Vì sao Bùi Quang Dũng được hai triều Đinh, Lý trọng dụng?

Có một người được vua Đinh Tiên Hoàng phong là Anh Dực tướng quân, sung Điện tiền đô chỉ huy sứ kiêm thiêm sự và vua Lý Thái Tổ ban hiệu: 'Minh Triết Phu Tử', truy phong là Trịnh Quốc Công và tự tay ngự đề văn bia Sự trạng. Người đó là Bùi Quang Dũng.

Tượng thờ Bùi Quang Dũng tại đình làng Bùi Xá, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, Thái Bình.

Tượng thờ Bùi Quang Dũng tại đình làng Bùi Xá, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, Thái Bình.

Một người tài có lý tưởng, biết lựa chọn minh chủ

Theo gia phả Bùi gia lịch thế sự trạng của họ Bùi ở Thái Bình (được viết vào thời Khải Ðịnh, có đóng dấu xác nhận của lý trưởng và Tuần phủ quan phòng Phạm Văn Thụ) trong đó có chép nguyên bài văn bia nói trên của vua Lý Thái Tổ, sách “Thái Bình phong vật chí” (của Tổng đốc Thái Bình Phạm Văn Thụ - thời Khải Định) thì Bùi Quang Dũng (921 - 1018) sinh ra trong một gia đình nông dân ở đất Phong Châu (Phú Thọ). Ngay từ thuở nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh và lúc lớn lên là một trang thanh niên tuấn tú, văn võ kiêm toàn.

Sau khi Ngô Quyền mất, triều đình rối ren, 12 sứ quân nổi lên cát cứ các vùng, tranh giành quyền lực, đất nước lâm vào cảnh loạn lạc. Biết Bùi Quang Dũng là người có tài, văn võ thao lược, tinh thông binh pháp, năm Bình Dần (996), các sứ quân Ngô Xương Xí (chiếm giữ vùng Bình Kiều - Triệu Sơn – Thanh Hóa), Kiều Công Hán (sứ quân giữ đất Phong Châu, Bạch Hạc - Vĩnh Phúc), Đỗ Cảnh Thạc (chiếm giữ Đỗ Động - Bảo Đà – Hà Đông) đều cho người đến thuyết phục lôi kéo ông về với mình nhưng ông đều bằng mọi cách từ chối, bất hợp tác.

Xưa nay nhà vua trọng dụng quần thần có tài không phải là hiếm. Nhưng để được vua tin và đề cao như Bùi Quang Dũng thật không nhiều. Người tài như ông chắc không hiếm. Ông cũng không phải là người đã gắn bó từ đầu với Lý Công Uẩn khởi nghiệp đế vương. Vậy cớ sao ông lại được vua Lý Thái Tổ đề cao đến vậy? Phải chăng vì ông có tấm lòng TRUNG NGHĨA, có TẦM NHÌN và XỬ SỰ THẤU ĐÁO giữa ích nước và lợi nhà để có một cách hành xử đúng đắn và linh hoạt.

Nhưng năm sau, năm Đinh Mão (967), ông lại tìm đến đầu quân cho Đinh Bộ Lĩnh, vị sứ quân tài trí hơn người đang cát cứ ở vùng Hoa Lư (Ninh Bình) và có liên kết với sứ quân Trần Lãm cát cứ ở vùng Bố Hải Khẩu (Thái Bình). Đinh Bộ Lĩnh, với nhiều bộ hạ tài giỏi như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lê Hoàn, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Phạm Hạp… là các cựu sứ quân hoặc dòng dõi các sứ quân; các tăng lữ Ngô Chân Lưu, Trương Ma Ni, Đặng Huyền Quang… và các tướng lĩnh khác (mà các nguồn tư liệu địa phương cho biết) như Bùi Quang Dũng, Nguyễn Tấn… đã lần lượt đánh dẹp các sứ quân khác, thống nhất giang sơn. Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, chọn Hoa Lư làm kinh đô, lấy niên hiệu là Thái Bình. Bùi Quang Dũng được phong là Anh Dực tướng quân, sung vào Điện tiền chỉ huy sứ kiêm thiêm sự và cử về trấn trị miền Bố Hải Khẩu (Thái Bình).

Năm 971, ở vùng Kỳ Bố (Thái Bình), Ngô Văn Kháng nổi lên chống nhà Đinh. Đinh Tiên Hoàng cử tướng đi dẹp loạn nhưng không thành bèn cử Bùi Quang Dũng xuất chinh. Bùi Quang Dũng đã quy hàng được Ngô Văn Kháng và được nhà vua tấn phong là Trấn Đông tiết độ sứ, tổng thống Kiêm Lý ba Đạo, cho đóng quân ở thành Kỳ Bố. Về sau, Bùi Quang Dũng lại được thăng hàm Đặc khai quốc thiên sách thượng tướng, tước Tĩnh An hầu và bố ông được vua truy tặng tước Khải tá hầu, mẹ là Khải tá hầu phu nhân.

Cai quản vùng Bố Hải Khẩu, Bùi Quang Dũng chiêu tập dân nghèo, tổ chức khai khẩn đất hoang ở ven sông Lãng Bạc và sông Cái (sông Trà Lý ngày nay), biến vùng đất hoang vu rộng lớn này thành làng xóm đông vui, đồng ruộng tươi tốt và lập thành 8 trại (nay bao gồm các xã Minh Lãng, Phúc Thành - huyện Vũ Thư, Tân Bình - TP Thái Bình). Các làng/trại trên đều được đặt tên là Bùi Xá (nơi ở của họ Bùi) và ông được thờ làm thành hoàng.

Năm Kỷ Mão 979, Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, nội bộ hoàng triều tranh chấp quyền lực. Thái hậu Dương Vân Nga đành nhường ngôi của con là Đinh Toàn cho Lê Hoàn. Nhà Tiền Lê ra đời. Nhà Tống (Trung Hoa) lợi dụng nước ta có biến, đem quân tiến đánh. Bùi Quang Dũng không tham gia vào cuộc tranh chấp quyền lực trên chính trường triều đình nhưng tích cực tham gia và có đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống nhà Tống do Lê Hoàn lãnh đạo (981). Mặt khác, Bùi Quang Dũng cũng không cộng tác với vương triều mới mà lui về ở ẩn tại động Trinh Thạch (Phong Châu, Phú Thọ), xa rời mọi chính sự.

Một nhà vua biết trọng người tài

Tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra triều Lý. Nhà vua cho người đến nơi Bùi Quang Dũng ẩn cư, mời ông ra giúp việc nhưng ông đều thoái thác viện lý tuổi già vì lúc này ông đã ở tuổi 90.

Một số nghiên cứu cho biết, năm Thuận thiên thứ 2 (triều vua Lý Thái Tổ), vùng Bố Hải Khẩu (Thái Bình) có loạn nổi lên chống lại triều đình. Nhà vua cho quân đi dẹp nhưng đều thất bại. Tướng của triều đình là Nguyễn Uy dò biết được lòng dân ở đây đều hướng về Bùi Quang Dũng. Vậy nên, Lý Thái Tổ khẩn mời ông về triều để giúp vua dẹp loạn. Lý Thái Tổ tỏ lòng kính trọng, ban cho ông hiệu: “Minh Triết Phu Tử” và lấy nguyên chức tước Dực tướng quân lĩnh trấn đông tiết độ sứ của ông thời nhà Đinh phong cho con trai ông là Bùi Quang Anh. Hai cha con Bùi Quang Dũng được vua Lý cử về Bố Hải Khẩu dẹp loạn. Không cần đánh mà loạn được dẹp vì thực ra những người nổi loạn đều là thuộc tướng cũ của ông.

Bùi Quang Dũng mất năm Thuận Thiên thứ 9 (1018) ngày 13 tháng 6; thọ 97 tuổi. Được tin ông mất, Lý Thái Tổ truy phong là Trịnh Quốc Công. Tháng 8 năm ấy, vua Lý còn tự tay ngự đề văn bia Sự trạng ông. Ngày 12/8 (Thuận Thiên thứ 9) 1018, vua giao cho thái sư Khuông Việt chép bản ngự chế vào bia đá.

Văn bia của vua Lý Thái Tổ đã đánh giá rất cao tài năng và công lao, đức độ Bùi Quang Dũng:

“Mỗ vốn thuộc dòng giống Tiên Rồng đất Việt, là nòi hổ tướng trời Nam, là khí thiêng của đất trời hun đúc, bẩm thụ tính tinh anh của núi sông. Văn tài võ lược siêu quần, uy nghi xuất chúng.

"Tinh thần trung dũng quả cảm ấy của Mỗ thực đã biểu lộ cái tầm nhìn xa rộng của Mỗ về thế gian này.

"Ngày sau nếu triều đình hữu sự thì trẫm có thể sai khiến sử dụng đứa cháu của Mỗ.

"Lời nói ấy cứ âm vang mãi bên tai trẫm; đinh ninh mãi trong tim trẫm. Trẫm nghĩ cử chỉ ấy của Mỗ chính là một tấm gương để cho các tôi thần của trẫm này soi chung vậy”.

“Trẫm bùi ngùi than thở: Trời vừa mới thương họ Lý ta mà sao vội cướp đi một triết nhân vậy…

“Ô hô ! Mỗ hiếu trung vẹn cả hai đường.

“Tiết nghĩa song toàn hai chữ.

"Ðó quả là điều hiếm thấy, hiếm nghe bậc nhất từ cổ chí kim ở thế gian này. Trẫm mong cho tính danh của Mỗ sẽ bất tử; hơn nữa nó là tấm gương cho các thế hệ bề tôi của trẫm mãi về sau soi vào”. (Bản dịch của TS Mai Hồng, Viện nghiên cứu Hán Nôm).

Năm Thuận Thiên thứ 11 (1020) nhân đi tuần phòng phía Đông, vua Lý Thái Tổ về ấp Hàm Châu thăm viếng mộ ông và ngự đề đôi câu đối ở từ đường: “Bất sự nhị quân, trang liệt phong, trinh thạch động, tam thập niên quán cổ/Lực phù thống nhất, vân lôi chính khí, Hàm Châu ấp, thiên vạn tải như sinh”.

Tạm dịch nghĩa: Không thờ hai vua, tiếng trung liệt cao vời vợi, động Trinh Thạch 30 năm lừng tiếng/ Hết sức giúp nền thống nhất, chí khí ngay thẳng vang dội, ấp Hàm Châu vạn cổ vẫn còn.

Lại nói về nhà vua Lý Thái Tổ, cái cách ông đối xử với Bùi Quang Dũng, không chỉ là người biết TRỌNG TÀI, mà còn là TRỌNG NGHĨA. Nhà vua làm vậy còn nhằm AN DÂN, xây dựng quốc gia thái bình từ nền tảng ĐẠO ĐỨC.

Quả là vua sáng - tôi hiền mà thời nào cũng mong là vậy.

Vĩnh Khánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-vi-sao-bui-quang-dung-duoc-hai-trieu-dinh-ly-trong-dung-386227.html