có khó khăn về ngoại giao ở đây, bởi thỏa thuận bán công nghệ nhạy cảm cho một nước ngụ ý liên kết rộng hơn đối với một loạt vấn đề chính trị, và đó là lý do vì sao Mỹ tìm cách cô lập Nga sau những sự kiện ở Ukraina và xa hơn nữa”.

Vân Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/vi-sao-cac-nuoc-cuong-s-400-cua-nga-bat-chap-bi-my-doa-tra-dua-634919.ldo