Vì sao Bộ Công an bỏ quy định giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình?
Nhiều trường hợp lợi dụng giám sát để quay phim, ghi hình quá trình làm việc của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông. Sau đó, họ chia sẻ lên mạng xã hội nhằm quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật.
Nhiều người lợi dụng việc ghi âm, ghi hình CSGT
Trong Thông tư số 46/2024 (có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2024) vừa được Bộ Công an ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), nội dung mới đáng chú ý là từ ngày 15/11, hình thức giám sát lực lượng chức năng đang thực thi công vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình sẽ được loại bỏ.
Đề cập lý do bỏ quy định hình thức giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình, Bộ Công an lý giải, thời gian qua việc giám sát của một bộ phận người dân đối với lực lượng chức năng trực tiếp làm công tác bảo đảm TTATGT tại một số nơi và ở một số thời điểm chưa được khách quan, đúng quy định.
Đáng chú ý, nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT). Sau đó, họ chia sẻ lên mạng xã hội nhằm quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về TTATGT.
Sau này, khi những hình ảnh, clip đăng tải được gỡ bỏ khỏi không gian mạng, còn người đăng tải bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, lúc này các hình ảnh đó vẫn còn ảnh hưởng đến quá trình làm nhiệm vụ của lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, Thông tư mới không quy định hình thức giám sát của nhân dân thông qua ghi âm, ghi hình phù hợp với quy định của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thông tin mạng và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bộ Công an sẽ đưa nội dung quy định Công an các đơn vị, địa phương sẽ bố trí khu vực làm việc, tổ chức ghi âm, ghi hình quá trình làm việc của lực lượng CSGT vào thông tư quy định nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng CSGT đường bộ để đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác bảo đảm TTATGT.
5 hình thức giám sát CSGT
Tại Điều 11 của Thông tư mới ban hành, quy định về hình thức giám sát của người dân trong công tác bảo đảm TTATGT cũng được thay đổi.
Cụ thể, theo quy định mới, người dân được giám sát thông qua 5 hình thức sau:
Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ.
Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm TTATGT.
Việc giám sát phải đảm bảo các điều kiện gồm: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ở ngoài khu vực thực thi công vụ.
Trước đây, Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 1/8/2023 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2023) quy định người dân có quyền giám sát CSGT qua 5 hình thức:
Một là, thông qua các thông tin công khai của công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Hai là, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
Ba là, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.
Bốn là, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Năm là, thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; Ngoài khu vực bảo đảm TTATGT (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm TTATGT); Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.