Vì sao các nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng Công ty Veam bị bắt tạm giam?

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (Veam) và một số đơn vị thành viên.

Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Điều 219 Bộ Luật hình sự năm 2015 đối với 4 bị can gồm: Trần Ngọc Hà- nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Veam; Lâm Chí Quang - nguyên Tổng Giám đốc Veam; Vũ Từ Công- Phó Tổng Giám đốc Veam; Nguyễn Mạnh Chung- Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn máy kéo nông nghiệp.

Ông Trần Ngọc Hà - cựu Chủ tịch Veam.

Ông Trần Ngọc Hà - cựu Chủ tịch Veam.

Trước đó, vào tháng 3/2019, Veam đã ban hành nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Trần Ngọc Hà. Lý do ông Trần Ngọc Hà bị tạm dừng nhiệm vụ liên quan đến thương vụ mua bán 3.000 linh kiện phụ tùng ôtô xe Hyundai để sản xuất và tiêu thụ với trị giá 1.600 tỷ đồng mà không thông qua Hội đồng quản trị. Tháng 6/2019, ông Hà tiếp tục bị miễn nhiệm là người đại diện vốn nhà nước tại Veam.

Được biết, sau nhiều năm công tác, từ tháng 1/2010 ông Trần Ngọc Hà được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty kiêm Giám đốc Nhà máy ôtô Veam. Từ tháng 4/2011 đến tháng 1/2015, ông Trần Ngọc Hà giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Veam. Từ tháng 1/2015 đến tháng 8/2018, ông Hà giữ chức vụ Tổng Giám đốc Veam.

Trước đó, tại Kết luận thanh tra của Bộ Công thương đã chỉ ra nhiều sai phạm của ông Trần Ngọc Hà tại Veam. Theo đó, ông Trần Ngọc Hà với vai trò là Chủ tịch Veam giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc Veam 2015-2018 chịu trách nhiệm trong việc trình, phê duyệt đầu tư các dự án không hiệu quả, gây lãng phí lớn. Cụ thể, Veam đã đầu tư vào xưởng công nghệ cao mới đạt 30% hiệu suất tại Công ty cơ khí Trần Hưng Đạo, Dự án đầu tư dây chuyền sản xuất động cơ xăng 6+8 HP tại DISOCO, Dự án sản xuất động cơ 100-400 HP.

Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Hà cũng thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát việc sử dụng các khu đất của Công ty Trần Hưng Đạo (Công ty con của Veam) dẫn đến nguy cơ thất thoát, mất tài sản như khu đất số 18 Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội…

Trong giai đoạn 2010-2018, khi ông Trần Ngọc Hà tổ chức, chỉ đạo điều hành trực tiếp tại Nhà máy ôtô Veam (VM), đơn vị này gây mất vốn đầu tư của Veam 331 tỷ đồng.

Ngoài ra, Veam đã sử dụng vốn không đúng mục đích. Theo đó, Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo đã sử dụng 112,6 tỷ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn điều chuyển quyền sử dụng đất tại 191 và 193 Bà Triệu, Hà Nội. Năm 2012, nhà máy ôtô Veam mua sắm trang thiết bị đầu tư dự án không hiệu quả. Thời gian này, ông Hà giữ chức chủ tịch nên chịu trách nhiệm chính trong việc phê duyệt 3 mua sắm trang thiết bị và kết quả, gây thiệt hại gần 40 tỷ đồng.

Từ năm 2009 đến năm 2014, Veam đã hỗ trợ vốn, cho các đơn vị thành viên vay với số tiền lớn. Số tiền Veam hỗ trợ, cho vay chưa thu hồi được lên tới 595 tỷ đồng. Số tiền phải thu của khách hàng còn tồn đọng lớn lên tới gần 7.000 tỷ đồng.

Với vai trò là Chủ tich HĐTV, ông Hà đã buông lỏng quản lý, không thực hiện việc giám sát tài chính đối với Tổng giám đốc, kế toán trưởng Veam. Ông Hà không ban hành kịp thời nghị quyết để ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại đối với số tiền trên, đặc biệt là với vốn cho vay, bảo lãnh, kinh doanh với 3 công ty cổ phần gồm Matexim Hải Phòng, Công ty CP Vật tư và Thiết bị toàn bộ, Công ty Vetranco. Tính đến ngày 31/12/2018, nhà máy VM còn nợ Veam với số tiền 359,6 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Công thương nhận định, việc Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng của Veam chuyển tiền cho VM khi không có sự phê duyệt của Hội đồng thành viên Veam là vi phạm điều lệ tổ chức và hoạt động của Veam. Đặc biệt, việc chuyển tiền cho nhà máy VM lỗ lũy kế 343 tỉ đồng gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi thanh tra, tháng 12/2018 Bộ Công thương đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra của Bộ Công an để tiếp tục điều tra làm rõ nhiều sai phạm về kinh tế của Veam.

Cụ thể, một là việc sử dụng nguồn vốn hơn 112 tỷ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn chuyển quyền sử dụng đất 191 và 193 Bà Triệu - Hà Nội tại Công ty TNHH MTV cơ khí Trần Hưng Đạo trong Dự án đầu tư di chuyển và xây dựng mới Công ty cơ khí Trần Hưng Đạo. Hai là hệ thống khuôn dập cabin thiệt hại hơn 26 tỷ đồng. Ba là việc bảo lãnh vay số tiền hơn 75 tỷ đồng tại Công ty CP vận tải và thương mại Veam. Cuối cùng là dấu hiệu cố ý làm trái, buông lỏng trong công tác quản lý đất đai tại tổng công ty và một số đơn vị thành viên gây thiệt hại, lãng phí tài sản nhà nước.

Đại Dương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vu-an/vi-sao-cac-nguyen-chu-tich-tong-giam-doc-tong-cong-ty-veam-bi-bat-tam-giam-tintuc443881