Vì sao cả thế giới 'phát cuồng' vì S-400, bất chấp Mỹ đe dọa 'cấm mua'?

Những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ không khiến cho những đối tác thân thiết nhất của mình như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Saudi Arabia... dừng lại 'cơn thèm khát' có bằng được hệ thống S-400 tiên tiến.

S-400 là vũ khí có thể thay đổi cán cân quyền lực ở mọi khu vực.

S-400 là vũ khí có thể thay đổi cán cân quyền lực ở mọi khu vực.

Vì sao S-400 khiến thế giới “phát sốt”?

Cuộc tập trận Vostok-2018 ở miền Đông Siberia tháng trước được coi là cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Nga trong hơn 30 năm qua. Không chỉ đơn thuần là diễn tập, đây còn được coi là cơ hội để Nga chào bán các loại vũ khí mới nhất của mình đến các khách hàng.

Trong thời gian diễn ra Vostok-2018, Nga đã phô diễn sức mạnh của tên lửa không đối không S-400, một trong những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất và đã được bán cho một số quốc gia trong những năm gần đây.

S-400 là một nâng cấp lớn của S-300, vũ khí phòng không đã được gửi đến Syria cách đây vài ngày. Với ưu thế vượt trội về năng lực phòng thủ, một số quốc gia bao gồm Trung Quốc, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Qatar đã không giấu giếm ý đinh mua bằng được S-400.

Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia lên kế hoạch mua hệ thống này đã bị đe dọa bằng một loạt các đòn trả đũa ngoại giao từ Mỹ, NATO, hoặc các kình địch của mình.

Giải thích về điều này, các chuyên gia chỉ ra rằng S-400 không chỉ là hệ thống phòng thủ tiên tiến, nó còn đặt ra nguy cơ tiềm ẩn đối với các liên minh và về mặt địa chính trị.

"S-400 là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất, ngang bằng với các vũ khí phương Tây tốt nhất", theo Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao về chương trình chuyển giao vũ khí và chi tiêu quân sự của viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

"Radar, cảm biến cũng như tên lửa của hệ thống bao phủ một khu vực rộng lớn. Bán kính radar có tầm hoạt động tối thiểu 600km và tên lửa của nó có tầm hoạt động lên đến 400km", Wezeman nói với Al Jazeera. "Hệ thống có khả năng phát hiện và theo dõi một số lượng rất lớn các mục tiêu tiềm ẩn, bao gồm cả các mục tiêu tàng hình".

Ưu điểm khác của S-400 là có tính cơ động cao, có khả năng thiết lập, khai hỏa và di chuyển trong vòng vài phút. “Nó có thể ngăn chặn được các hệ thống vũ khí tầm xa, bán tầm xa, tầm trung và thậm chí tầm gần, tùy thuộc vào cách kíp vận hành muốn sử dụng S-400 như thế nào", Kevin Brand, nhà phân tích quân sự làm việc với Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nói với Al Jazeera.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO bày tỏ sự quan tâm đến S-400 nhiều nhất trong thời gian qua. Tuy nhiên, ý định mua sắm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với hệ thống tên lửa Nga đã làm hoảng sợ các đồng minh NATO về cả lý do chính trị và kỹ thuật.

"Theo nghĩa kỹ thuật, S-400 chắc chắn sẽ là một bước tiến đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nó không hẳn mang lại lợi ích tốt nhất cho NATO trong việc tích hợp hệ thống ngoại lai vào mạng lưới vũ khí của mình", Brand nói.

Các chuyên gia cho rằng những hợp đồng được thực hiện với các kỹ thuật viên Nga trong việc bảo dưỡng S-400 có thể dẫn đến nguy cơ dữ liệu NATO bị xâm nhập.

Đối với Ấn Độ, Saudi Arabia và Qatar - những quốc gia không phải là thành viên của liên minh nào đó như NATO – việc mua một hệ thống như S-400 sẽ ít gặp rủi ro về vấn đề kỹ thuật hơn, nhưng họ có thể gặp rủi ro về ngoại giao và trả đũa kinh tế từ Mỹ.

Chỉ cần có S 400, bất chấp Mỹ

Mỹ đe dọa nhưng không thể khiến Ấn Độ ngừng mua S-400.

Vào năm 2017, Mỹ đã thông qua Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt – CAATSA - như một phản ứng với Nga sau những cáo buộc về can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và sự tham gia quân sự ở cả Ukraine và Syria.

CAATSA cho phép Mỹ hành động chống lại các cá nhân, công ty hoặc các quốc gia mà nước này coi là "gây rối an ninh quốc tế".

Bộ Ngoại giao Mỹ từng tuyên bố hợp đồng mua máy bay SU-35 của Trung Quốc và các tên lửa không đối không S-400 là vi phạm CAATSA. Vài tuần sau đó, Ấn Độ cũng nằm trong danh sách đối tượng có thể bị xử phạt nếu tiếp tục ý định mua hệ thống này.

Tuy nhiên, Ấn Độ đã không màng tới những nguy cơ đến từ phía Mỹ và quyết tâm mua bằng được hệ thống phòng không từ Nga hồi đầu tháng này.

"Ấn Độ đặt ưu tiên hàng đầu cho các mối quan hệ với Nga. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng như ngày nay, mối quan hệ của chúng tôi sẽ coi trọng lẫn nhau", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi ký thỏa thuận 5 tỷ USD mua S-400.

"Từ quan điểm của Ấn Độ về địa chính trị, nước này không nhất thiết chỉ bó hẹp việc mua vũ khí từ một nhà cung cấp và quá phụ thuộc vào một quốc gia nào đó. Bởi vậy họ mua vũ khí cả của Nga và một số của Mỹ", Brand nói.

Một động cơ khác mà Ấn Độ ưu tiên mua vũ khí Nga hơn là bởi họ đã có lịch sử lâu năm mua vũ khí từ thời Liên Xô và hơn cả là sự thoải mái của Moscow trong việc chia sẻ công nghệ quân sự - điều mà Mỹ không muốn.

Wezeman giải thích: "Nga sẵn sàng cung cấp S-400 cho bất kỳ ai và chia sẻ công nghệ ở một mức độ nào đó", mặc dù ông nói thêm rằng vẫn chưa rõ sự chia sẻ này sẽ diễn ra như thế nào.

Theo Wezeman của SIPRI, khả năng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt, đặc biệt đối với các nước như Ấn Độ hay Saudi Arabia là rất mong manh.

"Các biện pháp trừng phạt thực sự không có khả năng được đưa ra, đặc biệt là đối với Ấn Độ và những quốc gia quá quan trọng khác như các đối tác quân sự và chính trị của Mỹ. Ngay cả những biện pháp trừng phạt ở mức hạn chế cũng có thể khiến các nước này phẫn nộ và đủ để làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ", Wezeman nhận định.

Nhưng ngay cả khi các biện pháp trừng phạt kinh tế không được đưa ra, các phản ứng của Mỹ có thể dẫn đến một cuộc tranh cãi ngoại giao.

"Sẽ có một vấn đề ngoại giao ở đây, khi thỏa thuận bán vũ khí nhạy cảm với một quốc gia sẽ không khác gì việc cả hai ủng hộ nhau về mặt chính trị. Đó là lý do tại sao Mỹ đang tìm cách cô lập Nga sau các sự kiện ở Ukraine và nhiều hơn nữa", Charles Forrester, nhà phân tích công nghiệp quốc phòng tại Jane's by IHS Markitt nói với Al Jazeera.

Đối với Mỹ, các vụ mua bán này không chỉ là mối đe dọa quân sự - mà còn là để chống lại sự tham gia của Nga trong các vấn đề xung đột toàn cầu và ngăn cản Nga nhận được nguồn tiền khổng lồ từ việc buôn bán vũ khí.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-ca-the-gioi-phat-cuong-vi-s-400-bat-chap-my-de-doa-cam-mua-a406863.html