Vì sao các cầu thủ World Cup 2018 liên tục súc miệng và nhổ nước ra sân?

Nhiều người cho rằng việc súc miệng của các cầu thủ để miệng không bị khô, tuy nhiên đằng sau hành động này là những vấn đề còn phức tạp hơn thế rất nhiều.

Nếu là một fan bóng đá, chắc chắn bạn cũng đã quá quen thuộc với hình ảnh các cầu thủ nhổ nước ra sân. Đây không phải là việc khạc nhổ bình thường, thay vào đó các cầu thủ súc miếng bằng nước và nhả nó ra thay vì nuốt vào cơ thể. Đội trưởng đội tuyển Anh Harry Kane rất hay làm điều này - cũng giống đồng đội Dele Alli và ngôi sao Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo.

Theo New York Times, hành động này là một “tiểu xảo” gọi là “carb rinsing” (súc miệng bằng carbohydrate). Uống nhiều nước có thể khiến cơ thể các cầu thủ khó vận động hơn, vì thế hoàn toàn dễ hiểu khi các cầu thủ súc miệng nhưng lại không nuốt vào. Thế nhưng, nước mà các cầu thủ dùng để súc miệng ở đây không phải là nước thường mà thay vào đó là dung dịch carbohydrate. Điều này có thể đánh lừa não bộ và giúp các cầu thủ thi đấu tốt hơn.

Theo đó, “tiểu xảo” này có hiệu quả bởi các cơ quan cảm nhận ở miệng sẽ cảm nhận dung dịch carbohydrate và gửi tín hiệu đến cơ quan cảm nhận ở não bộ, thông báo rằng năng lượng đang được chuyển vào. Điều này có thể khiến các cơ bắp hoạt động mạnh mẽ hơn trong khi đó các cầu thủ lại không phải chịu các hậu quả tiêu cực từ dung dịch carbohydrate, ví dụ như sự nặng bụng chẳng hạn.

Đội tuyển Anh được xem là một trong những đội tuyển áp dụng chiến lược này nhiều nhất tại World Cup 2018. Mặc dù không chia sẻ nhiều điều về chiến lược dinh dưỡng của các cầu thủ, một nguồn tin thân cận chia sẻ với New York Times rằng “carb rinsing” là “một thói quen bình thường” của đội Anh.

Một nghiên cứu từng được đăng tải vào năm 2017 trên Tạp chí Khoa học Thể thao Châu Âu khẳng định việc súc miệng với dung dịch carbohydrate có thể cải thiện hiệu quả trong nhiều hoạt động. Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Coventry thử nghiệm 12 người đàn ông mạnh khỏe trong độ tuổi 20 và nhận thấy sau khi “carb rinsing” họ có thể nhảy cao hơn, bứt tốc nhanh hơn và tập trung hơn. Một nghiên cứu khác được thực hiện vào năm 2015 trên Tạp chí Dinh dưỡng Thể thao và Chuyển hóa Tập luyện Quốc tế cũng khẳng định 12 vận động viên nam cảm thấy ít mệt mỏi hơn sau khi “carb rinsing”.

Thế nhưng, không phải khi nào thủ thuật này cũng phát huy tác dụng. Một nghiên cứu vào năm 2017, xuất bản trên Tạp chí Khoa học Thể thao, cho biết 15 vận động viên điền kinh nữ thi đấu trong 60 phút, một với “carb rinsing” và một không sử dụng. Thực tế chứng minh việc dùng “carb rinsing” hay không không ảnh hưởng đến kết quả của họ. Điều này có thể là vì “carb rinsing” có nhiều tác dụng cho các hoạt động nhanh, tức thời ví dụ như bứt tốc hơn là các hoạt động đòi hỏi độ bền, ví dụ như chạy dài.

David Ferguson, trợ lý giáo sư vật lý hoạt động tại Michigan State, chia sẻ việc xúc miệng bằng carbohydrate giúp các cầu thủ cảm thấy bớt mệt mỏi và giữ được độ tập trung - một điều rất quan trọng trong hơn 90 phút thi đấu. Thay vì chỉ giúp họ chạy nhanh và sút mạnh, “nó đơn thuần cũng giúp tối đa sự tập trung để các cầu thủ không cảm thấy mệt mỏi, nhờ thế có thể cống hiến hết mình cho trận đấu,” Ferguson chia sẻ.

“Bạn sẽ thử tất cả mọi mẹo từng được nhắc đến để tối đa sự tập trung sau nhiều giờ thi đấu căng thẳng,” Trent Stellingwerff, một nhà nghiên cứu kĩ thuật “carb rinsing” chia sẻ. “Có bằng chứng khoa học nào đằng sau hành động này không? Ít nhất tôi chưa biết điều đó. Nó có đau không? Tất nhiên không. Nếu các cầu thủ tin vào nó và nó là một phần trong hành động của họ, nó có hiệu quả không? Có thể là có đấy!”

“Carb rinsing” chưa phải kĩ thuật được nhiều người dùng nhưng theo Asker Jeykendrup, một nhà vật lý học hoạt động và chuyên gia dinh dưỡng thể thao của Đại học Birmingham chia sẻ, nó đang ngày càng được áp dụng nhiều hơn. “Thật tuyệt vời khi thấy khoa học được áp dụng thực sự trong thể thao,” ông chia sẻ thêm.

Lê Nam Khánh (Theo Business Insider)

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/cong-nghe/vi-sao-cac-cau-thu-world-cup-2018-lien-tuc-suc-mieng-va-nho-nuoc-ra-san-3227581.html