Vì sao bị cáo Dương Thị Bạch Diệp bị đề nghị án chung thân?

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp biết sai nhưng vẫn làm là cố tình chiếm đoạt tài sản của nhà nước. Bởi vậy cần bản án nghiêm trị để răn đe.

Bà Dương Thị Bạch Diệp tại phiên tòa sáng 22/3

Sau 5 ngày phiên tòa tạm ngưng xét xử, ngày 22/3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, bà Dương Thị Bạch Diệp cùng 8 bị cáo về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị mức án đối với bà Dương Thị Bạch Diệp là tù chung thân; ông Nguyễn Thành Tài từ 5-6 năm tù.

Theo cáo trạng, nguyên Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài và bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đã gây thiệt hại cho nhà nước 186 tỷ đồng xung quanh việc hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng Q.3, TP.HCM.

Trong phần nhận định, VKS cho rằng bị cáo Dương Thị Bạch Diệp có hành vi gian dối. Tài sản tại 57 Cao Thắng đang thế chấp vay 8.700 lượng vàng nhưng bị cáo Diệp lại đem hoán đổi để lấy miếng đất 185 Hai Bà Trưng của nhà nước. Bị cáo Diệp dùng giấy photo để che giấu việc tài sản đã bị thế chấp. Sau đó tiếp tục lấy tài sản 185 Hai Bà Trưng của nhà nước để đem thế chấp tại một ngân hàng khác. Hành vi này nhằm chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Bị cáo Diệp đã lợi dụng một số cán bộ cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi trên. Trong quá trình xét xử, bị cáo Diệp không thừa nhận tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp tại ngân hàng mà còn đổ lỗi cho các cơ quan nhà nước, đổ lỗi cho các bị cáo trong vụ án...

VKS cho rằng, việc bị cáo Diệp phủ nhận trách nhiệm của mình là không có căn cứ. Trên hồ sơ thực tế, bị cáo Diệp là người ký nhiều giấy tờ để thế chấp ngân hàng, giấy nhận nợ… Bị cáo Diệp biết sai nhưng vẫn làm, điều này cho thấy bị cáo thể hiện ý chí chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 186 tỷ đồng. Do đó, cần có một bản án nghiêm khắc mới đủ tính răn đe.

VKS cũng nhận định, bị cáo Nguyễn Thành Tài là người không được phân công phụ trách lĩnh vực quản lý đô thị, nhưng được cấp trên phân công xử lý việc hoán đổi hai nhà đất nói trên nên đã nỗ lực thực hiện. Hành vi của bị cáo Tài đã đủ yếu tố cấu thành tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong vụ án này, ngoài bị cáo Tài và bị cáo Diệp, còn có 8 bị cáo đều là lãnh đạo tại một số sở, ngành.

Cụ thể gồm: Trần Nam Trang (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM), Vy Nhật Tảo (Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM), Nguyễn Thành Rum (nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM), Lê Tôn Thanh (nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM), Lê Văn Thanh (nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM), Huỳnh Kim Phát (nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TNMT TP.HCM) và Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó Giám đốc Sở TNMT TP.HCM).

Đối với 8 bị cáo còn trong vụ án, đại diện Viện KSND TP.HCM nhận định, các bị cáo đã thừa nhận hành vi sai phạm của bản thân trước HĐXX. Đại diện Viện KSND TP.HCM khẳng định: Hành vi của 8 bị cáo còn lại cũng đủ yếu tố cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cáo trạng quy kết là hoàn toàn có căn cứ.

Viện KSND TP.HCM đề nghị bị cáo Dương Thị Bạch Diệp: tù chung thân, bị cáo Nguyễn Thành Tài: 5-6 năm tù; các bị cáo còn lại từ 3-6 năm tù.

Yên Trang

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-bi-cao-duong-thi-bach-diep-bi-de-nghi-an-chung-than-d499961.html