Vì sao Bộ trưởng Giao thông đề xuất 'ai mất giấy phép lái xe đều phải thi lại'?

'Tôi đang đề xuất trong bài thi, trường hợp đèn đỏ báo hiệu đường sắt hay khi qua đường đèo mà học viên vi phạm là cho rớt ngay, vì những vi phạm này rất nghiêm trọng trong thực tế', Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói.

Sáng 6/3, Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến rất phức tạp; số người chết và số người bị thương tuy có giảm những vẫn rất nghiêm trọng (TNGT đường bộ và đường sắt trong năm 2018 làm gần 8.200 người chết và hơn 14.700 người bị thương).

“Trung bình mỗi ngày có khoảng 23 người mãi mãi không bao giờ về nhà nữa” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nói. Cùng với đó, công tác quản lý người điều khiển phương tiện, giáo dục ý thức của người tham gia giao thông, quản lý vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ… đều còn những hạn chế, tồn tại.

Tại phiên giải trình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đã nêu 11 vấn đề lớn đề nghị các cơ quan liên quan trả lời. Đáng chú ý, Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ Công an giải trình khi việc răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao. Một số trường hợp còn có biểu hiện “nhờn” luật do cán bộ tuần tra, kiểm soát tiêu cực trong xử lý.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: KTĐT

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: KTĐT

Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể. Ảnh: VNE

“Từ ngày 16/11/2016 đến ngày 15/2/2019 đã xử lý 344 cán bộ chiến sĩ vi phạm quy trình, chế độ công tác”- nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp trích dẫn báo cáo của Bộ Công an. Cùng với đó, tình trạng xe quá tải chưa được xử lý triệt để, diễn ra phức tạp tại một số tuyến đường, có dấu hiệu tái diễn tại các quốc lộ, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, là nguyên nhân mất trật tự ATGT, hư hỏng kết cấu hạ tầng.

Trong khi đó, kết quả xử lý vi phạm còn hạn chế, chỉ có 10-12% số xe được kiểm tra vi phạm về tải trọng là chưa phản ánh đúng số lượng và tình hình vi phạm trên thực tế. “Có tình trạng tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí là “bảo kê” cho vi phạm, “bảo kê” cho xe vua” - Ủy ban Tư pháp nêu rõ.

Bà Thủy còn cho hay trong công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe còn một bộ phận học viên có tâm lý "không muốn học bài bản nhưng muốn có giấy phép". Nắm bắt tâm lý này, một số cơ sở đào tạo cắt xén chương trình, số giờ học lý thuyết và thực hành; thay vì dạy bài bản thì dạy "mẹo" với mục tiêu thi đỗ chứ không phải để vận hành xe an toàn sau này; có hiện tượng "bao thi", "bao đỗ" tại một số cơ sở cấp giấy phép lái xe.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết, cuối năm 2018, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 138 về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo lái xe. Theo đó, nội dung giảng dạy phải thay đổi, tăng cường tình huống tập lái xe trong sa hình.

"Tôi đang đề xuất trong bài thi, trường hợp đèn đỏ báo hiệu đường sắt hay khi qua đường đèo mà học viên vi phạm là cho rớt ngay, vì những vi phạm này rất nghiêm trọng trong thực tế", ông Thể nói và cho hay, hiện 100 người thi chỉ xét 58% trúng tuyển, còn lại phải thi lại lần 2, lần 3.

Theo ông, Bộ Giao thông sẽ phối hợp với Bộ Công an nhằm cung cấp thông tin những trường hợp bằng giả, vi phạm để phục vụ công tác xử lý của cơ quan chức năng.

"Chúng tôi cũng đề xuất phương án, tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này để xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3", ông Thể nói

Xem thêm: Một chiến sỹ CSGT bị tàu hỏa tông tử vong khi đang làm nhiệm vụ

Hạnh Chi (T/h) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongvietnam.vn/vi-sao-bo-truo-ng-giao-thong-de-xuat-ai-mat-giay-phep-lai-xe-deu-phai-thi-lai-62446-3.html