Vì sao các nhà đầu tư lớn vẫn đứng ngoài thị trường tiền mã hóa?

Bitcoin giảm 3/4 giá trị trong năm nay, đưa đồng mã hóa đầu tiên và phổ biến nhất thế giới về mức chưa từng thấy kể từ thời điểm bong bóng. Song giá cả không phải yếu tố duy nhất thay đổi.

Ảnh: Reuters

Theo Reuters, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đứng sau đợt tăng giá chóng mặt lên gần 20.000 USD của bitcoin hồi tháng 12.2017 đã “tháo chạy”. Giờ chỉ còn lại những người mua sớm và các hãng liên quan đến tiền mã hóa, vốn thường thống trị khối lượng giao dịch trên nhiều sàn online.

Trong khi các nhà đầu tư lớn hơn, từ giới giao dịch giàu có cho đến quỹ đầu tư phòng hộ, ngày càng năng nổ, nhiều hãng tài chính chính thống vẫn tránh xa tiền mã hóa, ngay cả khi cơ sở hạ tầng được xem là chìa khóa để bước vào thị trường bắt đầu được xây dựng.

Hoạt động giao dịch tiền mã hóa đang thay đổi. Dữ liệu ngành và các cuộc phỏng vấn với sàn giao dịch, doanh nghiệp cho thấy bitcoin hiện chật vật chuyển mình từ tài sản đầu cơ được các nhà đầu tư bình thường ưa thích sang một lựa chọn đầu tư ở cùng hàng cổ phiếu, trái phiếu.

Dòng tiền và sự tham gia của các tổ chức được xem là chìa khóa cho tương lai cả ngành, hứa hẹn giúp rót vốn cho sự phát triển của đồng mã hóa, mở rộng ứng dụng thực tế của chúng trong các hoạt động như thanh toán, chuyển tiền.

Khối lượng giao dịch tiền mã hóa hằng tháng tại các sàn giao dịch lớn đạt 235,8 tỉ USD trong tháng 11, tăng gấp ba lần so với giai đoạn đầu của bong bóng bitcoin hồi tháng 9.2017, song vẫn thấp hơn một nửa so với khối lượng cao nhất cách đây một năm, theo dữ liệu từ trang CryptoCompare.

Cùng kỳ, khối lượng tại các sàn giao dịch tập trung vào các nhà đầu tư, nhà giao dịch nhỏ lẻ như Coinbase và Poloniex - sàn thuộc sở hữu của hãng Circle, vốn được ngân hàng Goldman Sachs hậu thuẫn - giảm lần lượt 22% và 74%. bitFlyer ở Nhật Bản cũng chật vật khi khối lượng giao dịch giảm 47% tháng trước.

Khi các người chơi nhỏ lẻ dần thưa, khối lượng lại tăng vọt tại các sàn giao dịch như Bitfinex, vốn thu hút nhiều nhà đầu tư lớn hơn. Thực tế này xảy ra là vì nhiều hãng khai thác tiền mã hóa, startup với lượng tiền mã hóa nắm giữ lớn, các nhà giao dịch giàu có, quỹ đầu tư, cá nhân và gia đình giàu có hoạt động nhiều hơn. Khối lượng giao dịch trên sàn Bitfinex tăng 38% trong tháng 11.

“Nhiều sàn giao dịch lớn hơn hoạt động nhiều hơn, lấy lại thị phần, trong khi nhiều sàn giao dịch nhỏ lẻ thì lùi lại. Đây là sự thay đổi thực sự: Các hãng khai thác tiền mã hóa tìm cách thanh toán hóa đơn tiền điện của họ bằng việc sử dụng các sàn giao dịch hoạt động cùng nhà đầu tư lớn hơn, và những người mới tham gia thị trường thì cố gắng tiếp xúc một chút”, chuyên gia Charlie Hayter thuộc CryptoCompare nhận định.

Dữ liệu từ CryptoCompare bao gồm hầu hết các sàn giao dịch lớn nhất. Hãng thêm sàn giao dịch mới vào cơ sở dữ liệu của họ khi khối lượng giao dịch trên sàn đó đạt mức cao đáng kể.

Rất khó đánh giá chính xác thị trường tiền mã hóa vì thiếu dữ liệu tập trung và thiếu sự minh bạch ở các điểm giao dịch chính, chẳng hạn như giao dịch ngoài quầy (OTC). Giao dịch trên thị trường OTC được cho là chiếm đến 50% tổng thị trường.

Tương tự, cũng có ít cách để phân tích hồ sơ chính xác của các nhà đầu tư trên thị trường tiền mã hóa. Song sàn giao dịch và chuyên gia trong ngành được Reuters phỏng vấn cho biết nhà đầu tư tổ chức, chẳng hạn như nhà quản lý tài sản, quỹ hưu trí và ngân hàng đầu tư phần lớn vẫn chưa tham gia giao dịch bitcoin, ngay cả khi thị trường thay đổi.

Hầu hết trong số họ lo về việc thiếu quy định rõ ràng. Họ còn ngại lỗ hổng an ninh thường xuyên xảy ra tại các sàn giao dịch, và cho rằng tài sản không có giá trị cơ bản. Sự miễn cưỡng tham gia thị trường vẫn tồn tại ngay cả khi nhiều bước giúp hoạt động giao dịch và lưu trữ tiền mã hóa đã được thực hiện.

Quy định rõ ràng hơn sẽ là con dấu hợp pháp cho các hãng tiền mã hóa, cùng lúc loại bỏ các doanh nghiệp dưới mức tiêu chuẩn, giới phân tích nhận định. Điều này còn có thể giảm bớt sự lo lắng của nhà đầu tư tổ chức. Eric Wilgenhof Plante, giám đốc tại BeQuant, sàn giao dịch phục vụ khoảng 600 khách hàng không thuộc hàng nhỏ lẻ, cho hay: “Một số cá nhân tại các ngân hàng, hãng tài chính muốn bước vào, song không thể tìm ra cách giải thích với quản lý cấp cao hơn”.

Trở ngại lớn cuối cùng là thiếu ví dụ về việc blockchain, công nghệ đứng sau tiền mã hóa, làm được như đúng kỳ vọng của nhiều người rằng nó sẽ cách mạng hóa nhiều ngành nghề, từ tài chính cho đến bất động sản. Giám đốc tiếp thị Marieke Flament của hãng Circle cho hay việc tập trung vào bitcoin che khuất nhiều tiến bộ đang được tiến hành trên các lĩnh vực khác của tiền mã hóa. Bà Flament cho rằng “stablecoin”, đồng mã hóa có giá ổn định, được neo vào 1 USD, có thể thu hút giới đầu tư tổ chức.

Thu Thảo

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/cong-nghe/vi-sao-cac-nha-dau-tu-lon-van-dung-ngoai-thi-truong-tien-ma-hoa-1031450.html