Vì sao cá chép là thực phẩm 'vàng' cho bà bầu

Dân gian cho rằng bà bầu ăn cá chép sinh con ra sẽ trắng khỏe, môi đỏ, hồng hào... nhưng thực chất cá chép bổ cho bà bầu vì nhiều giá trị dinh dưỡng khác.

Theo bác sĩ Hoàng Sầm – Chủ tịch Viện Y học Bản địa Việt Nam, cá chép là món ăn tốt, nhiều dinh dưỡng... từ xa xưa người ta đã ví thịt gà, cá chép, ba ba là những món ăn bổ dưỡng.

So với các thực phẩm là cá nước ngọt khác thì cá chép chứa nhiều chất dinh dưỡng và được xem là loại cá “lành” cho tất cả mọi người. Đặc biệt, cá chép cực kỳ tốt cho phụ nữ mang thai, nó được xếp vào thực phẩm “vàng” của thai kỳ.

Theo BS Sầm, trong thịt cá chép có các thành phần dinh dưỡng quan trọng, thành phần hóa lý của thịt cá chép chứa nhiều axit amin như Hercynin, Glutamid, Glucin, giàu vi lượng và khoáng chất, đặc biệt là các vitamin A, B1, B12, PP … cụ thể như protit chiếm 16%, lipit từ 3,6 đến 5,6% trong đó có nhiều omega 3. Trong thịt cá chép còn chứa nhiều sắt, canxi, phốt pho, magie, vitaminA là 181 mcg %, B6 chứa 0,17 mg %.

Ngoài thịt cá, vảy cá cũng chứa collagen, mật có có chứa sắc tố mật và sterol.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong y học cổ truyền, đông y coi thịt cá chép có vị ngọt, tính bình, có tác dụng lợi tiểu, hạ khí, tiêu thũng, an thai, thông sữa, giảm ho, suyễn. Còn vảy cá cũng được dùng để chữa bệnh như cầm máu.

Bác sĩ Sầm cho biết, cá chép được sử dụng làm thuốc lợi tiểu, tiêu phù nề, bổ máu, tráng kiện và kinh tỳ, vị, chống phù nề, an thai, điều trị các bệnh mãn tính như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hạ cholesterol. Đặc biệt, với phụ nữ mang thai, cá chép được coi là thực phẩm “vàng” cho họ bởi có tác dụng an thai. Cá chép được người dân sử dụng như bài thuốc ích mẫu hà tiêu.

Phụ nữ mang thai ăn nhiều cá chép để an thai, bởi khi mang thai cơ thể dễ xuất hiện các triệu chứng khí huyết kém, tâm tính thay đổi nên ăn cá chép giúp họ bổ khí huyết hơn.

Đối với cá chép, các mẹ nên ăn vào giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên là tốt nhất, tức trong 3 tháng mang thai đầu tiên của giai đoạn thai kỳ. Vì đây là thời điểm mà mọi tế bào thai nhi đang trong giai đoạn hình thành bởi vậy sẽ dễ dàng hấp thụ chất bổ hơn.

Theo kinh nghiệm dân gian thì khi nấu cá chép cần lấy cá nhỏ khoảng 500 gram, để nguyên vảy cá, bỏ ruột và trộn thêm gạo nếp và vỏ quýt, gừng vào ninh chín, cho thêm muối ăn tốt cho sức khỏe.

Bác sĩ Sầm cho biết, ở giai đoạn đầu của thai kỳ cá chép còn giúp phụ nữ bị nghén giảm chứng nôn ói, chóng mặt. Y học cổ truyền coi chứng nghén là do tì vị suy yếu, mạch đập mạnh gây nên.

Bạn lấy cá chép đánh vảy, bỏ ruột và rửa sạch cho thêm sa sâm và gừng tươi vào hầm chín ăn trong ngày sẽ tốt và giảm cảm giác nôn ói, mạch nhanh, giúp phụ nữ mang thai kiện tì hòa vị.

Khi mang thai ở các tháng cuối của thai kỳ, ăn cá chép còn giúp chị em phụ nữ giảm hiện tượng phù thũng. Cách dùng - lấy cá chép hầm với đậu đỏ, gừng và nêm vừa ăn, ăn trong ngày. Nếu có thể chọn cá chép đuôi đỏ là tốt nhất. Cá chép nấu đậu đỏ còn giúp giảm chứng vàng da ở phụ nữ mang thai.

Bác sĩ Sầm lưu ý, không nên ăn quá chép quá to, chỉ ăn loại từ 500 – 600 gram là vừa.

Không chỉ lúc mang thai, trong quá trình sinh nở không cần kiêng cá chép. Vì cá chép còn nhiều tác dụng bất ngờ cho chị em phụ nữ sau sinh. Ví dụ như tác dụng “gọi sữa về”.

Có nhiều bài thuốc từ cá chép giúp phụ nữ sau sinh sữa về nhiều hơn. Hầm cá chép với chân giò và thông thảo ăn để sữa mát, dành cho các bà mẹ ít sữa.

Cá chép còn có tác dụng sạch rong kinh, rong huyết sau sinh. Các chép giúp phục hồi sức khỏe không chỉ cho phụ nữ sau sinh mà còn cho cả trẻ em, người già.

Lưu ý, nên chọn cá chép tươi, không ăn cá chép đã chết ươn. Khi ăn cá chép cố gắng chọn cá tự nhiên là tốt nhất.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/vi-sao-ca-chep-la-thuc-pham-vang-cho-ba-bau-5003664.html