Vì sao Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không muốn kiểm toán phần tài sản tư nhân trong dự án PPP?

Hầu hết các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, dự án PPP (đối tác công tư) vẫn phải được coi là dự án đầu tư công và chịu sự kiểm toán như với dự án đầu tư công. Ngược lại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) không đồng tình, cho rằng 'làm thế, nhà đầu tư không yên tâm'.

Ngày 19/11, QH thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Rất nhiều ĐB quan tâm, đóng góp ý kiến về vấn đề kiểm toán đối với loại dự án này.

Theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), khác với đầu tư tư nhân, đầu tư PPP cần được coi là đầu tư mang tính chất nhà nước, bởi chính sách ưu đãi của nhà nước với dự án nhượng quyền thu phí, thu giá sử dụng dịch vụ của nhà nước cho nhà đầu tư để thu hồi vốn và lợi ích vật chất khác trong khoảng thời gian nhất định. Do đó, trình tự, thủ tục đầu tư, thanh tra, kiểm toán, v.v. phải cơ bản đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật và quản lý đầu tư công hiện hành.

ĐB đề nghị, tại Điều 80 của dự thảo l uật cần quy định kiểm toán nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án PPP mà không giới hạn trong phạm vi phần vốn góp của nhà nước vào dự án.

Đồng quan điểm với ĐB Nguyễn Tiến Sinh, ĐB Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang) cho rằng, sản phẩm của dự án là tài sản công và dự án tác động đến lợi ích xã hội, vì vậy đề nghị xem xét quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện toàn bộ dự án PPP, đặc biệt là lưu ý thêm công tác kiểm toán hoạt động đối với dự án nhằm giúp các bên liên quan thực hiện tốt công bắt đầu tư.

“Kiểm toán nhà nước đồng hành cùng nhà nước và doanh nghiệp kịp thời phát hiện các sai sót để chấn chỉnh thay vì kiểm toán khi dự án hoàn thành, khi đó các sai sót nếu có sẽ khó khắc phục hơn.” ĐB tỉnh Tiền Giang nói.

ĐB Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang)

ĐB Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang)

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng nhấn mạnh, dự án PPP “đương nhiên” phải được quản lý theo quy định của đầu tư công và phải được kiểm toán, nhưng dự thảo luật lần này đưa ra dự kiến là hoạt động kiểm toán là chỉ áp dụng với phần tài sản công và tài chính công, còn phần tài sản và vốn doanh nghiệp sẽ không kiểm toán.

“Theo tôi quy định như vậy là chưa hợp lý, bởi vì cần phải tăng tính minh bạch trong việc xác định giá và phí mà các nhà đầu tư PPP thu của người sử dụng. Do vậy, cần phải được kiểm toán và khi kiểm toán các yếu tố cấu thành liên quan đến mức phí với mức giá sẽ gồm cả vốn và tài sản mà doanh nghiệp đầu tư ra. Như vậy, để đảm bảo cần có sự cho phép là kiểm toán tham gia kiểm toán với các nội dung thuộc về vốn và tài sản của các nhà đầu tư, chứ không phải chỉ có riêng đối với phần tài chính công, tài sản công.” – ĐB tỉnh Bắc Giang phân tích.

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang)

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thì nhấn mạnh, trong phần đóng góp của nhà nước, ngoài ngân sách thì còn phần “tài sản khác”, do vậy, phần “tài sản khác” này phải tính bằng giá trị theo cơ chế thị trường.

“Không phải như thời gian, qua góp vốn của nhà nước bằng bất động sản cho các dự án BT ở những khu đất vàng, còn nhận lại công trình của nhà đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản công, dư luận không tốt” – ĐB tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến.

ĐB Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) phân tích, về bản chất, đây là hoạt động đầu tư nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư, nhà nước thực hiện đầu tư thông qua hợp đồng PPP với nhà đầu tư. Dù nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư, nhưng thay vào đó nhà nước cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được thu phí tổ chức, cá nhân sử dụng kết cấu hạ tầng với mức thu và thời hạn thu do nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất.

“Chi phí đầu tư là cơ sở để xác định thời gian, mức thu phí đối với dự án. Vì vậy, nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì làm sao xác định được mức thu phí, thời gian thu phí đối với công trình là phù hợp?” – ĐB tỉnh Hải Dương đặt vấn đề.

Theo ĐB Thưởng, thực tế, những năm gần đây, thông qua kiểm toán các dự án đầu tư theo phương thức BT, BOT, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí giao thông đối với nhiều dự án BOT, giảm thất thoát ngân sách nhà nước trong dự án BT hàng nghìn tỷ đồng. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước được dư luận rất đồng tình, ủng hộ.

“Vậy, lý do tại sao dự thảo luật lại quy định không cho Kiểm toán nhà nước kiểm toán dự án PPP như hiện tại Kiểm toán nhà nước đang làm mà chỉ được kiểm toán với phần vốn do nhà nước hỗ trợ?” – ĐB tỉnh Hải Dương nói và đề nghị xem lại vấn đề này và phải nêu rõ trong báo cáo đánh giá tác động.

“Nếu quy định cho Kiểm toán nhà nước kiểm toán cả phần vốn không phải do ngân sách hỗ trợ như hiện nay thì sao? Đã có trường hợp nào dự án PPP không thu hút được nhà đầu tư mà nguyên nhân là do sợ bị kiểm toán hay không, hay vì lý do Kiểm toán nhà nước quá tải hay không đủ nguồn lực để thực hiện kiểm toán? Vấn đề này tôi đề nghị đồng chí Tổng Kiểm toán nhà nước tham gia có ý kiến thêm.” – ĐB Hoàng Quốc Thưởng nói.

ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng phân tích, nếu không kiểm toán phần vốn do nhà đầu tư PPP bỏ ra thì không thể phân phân biệt rạch ròi được những hạng mục nào và điểm nào thuộc đầu tư công, điểm nào là PPP, như vậy sẽ không kiểm soát được toàn bộ chất lượng công trình cũng như phân loại được nguồn vốn nào có hiệu quả, nguồn vốn nào không có hiệu quả và xác định trách nhiệm chỗ này.

“Tất cả các dự án PPP tôi đề nghị nghỉ đều phải được thanh tra, kiểm toán như dự án đầu tư công.” – ĐB tỉnh Quảng Nam nêu quan điểm.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) thì phân tích, nếu kiểm toán nhà nước chỉ kiểm toán phần vốn đầu tư công mà không phải là kiểm toán toàn bộ dự án sẽ tạo ra bất cập, bởi vì không thể xác định toàn bộ rủi ro của dự án nếu như chỉ kiểm toán một phần vốn của dự án trong khi Luật lại quy định nhà nước có trách nhiệm chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một ĐB khác cũng của đoàn Hà Nội là ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu quy định phải kiểm toán toàn bộ các dự án đầu tư PPP thì “cũng không phải là đúng”.

“Chúng ta chỉ thực hiện Kiểm toán nhà nước đối với phần tiền của nhà nước bỏ ra, còn phần của tư nhân thì người ta phải chịu trách nhiệm. Nếu nhà đầu tư nào đầu tư tốt, tiết kiệm được các phần chi phí thì đấy chính là nguồn lợi của đầu tư được hưởng ngay trong quá trình đầu tư. Tôi cho rằng việc đó mới thực sự chọn được nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư có kỹ năng, có trình độ cao để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả đầu tư.” – ĐB Cường nói.

Giải trình sau những ý kiến của các ĐBQH, Bộ trường Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc thiết kế như Dự thảo Luật “là một điều phù hợp đã được thiết kế phù hợp với Hiến pháp và Luật Kiểm toán nhà nước. Tức là chỉ thực hiện Kiểm toán nhà nước đối với tài sản công và tài chính công”.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng

Theo ông Dũng, Hiến pháp bảo hộ quyền tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư nêu tại Điều 51 khoản 3, đó là: Tài sản hình thành từ nguồn vốn của nhà đầu tư được xác định theo các yếu tố về giá, phí, chất lượng.

“Theo kinh nghiệm quốc tế thì nội dung của hợp đồng phải được nhà nước xem xét kỹ lưỡng trước khi ký kết và có thể thực hiện Kiểm toán nhà nước ngay từ khâu lập dự án. Nếu chúng ta lập xong, ký hợp đồng rồi mà chúng ta lại kiểm toán lại theo các quy định khác và theo các quy định ở trong nước thì nhà đầu tư không thể yên tâm để thực hiện được.” – ông Dũng nói ngắn gọn.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201911/vi-sao-bo-truong-nguyen-chi-dung-khong-muon-kiem-toan-phan-tai-san-tu-nhan-trong-du-an-ppp-59b15b0/