Vì sao các cơ sở thẩm mỹ gây mê lại chết người?

Sự việc cả 2 bệnh viện thẩm mỹ Kangnam và Emcas sau khi gây mê để phẫu thuật làm đẹp khiến bệnh nhân tử vong đã dấy lên sự lo lắng đối với những người làm đẹp cần phải gây mê để phẫu thuật. Thực sự thì việc gây mê để phẫu thuật có nguy hiểm như thế không, vì sao?

Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas (số 14/27 Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, TP.HCM) - nơi vừa xảy ra cái chết của một nữ bệnh nhân sau khi đặt túi ngực tại đây - Ảnh: PV

Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas (số 14/27 Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, TP.HCM) - nơi vừa xảy ra cái chết của một nữ bệnh nhân sau khi đặt túi ngực tại đây - Ảnh: PV

Trong báo cáo của 2 bệnh viện thẩm mỹ Kangnam và Emcas gửi đến Sở Y tế TP.HCM về 2 trường hợp làm đẹp bị tử vong đều khẳng định là sử dụng phương pháp gây mê để phẫu thuật cho bệnh nhân. Cả 2 trường hợp này có điểm chung là sau khi thực hiện phẫu thuật xong đều tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn định và được chuyển về phòng, nhưng sau đó đột ngột khó thở, mạch nhanh, huyết áp hạ, tím tái rồi rơi vào nguy kịch dẫn đến tử vong.

Theo một chuyên gia về gây mê thì phương pháp gây mê an toàn hơn so với gây tê. Đối với gây tê việc sốc phản vệ là cực kỳ hiếm, chỉ có ngộ độc thuốc tê. Sốc phản vệ chỉ là do mẫn cảm với một chất lạ đối với cơ thể, trong đó có cả thuốc và thức ăn. Trong khi đó, theo Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam thì bệnh nhân tử vong ở đây theo chẩn đoán ban đầu là sốc phản vệ.

Về điều này, các chuyên gia gây mê cho rằng dù không biết trước cơ địa của bệnh nhân đó có bị sốc phản vệ với thuốc gây mê hay không, nhưng cũng có cách hạn chế đến mức thấp nhất bị sốc phản vệ bằng cách đưa thuốc mê vào cơ thể từ từ, không bơm trực tiếp vào tĩnh mạch sẽ rất nguy hiểm.

“Phương pháp gây mê an toàn nhất là gây mê bằng nội khí quản. Trong trường hợp này nếu có xảy ra sốc phản vệ thì xử lý được ngay. Bởi gây mê nội khí quản là gây mê qua đường thở (mũi hoặc họng). Bệnh nhân được bơm thuốc mê vào đường thở. Lúc này bệnh nhân luôn duy trì đường thở nên có bị sốc phản vệ gây ra ngưng tim, ngưng thở sẽ xử lý được ngay”, một vị chuyên gây mê cho biết.

Theo các chuyên gia gây mê, kỹ thuật gây mê bằng đường thở không quá khó khăn, nhưng phải cần bác sĩ gây mê nhiều kinh nghiệm, biết động viên bệnh nhân, chứ những kỹ thuật viên gây mê thì không thể làm được. Vì gây mê đường thở là phải đặt nội khí quản gắn liền với máy thở nên không chỉ có bác sĩ gây mê có kinh nghiệm mà còn phải đáp ứng trang thiết bị y tế cần thiết, nhất là máy thở.

“Trong cấp cứu y khoa, việc duy trì đường thở là quan trọng nhất, nếu gây mê bằng cách tiêm qua đường tĩnh mạch sẽ không duy trì đường thở, rất nguy hiểm khi có xảy ra sự cố. Mấy chục năm làm phẫu thuật thẩm mỹ, tôi chưa bao giờ gây mê qua đường tĩnh mạch cả, vì đây là kiểu gây mê tiềm ẩn nhiều rủi ro”, một chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ chia sẻ.

Các chuyên gây mê cho rằng cả 2 ca tử vong ở Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam và Emcas chưa thể khẳng định những người ở đây được gây tê hay gây mê bằng cách nào. “Vì nếu gây mê qua đường tĩnh mạch là rất nguy hiểm, nếu xảy ra sốc phản vệ gây ngưng tim, ngưng thở chỉ cần trong vòng 4 phút là đã chết não. Lúc đó không thể nào cứu được”, một chuyên gia gây mê nói.

Bên cạnh đó, đề cập đến vấn đề sốc phản vệ trong gây mê phẫu thuật thẩm mỹ, lãnh đạo một bệnh viện thẩm mỹ lớn ở TP.HCM cho biết các trường hợp xảy ra sự cố tại 2 bệnh viện thẩm mỹ Kangnam và Emcas là sau phẫu phẫu nhiều giờ nên không thể nói là sốc phản vệ.

“Bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt sau khi phẫu thuật đến 5 - 7 giờ đồng hồ không thể nói là sốc phản vệ được. Khi đã xảy ra sự cố, tất nhiên các cơ sở thẩm mỹ muốn tìm ra nguyên nhân nào cho nhẹ tội nhất mà thôi. Là một người trong nghề tôi nghĩ cả 2 ca tử vong trên ở bệnh viện Thẩm mỹ Emcas và Kangnam là ngộ độc thuốc tê, nhưng không được xử lý kịp thời dẫn đến tử vong”, vị giám đốc này nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với các bệnh viện thẩm mỹ, các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép thực hiện các phẫu thuật lớn phải gây mê đều phải đáp ứng các yêu cầu, trong đó phải có bác sĩ gây mê hồi sức, phòng chăm sóc đặc biệt (ICU)... Tuy nhiên, thực tế nhiều cơ sở thẩm mỹ có bác sĩ gây mê hồi sức chỉ đứng tên trên giấy, còn thực tế làm việc chỉ là những kỹ thuật viên gây mê, gây tê. Ngay cả những bác sĩ thực hiện phẫu thuật cũng chỉ trên giấy, còn người thực hiện phẫu thuật là kỹ thuật viên hay y tá. Điều này là rất nguy hiểm đối với người làm đẹp, nhất là những kỹ thuật làm đẹp đòi hỏi phải phẫu thuật.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/vi-sao-cac-co-so-tham-my-gay-me-lai-chet-nguoi-123984.html