Vì sao bệnh nhân Covid-19 sau khi xuất viện lại có kết quả dương tính trở lại?

Trường hợp bệnh nhân 188 (ở xóm Thượng, thôn Khôn Duy, xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã dương tính với vi rút SARS-CoV-2 sau khi xuất viện đặt ra một số câu hỏi: Vì sao khi bệnh nhân khỏi bệnh lại có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại và khi bệnh nhân dương tính trở lại có thể lây bệnh cho người khác không?

Vi rút có thể bị kích hoạt trở lại

Chiều 19-4, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, có nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia, Tây Ban Nha... đã ghi nhận người bệnh khỏi rồi lại xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Do đó, việc bệnh nhân tái nhiễm tại nước ta là điều hoàn toàn có thể xảy ra, dù không phải là số nhiều.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, riêng Hàn Quốc đã ghi nhận tới hơn 100 ca tái nhiễm Covid-19. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang điều tra thêm trước khi có kết luận rõ ràng.

Tuy nhiên, kết quả điều tra ban đầu từ phía Hàn Quốc cho thấy, trong cơ thể bệnh nhân có thể có sự hoạt động trở lại của lượng vi rút còn tồn đọng. Nếu hệ miễn dịch của bệnh nhân chưa phát triển được đủ để chống lại vi rút hoặc hệ miễn dịch bị yếu đi sau khi hồi phục, lượng vi rút trước đây chưa phát hiện có thể được kích hoạt trở lại.

Một giả thiết nữa được đặt ra là loại vi rút mới này có khả năng tồn tại trong trạng thái "ngủ" trước khi được kích hoạt trở lại. Test xét nghiệm có thể phát hiện ra những phần "chết" của vi rút, không còn khả năng lây nhiễm.

Bên cạnh đó, theo phía Hàn Quốc, nguyên nhân cũng có thể do lỗi trong việc lấy mẫu, xử lý mẫu và xét nghiệm. "Tuy nhiên, đến nay, tại Hàn Quốc chưa ghi nhận trường hợp lây bệnh từ những ca tái nhiễm", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Theo ông Trần Đắc Phu, điều quan trọng hiện nay là bảo đảm tuyệt đối, không để các ca dương tính trở lại lây nhiễm ra cộng đồng. Do đó, có những trường hợp xét nghiệm 2 lần âm tính đã được công bố khỏi bệnh.

Thế nhưng, có trường hợp phải xét nghiệm từ 3-4 lần âm tính mới được công bố khỏi bệnh. Sau khi được công bố khỏi bệnh, bệnh nhân tiếp tục thực hiện cách ly thêm 14 ngày. Điều quan trọng nhất là vấn đề bảo đảm cách ly tuyệt đối theo quy định. Nếu bệnh nhân dương tính thành âm tính rồi âm tính thành dương tính mà bệnh nhân ra cộng đồng thì mới đáng lo ngại.

"Còn với bệnh nhân 188, bệnh nhân được phát hiện dương tính trong thời gian đang cách ly tại nhà và sau đó ngay lập tức được đưa đến bệnh viện để tiếp tục được cách ly, theo dõi nên nguy cơ lây lan trong cộng đồng là không nhiều", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Giữ nguyên tắc 3 "chìa khóa" phòng bệnh

Về trường hợp bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng, sau khi bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, ngay từ đầu, Việt Nam đã có quy trình rất thận trọng.

Cụ thể, sau khi được điều trị, có kết quả âm tính từ 2-3 lần trở lên (tùy từng trường hợp), bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân vẫn được cách ly, giám sát của bệnh viện, hoặc cán bộ y tế dự phòng địa phương trong 14 ngày tiếp theo. "Chúng tôi đang có những nghiên cứu, lý giải tình trạng này", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết .

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho biết, người bị nhiễm vi rút khi hết bệnh đa số thành người bình thường, không còn phát tán vi rút.

Tuy nhiên, có một số nhỏ có thể chuyển sang thành người lành mang trùng, không triệu chứng nhưng trong người có vi rút. Thậm chí, còn có trường hợp, vi rút tồn tại trong họng nhưng tốc độ phát ra ngoài không nhiều nên không có lây nhiễm. Điều chắc chắn là tải lượng vi rút càng cao lây lan càng lớn, nhất là khi người mang vi rút ho, hắt xì hơi liên tục sẽ lây nhiều hơn người không ho, không hắt hơi.

Do đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, cách tốt nhất của mỗi người là thay vì hoang mang, lo lắng nên tự phòng bệnh bằng 3 "chìa khóa" quan trọng, đó là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách từ 2 mét trở lên khi tiếp xúc.

Liên quan đến trường hợp bệnh nhân 188 dương tính trở lại, huyện Chương Mỹ xử lý như một ổ dịch mới, trong đó đã điều tra dịch tễ được 3 người, gồm: Chồng, con gái bệnh nhân và lái xe đưa bệnh nhân từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam về nhà là đối tượng F1.

Cuối giờ chiều 19-4, trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, kết quả xét nghiệm của 3 trường hợp F1 này đều âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/965046/vi-sao-benh-nhan-covid-19-sau-khi-xuat-vien-lai-co-ket-qua-duong-tinh-tro-lai