Vì sao bệnh chân tay miệng rất dễ lây với trẻ mầm non?

Bệnh chân tay miệng lây truyền qua đường phân miệng. Virus gây bệnh có trong phân và dịch tiết hô hấp của người bệnh hoặc người mang mầm bệnh vì thế ở lứa tuổi trẻ mầm non bệnh rất dễ lây và bùng phát thành dịch.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Lạc – Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, bệnh tay chân miệng là bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều trẻ lớn vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Bác sĩ Lạc từng gặp trường hợp bệnh nhi 13 tuổi, cháu bé bị đau bụng, sốt cao, đi ngoài phân lỏng nhưng không tìm ra bệnh.

Khi vào Bệnh viện Nông nghiệp khám, cháu bé cháu bé được theo dõi 1 ngày, mạch huyết áp bình thường. Sau đó, bác sĩ phát hiện cháu có các nốt ở lòng bàn tay, cho làm xét nghiệm thì cho kết quả dương tính với virus tay chân miệng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc tư vấn cho chị em.

Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc tư vấn cho chị em.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã phải chuyển bệnh nhi lên tuyến trên. Sau đó, cháu bé được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu. Sau gần 1 tháng điều trị thì cháu bé đã tử vong do biến chứng nhiễm khuẩn huyết gây suy đa tạng mà nguyên nhân ban đầu từ tay chân miệng.

Bác sĩ chuyên khoa nhi Nguyễn Thị Cúc – Bệnh viện An Việt, Hà Nội, cho biết tay chân miệng do virus gây ra. Bệnh có dấu hiệu ở trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc má, miệng có các mụn nhọt.

Bệnh do virus gây ra có thể lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc và chủ yếu lây ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi vì đây là lứa tuổi trẻ dễ tiếp xúc tay miệng hơn.

Dấu hiệu của tây chân miệng: Thông thường ở giai đoạn đầu trẻ xuất hiện mệt mỏi, ăn kém, và xuất hiện mụn nước ở lòng ban tay, bàn chân. Ban đầu có thể là mụn như muỗi đốt.

Đây là bệnh truyền nhiễm lành tính nhưng nếu không chăm sóc và điều trị đúng có thể dẫn tới biến chứng nặng thậm chí tử vong.

Bác sĩ Cúc cho biết, ở tuổi mầm non, do trẻ ăn chung bát, chung thìa, trong nhà trẻ các cháu bò lê dưới đất, tay chân bị nhiễm vi rút sau đó bé mút tay, mút đồ chơi mà điều quan trọng nhất trong nhà trẻ chỉ cần 1 cháu bị bệnh, qua cách như trên thì dẫn đến các cháu khác trong cùng nhà trẻ lây bệnh.

Biểu hiện của bệnh đó là trẻ thường sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da như dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…. Tuy nhiên, nhiều khi cha mẹ phải rất tinh ý mới phát hiện kịp thời.

Bệnh này lây qua đường tiêu hóa nhưng nguồn chứa virus nhiều nhất là chất tiết từ vùng hầu họng, nước miếng phát tán ra môi trường xung quanh thông qua vật dụng và bàn tay. Chính vì vậy bác sĩ Cúc nhấn mạnh nên tăng cường vệ sinh cụ thể như rửa tay thường xuyên, sử dụng dụng cụ bát đĩa riêng, huấn luyện cho các cháu không mút tay, ngậm đồ chơi và các cháu cần vệ sinh đúng chỗ.

Cần phát hiện kịp thời những cháu trong nhà trẻ có biểu hiện ốm đau bất thường được đi khám và cách ly ngay để không lây truyền cho các cháu khác.

Đối với mỗi gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi, luôn phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng xà phòng (với cả trẻ em và người lớn) và vệ sinh đồ dùng, đồ chơi và các bề mặt nơi trẻ sinh hoạt hàng ngày bằng xà phòng và các chất khử khuẩn thông thường như javel (nước tẩy trắng quần áo).

Hiện nay chưa có vắc xin, vì vậy chúng ta phải thực hiện biện pháp phòng bệnh tuyệt đối.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/benh-tay-chan-mieng-de-doa-tre-mam-non-256437.html