Vì sao bị tay chân miệng dễ gây mất nước? Làm cách nào để bù lại?

Bệnh nhân chân miệng thường có các dấu hiệu của tình trạng mất nước do các triệu chứng của bệnh như sốt, nôn mửa và giảm uống nước do tổn thương tại miệng. Vì vậy, bù nước đúng cách cho bệnh nhân mất nước do bệnh tay chân miệng là rất quan trọng để hạn chế các nguy hiểm do mất nước gây nên.

Nội dung:

1. Vì sao bệnh tay chân miệng dễ gây mất nước?
2. Mất nước do bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?
3. Các biểu hiện mất nước do bệnh tay chân miệng
4. Bù nước cho mất nước do bệnh tay chân miệng như thế nào?
4.1. Bù nước bằng đường uống khi mất nước do bệnh tay chân miệng
4.2. Bù nước đường tĩnh mạch

1. Vì sao bệnh tay chân miệng dễ gây mất nước?

Bình thường, hàm lượng nước trong cơ thể luôn được giữ ổn định ở một tỷ lệ nhất địnhnhờ sự cân bằng của cán cân lượng nước nhập vào cơ thể và lượng nước được bài xuất ra ngoài. Và tổng lượng nước nhập hằng ngày luôn phải tổng bằng lượng nước được cơ thể bài xuất.

Khi bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng, các biểu hiện của bệnh như sốt, tiêu chảy hoặc nôn mửa khiến cho lượng nước mất trở gia tăng nhiều hơn so với mức bình thường. Cùng với đó là sự giảm nhập nước vào cơ thể do bệnh nhân bị đau miệng (do các tổn thương niêm mạc miệng) nên không muốn ăn uống,..

Do đó dễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa lượng nước nhập vào và mất đi ở bệnh nhân. Hậu quả trực tiếp của nó chính là tình trạng mất nước do bệnh tay chân miệng.

Mất nước do bệnh tay chân miệng là tình trạng rất thường xuyên xảy ra (Ảnh: Internet)

Mất nước do bệnh tay chân miệng là tình trạng rất thường xuyên xảy ra (Ảnh: Internet)

2. Mất nước do bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

Tình trạng mất nước do bệnh tay chân miệng nếu được phát hiện sớm thì hầu hết đều ít để lại các hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu phát hiện trễ, đặc biệt là khi đối tượng mắc bệnh tay chân miệng chủ yếu là trẻ em (chưa có khả năng diễn đạt mong muốn uống nước, hay khát nước,...) thì các dấu hiệu của mất nước có thể không được phát hiện kịp thời, dễ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng khác nhau.

Những hậu quả nguy hiểm của tình trạng mất nước do bệnh tay chân miệng:

- Co giật, động kinh.

- Suy thận do giảm thể tích tuần hoàn.

- Phù não do bồi phụ nước quá nhanh.

- Hôn mê.

- Sốc giảm thể tích.

Mất nước do bệnh tay chân miệng có thể gây nhiều nguy hiểm khi không được phát hiện kịp thời (Ảnh: Internet)

3. Các biểu hiện mất nước do bệnh tay chân miệng

Như đã nói, do lứa tuổi chủ yếu mắc bệnh tay chân miệng là lứa tuổi trẻ em (dưới 5 tuổi), do đó vấn đề diễn đạt các vấn đề mà cơ thể đang gặp phải của trẻ còn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là không thể diễn đạt được nếu trẻ quá nhỏ. Do đó, vấn đề phát hiện sớm mất nước do bệnh tay chân miệng chủ yếu cần dựa vào sự theo dõi thường xuyên của người nhà đối với tình trạng của trẻ thông qua một số triệu chứng mất nước đặc trưng.

Các biểu hiện thường thấy khi có mất nước do bệnh tay chân miệng:

- Trẻ khát nước, háo hức khi uống nước.

- Mắt trũng, môi và niêm mạc miệng khô.

- Khi khóc không có nước mắt.

- Da trẻ nhăn, véo nhẹ da bụng bé sau đó thả ra thấy nếp véo da mất chậm.

- Trẻ tiểu ít nước tiểu thường vàng đậm do cô đặc quá mức.

- Tay chân trẻ lạnh, nhịp tim có thể nhanh.

- Trẻ sụt cân nhanh chóng, có thể thấy thay đổi cân nặng hằng ngày. Mức độ mất nước có thể được ước lượng qua sự sụt giảm khối lượng cơ thể.

4. Bù nước cho mất nước do bệnh tay chân miệng như thế nào?

Bù nước ở bệnh nhân bị mất nước do bệnh tay chân miệng cần được tiến hành kịp thời bằng các biện pháp thích hợp. Có hai con đường có thể được sử dụng để bù nước cho bệnh nhân mất nước do bệnh tay chân miệng là đường uống và đường tĩnh mạch.

4.1. Bù nước bằng đường uống khi mất nước do bệnh tay chân miệng

Nếu bệnh nhân mất nước do bệnh tay chân miệng còn có thể uống (các trường hợp mất nước nhẹ và vừa) thì bù nước bằng đường uống là lựa chọn được ưu tiên. Dung dịch thường được sử dụng để bù nước trên thực tế là dung dịch Oresol.

Cách sử dụng dung dịch Oresol để bù nước cho bệnh nhân mất nước do bệnh tay chân miệng:

- Liều lượng: Liều lượng sử dụng Oresol ở bệnh nhân mất nước nhẹ là khoản 50ml/kg và khoảng 100ml/kg nếu mất nước mức độ vừa. Chú ý liều lượng sử dụng Oresol có thể được điều chỉnh theo lứa tuổi của bệnh nhân.

Bệnh nhân từ 1-2 tuổi uống mỗi lần 50ml, nên sử dụng khoảng 2-3 lần/ngày.

Bệnh nhân từ 2-6 tuổi uống mỗi lần 100ml, nên sử dụng khoảng 2-3 lần/ ngày.

Bệnh nhân từ 6-12 tuổi uống mỗi lần 150ml, nên sử dụng khoảng 2-3 lần/ ngày.

Bệnh nhân trên 12 tuổi, sử dụng theo liều của người lớn.

- Pha dung dịch Oresol đúng cách: Hòa tan toàn bộ gói Oresol vào nước theo hướng dẫn sử dụng trong một lần pha duy nhất, không pha dung dịch quá đặc hoặc quá loãng. Quấy tan hoàn toàn trước khi dùng và chỉ nên dùng trong vòng 24 giờ kể từ khi pha dung dịch.

- Nếu trẻ bị nôn sau khi uống dung dịch Oresol thì không nên cho trẻ uống lại ngay để tránh khiến tình trạng mất nước của trẻ nặng hơn do nôn ói nhiều, thay vào đó nên chờ khoảng 10 phút trước khi cho trẻ uống trở lại.

>> Ths.BS Ngô Anh Vinh cảnh báo thói quen nguy hiểm khi cha mẹ tự cho con uống bù nước oresol

Dung dịch Oresol thường được sử dụng để bù nước khi bị mất nước do bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)

* Một số dung dịch bù nước khác có thể sử dụng:

Trong trường hợp không có Oresol hoặc không thể sử dụng dung dịch Oresol thì có thể sử dụng một số dung dịch sau để bù nước cho bệnh nhân mất nước do bệnh tay chân miệng:

- Nước cháo loãng có muối.

- Nước gạo rang có muối.

- Nước dừa.

- Sữa mẹ.

4.2. Bù nước đường tĩnh mạch

Bù nước cho bệnh nhân mất nước do bệnh tay chân miệng bằng đường tĩnh mạch thường là lựa chọn khi bệnh nhân mất nước mức độ nặng, hoặc không thể sử dụng bù nước bằng đường uống (nôn ói nhiều, đau miệng không uống được,...). Các loại dung dịch có thể được sử dụng để bù nước cho bệnh nhân hay dùng như dung dịch NaCl 0,9%, Ringer lactat,...

Tuy nhiên, khi bù nước cho bệnh nhân mất nước do bệnh tay chân miệng cần phải tiến hành thận trọng dưới sự theo dõi của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Qua đây có thể thấy rằng mất nước do bệnh tay chân miệng là tình trạng rất nguy hiểm. Do đó cần phát hiện sớm các biểu hiện mất nước ở người bệnh để có phương án bù nước thích hợp cho từng trường hợp cụ thể, tránh để lại các hậu quả đáng tiếc do mất nước gây nên.

Bị tay chân miệng có nên tắm không? Hướng dẫn cách tắm cho trẻ bị tay chân miệng tại nhà

QN

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vi-sao-bi-tay-chan-mieng-de-gay-mat-nuoc-lam-cach-nao-de-bu-lai-41202029127531612.htm