Vì sao các 'ngoại binh' đến Việt Nam lại liên tục đổi CLB?

Lần đầu tiên trong lịch sử V.League, 4/5 chân sút ngoại đang đứng đầu danh sách Vua phá lưới đã chuyển CLB ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa.

Đâu là lý do khiến mối lương duyên giữa CLB và các "ông Tây" sớm kết thúc như vậy? Phải chăng do họ không đáp ứng được chuyên môn, hay chính bản thân các “ngoại binh” cũng muốn phiêu bạt như vậy?

Những kẻ du mục

Năm 2013, Patiyo Tambwe đặt chân đến Việt Nam sau nhiều năm chơi bóng ở châu Âu. Chân sút từng khoác áo CHDC Congo thể hiện khá tốt trong màu áo CLB Thanh Hóa và đó cũng là lúc hành trình phiêu bạt qua hàng loạt đội bóng Việt Nam của anh bắt đầu.

Trong vòng 6 năm, Patiyo đã "nhảy việc" đến 9 lần, bao gồm 2 lần gắn bó lương duyên với Xổ số kiến thiết Cần Thơ. Patiyo thuộc biên chế DNH Nam Định trước khi V.League 2019 bắt đầu, nhưng hiện tại cầu thủ này vừa trở thành tân binh của Sanna Khánh Hòa BVN.

Patiyo không phải ví dụ cá biệt về thói quen chuyển CLB liên tục của các ngoại binh đến Việt Nam thi đấu. Trước đó những chân sút từng khuynh đảo V.League cũng coi chuyện nay đây mai đó là đương nhiên.

Amaobi Uzowuru Honest (sau này nhập tịch và trở thành Đặng Amaobi) từng đầu quân 8 lần cho 5 CLB khác nhau trong 10 năm chơi bóng tại V.League. "Bò mộng" Timothy Anjembe cũng lang bạt qua 6 CLB Việt Nam trong 7 năm.

Patiyo đổi CLB 9 lần chỉ trong 6 năm.

Patiyo đổi CLB 9 lần chỉ trong 6 năm.

Thời gian gắn bó trung bình với một CLB của mỗi ngoại binh V.League thường chỉ kéo dài 6 tháng đến 1 năm, ngắn hơn cả nhiệm kỳ tại vị của các HLV chuyên nghiệp. Rất ít ngoại binh gắn bó lâu dài 4-5 năm với một đội bóng như Diego Fagan (Hải Phòng) hay Claudecir (Quảng Nam). Trường hợp khoác áo một CLB gần 10 năm như Hoàng Vũ Samson (CLB Hà Nội, mới đầu quân cho Quảng Nam theo dạng cho mượn) là có một không hai.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngoại binh đến Việt Nam liên tục thay đổi CLB như vậy? Xét trong bối cảnh V.League 2019, ngoại trừ Chevaughn Walsh bị HAGL thanh lý vì chấn thương, 2 chân sút Joao de Souza (Viettel) và Vinicius (TPHCM) đều được CLB chủ quản chấm dứt hợp đồng vì không đáp ứng được chuyên môn. Lý do này khá khó hiểu bởi cả 2 đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới tại V.League.

Bên cạnh đó, nếu xét tới trường hợp của những cầu thủ như Patiyo, Amaobi hay Timothy, rõ ràng họ hoàn toàn đáp ứng tốt yêu cầu ở mọi đội bóng mình từng khoác áo. Cả 3 đều nằm trong tốp những chân sút ngoại xuất sắc nhất trong lịch sử V.League. Do đó, có thể thấy "yêu cầu chuyên môn" không phải nguyên nhân khiến các CLB muốn thanh lý sớm ngoại binh, mà gốc rễ vấn đề xuất phát từ chính các CLB và cầu thủ.

Stevens là cầu thủ hiếm hoi lên tiếng đảm bảo quyền lợi cho ngoại binh ở V.League.

Nạn nhân thành đồng phạm

Koen Bosma chỉ đến Việt Nam chơi bóng vài tháng, nhưng quãng thời gian ngắn ngủi thi đấu ở V.League đã giúp anh hiểu phần nào về bóng đá Việt Nam. Bosma từng thi đấu khá ổn trong 3 trận đầu tiên, nhưng từ đó anh đột ngột biến mất và không bao giờ xuất hiện nữa.

Tại sao một cầu thủ chơi tốt lại phải ra đi sớm? Bosma chia sẻ anh không gặp chấn thương hay gây ra vấn đề gì cho đội bóng, nhưng bị đày đọa trên ghế dự bị vì HLV trưởng muốn anh chi tiền để được vào sân. Bosma từ chối, vậy nên anh không được thi đấu.

Chuyện thành viên ban huấn luyện "vòi vĩnh" cầu thủ cũng được Amaobi xác nhận. Ví dụ như nếu hợp đồng ký kết ghi tiền phí lót tay là 25 ngàn USD/mùa, cầu thủ chỉ được nhận 20 ngàn, còn lại dành cho các cá nhân khác.

Amaobi từng thử chống lại khoản "phí bôi trơn" đó, hậu quả là anh lâm vào tình cảnh giống Bosma. Từ đó, mỗi khi chuyển sang khoác áo những CLB khác, Amaobi tuân thủ tuyệt đối thỏa thuận để được thi đấu thường xuyên.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó? Theo Bosma, mỗi đội bóng tại V.League được cấp một nguồn ngân sách chuyển nhượng cố định. Với mỗi cầu thủ chuyển nhượng, các thành viên ban huấn luyện có thể nhận phần chia từ đó, tuy nhiên con số này còn phụ thuộc vào mức phí chuyển nhượng cầu thủ. Nếu phí chuyển nhượng cho cầu thủ càng cao, số tiền hoa hồng họ được chia sẻ càng ít, nên mới có hiện tượng "bôi trơn" như của Amaobi.

Trên thực tế, các CLB Việt Nam hoàn toàn có thể chiêu mộ các cầu thủ giỏi từ nước ngoài đến thi đấu. Ví dụ như những cầu thủ thi đấu tại Serie B của Brazil (tương đương V.League 2) sẵn sàng đến Việt Nam chơi bóng bởi mức lương cao hơn so với thu nhập trong nước. Tuy nhiên, để chiêu mộ họ, CLB Việt Nam phải chi ra hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu USD phí chuyển nhượng. Con số này được ghi giấy trắng mực đen trên hợp đồng nên không thể "cắt phí bôi trơn".

Ngay cả các nội binh cũng phải chịu tình cảnh tương tự với các ngoại binh khi ngồi trên bàn đàm phán. Trong tự chuyện của mình, Công Vinh kể khi mới đầu quân cho Bình Dương, anh được khuyên phải đến "tặng quà" Giám đốc kỹ thuật nếu muốn được đá chính. Công Vinh từ chối và việc đó khiến anh gần như phải ngồi dự bị ở đất Thủ cho đến khi vị Giám đốc kỹ thuật kia ra đi, cũng vì lý do "không đáp ứng yêu cầu chuyên môn".

Tuy nhiên, từ việc là nạn nhân, các cầu thủ cũng dần trở thành đồng phạm. Amaobi thừa nhận anh chấp nhận cảnh thay CLB như thay áo ở Việt Nam vì chỉ có chuyển nhượng mới có thêm tiền. Từ thái độ chống đối, anh chuyển sang hợp tác vì đôi bên đều có lợi. Số tiền kiếm được trong thời gian chơi bóng tại Việt Nam giúp Amaobi có cuộc sống dư dả cho anh và gia đình ngay cả khi cầu thủ này đã giải nghệ.

Hoàng Vissai từng gây nhiều rắc rối trong thời gian khoác áo đội tuyển Ninh Bình.

Lối t hoát không rõ ràng

Mới đây, Errol Stevens đã trở thành chân sút đầu tiên công khai về những điều khoản mập mờ trong hợp đồng ký kết giữa anh và CLB chủ quản trước đây là Hải Phòng. Sau khi nhận đơn kiện từ Stevens, FIFA đã ra quyết định phạt Hải Phòng số tiền hơn 200.000 USD, kèm theo án cấm chuyển nhượng, thậm chí cấm thi đấu tại V.League nếu không chấp hành. Vì sao Stevens lên tiếng khi không một cầu thủ nào hiện đang thi đấu dám làm điều đó?

Theo Stevens, anh được người đại diện hỗ trợ mọi thủ tục và pháp lý trong quá trình đàm phán hợp đồng. Do đó khi xảy ra tranh chấp, Stevens mới kiện vì tất cả các chứng cứ pháp lý cho thấy anh đúng. Phần lớn các ngoại binh khác tại V.League không có điều xa xỉ đó. Người đại diện của họ thường chỉ là những tay "cò" môi giới. Một vài người trong số họ thậm chí còn là lãnh đạo, hoặc thành viên ban huấn luyện ở một số CLB.

"Tôi đã khuyên một số đồng nghiệp nên tìm cho mình một người đại diện để bảo vệ đầy đủ quyền lợi, nhưng họ từ chối", Stevens nói. Chừng nào chưa có người đại diện đúng tiêu chuẩn FIFA, hợp đồng chuyển nhượng vẫn chỉ là thỏa thuận giữa CLB và cầu thủ mà ở đó, những vấn đề không minh bạch vẫn luôn xuất hiện. Những ngoại binh vẫn sẽ lang bạt hết từ CLB này đến CLB khác vì lợi ích của chính họ.

Những ông Tây "quậy"

Phí chuyển nhượng quá cao trở thành rào cản khiến các CLB Việt Nam không thể mua cầu thủ giỏi, qua đó khiến họ phải tìm cầu thủ tự do. Tuy nhiên, việc tuyển mộ những cầu thủ lang bạt từ châu Âu, châu Phi hoặc Nam Mỹ về Việt Nam thi đấu còn khiến các CLB gặp rủi ro vì thái độ thi đấu thiếu chuyên nghiệp của họ. Chỉ cần cho rằng mình bị đối xử bất công, hoặc muốn chuyển sang đội bóng mới vì đãi ngộ tốt hơn, các "ông Tây" sẵn sàng phá kỷ luật để được tìm đến bến đỗ mới.

Ngay cả Amaobi cũng từng bị chỉ trích rất nhiều về lối sống buông thả bên ngoài sân cỏ, cũng như một số pha ăn mừng phản cảm mỗi khi ghi bàn. Rất may là Amaobi có thừa tài năng để giúp anh tìm được chỗ đứng ở những CLB khác. Tuy nhiên, Amaobi không phải trường hợp cá biệt của những ngoại binh thích gây rối tại V.League. Một ví dụ khác về cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của ngoại binh (sau đó trở thành cầu thủ nhập tịch) ở Việt Nam là Hoàng Vissai (Dio Preye).

Năm 2012, khi khoác áo Ninh Bình thi đấu ở Cúp Quốc gia, trong trận đấu gặp CLB Hà Nội, Hoàng Vissai đã gây gổ, thậm chí đòi "xử" tiền đạo Timothy bên phía đối phương. Dù bị Ninh Bình phạt nặng vì sự cố đó, nhưng Hoàng Vissai vẫn chứng nào tật nấy. Sau đợt xả trại hậu EURO 2012, anh không trở lại tập trung cùng toàn đội. Phải đến khi Ninh Bình giải thể, Hoàng Vissai mới chuyên tâm thi đấu hơn ở những CLB anh tới đầu quân.

Một phần nguyên nhân khiến Ninh Bình vẫn phải giữ Hoàng Vissai ở lại vì anh đã ký hợp đồng 3 năm với đội bóng và CLB phải bồi thường phí phá vỡ hợp đồng nếu muốn tống khứ anh đi. Chỉ đến khi Ninh Bình không thi đấu ở V.League nữa, Hoàng Vissai mới chuyển sang khoác áo Thanh Hóa, rồi đầu quân cho Quảng Nam. Đây cũng là nguyên nhân được nhiều CLB Việt Nam viện dẫn khi được hỏi vì sao họ không ký hợp đồng dài hạn với các cầu thủ.

Đơn Ca

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/vi-sao-cac-ngoai-binh-den-viet-nam-lai-lien-tuc-doi-clb-552593/