Vì sao bùng phát xe cứu thương 'nhái'?

Thực trạng về dịch vụ cứu thương 'nhái', vận chuyển bệnh nhân tại các BV luôn nhức nhối nhưng chưa có 'liều thuốc đặc trị'. Một phần do buông lỏng quản lý của các cơ sở y tế và sự 'ngại' kiểm tra, xử lý đối với các xe vận chuyển bệnh nhân đã dẫn đến tình trạng 'hồn trương ba, da hàng thịt' trong dịch vụ vận chuyển bệnh nhân lộng hành. Để rồi, nhiều hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra…

4 chiếc xe Vận chuyển cấp cứu Hà Sơn "nhái" thường xuyên đỗ trong BV Đa khoa Hòa Bình. Ảnh: Quốc Doanh

Trên đường chuyển bệnh nhân đến BV, nhiều tài xế xe cứu thương, xe vận chuyển bệnh nhân đã lạm dụng quyền ưu tiên của mình để rồi không làm chủ được tốc độ và để xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc. Hiện nay, chưa có một con số thống kê cụ thể, chính thức nào từ các cơ quan chức năng về các vụ TNGT liên quan đến xe cứu thương, xe vận chuyển bệnh nhân nên những tai nạn do loại xe được ưu tiên này gây ra lại càng đáng lo ngại.

Chia sẻ với chúng tôi, một số lái xe vận chuyển bệnh nhân cho biết, nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT liên quan đến xe cứu thương và xe vận chuyển bệnh nhân là do lái xe luôn rơi vào tình trạng rất căng thẳng. Họ vừa phải chạy một cách nhanh nhất để đưa bệnh nhân đến BV cấp cứu kịp thời, vừa phải đặt an toàn khi tham gia giao thông lên hàng đầu. Nếu việc đi nhanh và không đặt an toàn lên hàng đầu thì TNGT rất dễ xảy ra. Ngoài ra, nhiều người tham gia giao thông còn chưa có ý thức nhường đường cho xe cứu thương, xe vận chuyển bệnh nhân.

Hàng loạt vụ TNGT liên quan đến xe cứu thương

Vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe cứu thương, xe vận chuyển bệnh nhân xảy ra gần đây nhất là vào chiều ngày 14-10, tại giao lộ đường tránh phía Nam hầm đường bộ Hải Vân và đường Hoàng Văn Thái nối dài, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng khiến 5 người bị thương. Thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc xe vận chuyển bệnh nhân BKS 51B – 241.26 chở 5 người từ TP HCM ra Hà Tĩnh đã vượt đèn đỏ tại nút giao thông trên.

Khi qua giao lộ, xe vận chuyển bệnh nhân bị ô tô Mazda 6 đi đúng tín hiệu đèn giao thông đâm vào hông xe. Cú đâm cực mạnh khiến cả 2 xe quay nhiều vòng. Y tá bị văng ra khỏi xe vận chuyển bệnh nhân, rơi xuống đường, chấn thương nặng phần đầu. 4 người còn lại trên xe vận chuyển bệnh nhân cũng bị thương nặng. Ban ATGT TP Đà Nẵng cho biết, xe vận chuyển bệnh nhân này có hạn kiểm định đến tháng 12-2018, chủ xe là Trần Phước Phát. Đáng chú ý, chiếc xe này đã được chuyển đổi công năng từ xe khách sang xe vận chuyển bệnh nhân.

Chiều ngày 12-10, trên đường HCM đoạn qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cũng xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe vận chuyển bệnh nhân với xe máy. Thời điểm đó, xe cứu thương BKS 48A – 055.33 di chuyển tốc độ khá cao, vượt một xe khác cùng chiều và tông thẳng vào chiếc xe máy đi theo hướng ngược lại. Cú va chạm mạnh khiến người đàn ông điều khiển xe máy tử vong tại chỗ.

Còn tại Hà Nội, chiều ngày 10-10, chiếc xe vận chuyển bệnh nhân biển xanh, BKS 28M-000.29 đang trên đường vận chuyển bệnh nhân từ Hòa Bình đi BV Việt Đức đã va chạm mạnh với một chiếc xe taxi đi ngược chiều. Hai tài xế và những người ngồi trên xe cứu thương may mắn thoát nạn, còn hai chiếc xe ô tô bị hư hỏng nặng phần đầu.

Đáng chú ý, chiếc xe cứu thương BKS 28M-000.29 do BVĐK huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đăng ký làm chủ sở hữu. Trước khi xảy ra tai nạn, chiếc xe này thường xuyên đỗ trong BVĐK tỉnh Hòa Bình cùng với nhiều chiếc vận chuyển bệnh nhân tư nhân khác mang BKS tỉnh Hòa Bình và đều được gắn logo “Vận chuyển cấp cứu Hà Sơn”. Qua xác minh của chúng tôi, chiếc xe gắn biển xanh gặp tai nạn là xe vận chuyển bệnh nhân “nhái”, không được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.

Trước đó, vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2018 liên quan đến xe cứu thương xảy ra vào đêm 9-4, trên đường HCM, đoạn qua huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông khiến 6 người thương vong. Theo đó, vào khoảng 22g30’ ngày 9-4, anh Trần Văn Thuận điều khiển xe máy đã va chạm với xe cứu thương BKS 47C-2632 đi theo chiều ngược lại. Sau khi va chạm, xe cứu thương mất lái tiếp tục lao sang bên trái đường, va chạm tiếp với một chiếc xe khách. Hậu quả, một bệnh nhân, một điều dưỡng và anh Thuận tử vong trên đường đi cấp cứu, còn 3 người khác trên xe cứu thương bị thương nặng.

Trên đây chỉ là một số vụ TNGT nghiêm trọng điển hình liên quan đến xe cứu thương, xe vận chuyển bệnh nhân. Nguyên nhân dẫn đến những vụ TNGT trên cũng được xác định một phần là do các tài xế xe cứu thương, xe vận chuyển bệnh nhân đi nhanh, vượt ẩu, không làm chủ được tay lái dẫn đến va chạm với các phương tiện giao thông khác. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng xe cứu thương, xe vận chuyển bệnh nhân của người dân ở các TP lớn và các tỉnh lân cận luôn cao hơn so với khả năng đáp ứng từ phía các nhà cung cấp dịch vụ cũng dẫn đến việc nhiều tài xế xe cứu thương, xe vận chuyển bệnh nhân phải làm việc liên tục, quá giờ, gây ảnh hướng đến sức khỏe.

Bát nháo xe vận chuyển bệnh nhân “nhái”

Ghi nhận của chúng tôi trong nhiều năm qua, dịch vụ cứu thương, vận chuyển bệnh nhân tại các BV luôn là thực trạng nhức nhối nhưng không có liều thuốc đặc trị. Hầu hết các BV lớn ở Hà Nội đang sử dụng đội xe cứu thương, xe vận chuyển bệnh nhân do BV tự đầu tư. Tuy nhiên, số lượng xe dạng này chỉ chiểm tỷ lệ rất nhỏ so với thực tế lượng xe cứu thương, xe vận chuyển bệnh nhân đang hoạt động. Trong khi đó, lượng bệnh nhân gia tăng chóng mặt nên nhiều BV hưởng ứng chủ trương xã hội hóa, cho phép các DN, cá nhân bên ngoài vào “hợp tác” thông qua việc đấu thầu, góp tiền mua xe, thiết bị y tế để hoạt động trong lĩnh vực cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân.

Đây là chủ trương rất tốt, giúp cho bệnh nhân và người dân có nhiều cơ hội lựa chọn đơn vị để được sử dụng dịch vụ y tế một cách tốt nhất. Song, thay vì đặt quyền lợi của bệnh nhân lên trên, một số BV đã núp bóng danh nghĩa xã hội hóa để biến dịch vụ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân thành độc quyền, thậm chí cho phép hàng loạt xe vận chuyển bệnh nhân “nhái” ngang nhiên hoạt động. Thực trạng này đang diễn ra hàng ngày tại BVĐK tỉnh Hòa Bình và một số BV khác.

Tình trạng méo mó trong quá trình xã hội hóa đang ngầm châm ngòi cho những mâu thuẫn phát sinh, làm xấu đi môi trường làm việc tại không ít cơ sở y tế, nhất là khi tại đây thiếu đi vai trò kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Theo các nhà quản lý, để xảy ra tình trạng bát nháo xe cứu thương, xe vận chuyển bệnh nhân “nhái” là do xe cứu thương của BV không đủ đáp ứng được nhu cầu của người dân; DN tư nhân tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực này “nhân bản” số lượng xe; cơ quan chuyên môn buông lỏng quản lý, giám sát; còn lực lượng CSGT, TTGT và CA thì “ngại” kiểm tra, xử lý… đối với loại xe ưu tiên này.

Trong nhiều tháng qua, chúng tôi đã theo dõi, giám sát và thu thập được nhiều tài liệu thể hiện tình trạng xe cứu thương, xe vận chuyển bệnh nhân “nhái” đang hoành hành ở nhiều địa phương. Mặc dù đã phản ánh và đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên nhưng dường như các cơ quan chức năng liên quan vẫn “ngó lơ”, mặc cho những chiếc xe vận chuyển bệnh nhân “nhái” lộng hành.

Theo phapluatxahoi.vn

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/vi-sao-bung-phat-xe-cuu-thuong-nhai-d70334.html