Vì sao bạo loạn xảy ra trên khắp nước Anh?
Lợi dụng vụ tấn công bằng dao hôm 30/7 ở Southport, hàng loạt người có sức ảnh hưởng trực tuyến, nhóm cực đoan chống Hồi giáo và tân phát xít đã kích động tình trạng bạo lực ở Anh.
Trong những ngày gần đây, tình trạng bất ổn đã nổ ra ở một số thị trấn và thành phố ở Anh. Các chuyên gia nhận định bạo lực được thúc đẩy bởi thông tin sai lệch lan truyền trên Internet và các nhóm cực hữu có ý định gây rối sau vụ tấn công bằng dao ở Southport vào tuần trước.
Một loạt phe phái và cá nhân cực hữu - gồm cả những người theo chủ nghĩa tân Quốc xã, người hâm mộ bóng đá bạo lực và người vận động chống Hồi giáo - đã thúc đẩy và tham gia bạo loạn. Một số người có sức ảnh hưởng trực tuyến (influencer) cũng gây kích động thông qua mạng xã hội.
Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố sẽ triển khai thêm cảnh sát để trấn áp tình hình. “Đây không phải biểu tình mất kiểm soát. Đây là một nhóm người hoàn toàn cố tình sử dụng bạo lực”, ông nói.
Bạo loạn xảy ra ở đâu?
Cuộc bạo loạn đầu tiên xảy ra vào tối 30/7 tại Southport, thị trấn phía tây bắc nước Anh. Trước đó một ngày, vụ tấn công bằng dao nhằm vào một lớp học khiêu vũ và yoga trẻ em khiến 3 bé gái tử vong, 8 trẻ và 2 người lớn bị thương.
Nghi phạm, Axel Rudakubana, sinh ra tại Anh. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau vụ tấn công, thông tin sai lệch về danh tính nghi phạm, như Rudakubana là người di cư không giấy tờ, đã lan truyền nhanh chóng trên mạng. Các nhà hoạt động cực hữu đã dùng các ứng dụng như Telegram và X kêu gọi công chúng xuống đường.
Cảnh sát cho hay hơn 200 người đã đổ về Southport vào đêm 30/7, trong đó có nhiều người đi tàu từ những nơi khác tới. Nhóm đã tấn công một nhà thờ Hồi giáo, làm 50 cảnh sát bị thương và đốt xe.
Vào đêm 1/8, người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở trung tâm London, dẫn tới hơn 100 vụ bắt giữ. Các nhóm gây rối nhỏ hơn cũng nổ ra ở Hartlepool - đông bắc nước Anh, thành phố Manchester và Aldershot - thị trấn đông nam London.
Đêm 2/8, cảnh sát Northumbria cho biết các sĩ quan đã "đối mặt với cảnh bạo lực nghiêm trọng" khi những người biểu tình cực hữu đốt phá và tấn công các sĩ quan ở Sunderland, một thành phố ở đông bắc nước Anh.
Ngày 3/8 tiếp tục chứng kiến bạo lực lan rộng ở khắp nước Anh, gồm Hull, Leeds, Manchester, Nottingham và Stoke-on-Trent, cũng như Belfast, Bắc Ireland. Tại Liverpool, cảnh sát cho biết hơn 300 người đã tham gia vào đêm 3/8, cướp phá các doanh nghiệp và khiến hai sĩ quan phải nhập viện.
Những nhóm nào đứng sau?
Nhiều nhóm cực hữu đã tham gia hoặc thúc đẩy tình hình hỗn loạn thông qua mạng xã hội. Theo tổ chức Hope not Hate, David Miles - một thành viên nổi bật của nhóm ủng hộ phát xít Patriotic Alternative - đã chia sẻ những bức ảnh mình tham gia bạo loạn ở Southport lên mạng.
Nhiều cá nhân cực hữu khác cũng lan truyền thông tin về cuộc biểu tình, bao gồm nhóm tân Quốc xã British Movement. Hope not Hate cho hay một số người tham gia có hình xăm Đức Quốc xã.
Sau vụ hỗn loạn ở Southport, cảnh sát cho biết những người ủng hộ English Defence League (tạm dịch: Liên đoàn Phòng vệ Anh) cũng nhúng tay. Các cuộc bạo loạn cũng thu hút những cá nhân thường xuyên có hành động phá hoại khi dự các trận đấu bóng đá hay thể thao (hooliganism).
Tuy nhiên, các quan chức lưu ý không phải tất cả người tham gia biểu tình đều có quan điểm cực hữu.
Liên đoàn Phòng vệ Anh là gì?
Được thành lập vào năm 2009, Liên đoàn Phòng vệ Anh là một phong trào cực hữu khét tiếng với các cuộc biểu tình bạo lực và lập trường chống Hồi giáo, chống nhập cư.
Nhóm này xuất hiện ở thị trấn Luton, nơi căng thẳng trong cộng đồng gia tăng sau khi một số ít người theo Hồi giáo cực đoan hô lời lăng mạ những người lính Anh trở về nhà từ Iraq. Luton vốn đã gắn liền với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, khi đây là nơi sinh sống của một số ít tín đồ Al Muhajiroun - một nhóm liên quan đến vụ đánh bom ở London năm 2005.
Stephen Yaxley-Lennon - còn có tên gọi là Tommy Robinson - là một trong số những người sáng lập ra Liên đoàn Phòng vệ Anh. Sinh ra tại Luton, ông từng là thành viên của đảng cực hữu British National (BNP). Ông cũng liên quan đến bạo lực trong bóng đá và bị kết tội cầm đầu một cuộc ẩu đả ở Luton năm 2010.
Trong những năm đầu, tổ chức này biểu tình tại địa phương, như phản đối quy hoạch nhà thờ Hồi giáo hay đặt đầu lợn xung quanh các địa điểm của người Hồi giáo.
Theo chuyên gia về chủ nghĩa cánh hữu cực đoan Matthew Feldman, nhóm này đại diện cho một giai đoạn mới trong nền chính trị cực hữu của Anh, bởi không giống các đảng như BNP, tổ chức này không tham gia tranh cử.
“Đây là chính trị hành động trực tiếp, được truyền bá và phối hợp thông qua các phương tiện truyền thông mới, từ Facebook đến điện thoại di động, từ phim kỹ thuật số đến YouTube”, giáo sư Feldman viết trong một nghiên cứu năm 2011.
Năm 2013, ông Yaxley-Lennon tuyên bố đã cắt đứt quan hệ với tổ chức này. Sau những tranh chấp về quyền lãnh đạo và chia rẽ nội bộ, Liên đoàn Phòng vệ Anh không còn tồn tại chính thức nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết nhiều người ủng hộ vẫn hoạt động thông qua các nhóm chủ nghĩa dân tộc khác có mục tiêu và chiến thuật tương tự.
Cuối những năm 2010, ông Yaxley-Lennon nổi lên trong cộng đồng quốc tế bằng những lập trường chống Hồi giáo, cả ở châu Âu và Mỹ. Trong tuần qua, ông dùng các phương tiện truyền thông xã hội để quảng bá thông tin sai lệch về danh tính của kẻ tấn công ở Southport.
Ngày nay, các chuyên gia cho biết từ một tổ chức cụ thể, Liên đoàn Phòng thủ Anh đã phát triển thành mạng lưới lan truyền các tư tưởng chủ yếu trên mạng.
Sunder Katwala, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận British Future, cho biết lập trường bài Hồi giáo và bài ngoại của tổ chức này đã trở thành một tư tưởng, khiến mọi người có thể tự tiếp nhận và cực đoan hóa qua quá trình tự tìm hiểu và tương tác trên mạng.
Tại sao lại khó dập tắt tình trạng hỗn loạn này?
Các chuyên gia nhận định nhiều nhóm cực hữu ở Anh hiện nay không còn duy trì hệ thống lãnh đạo hoặc phân cấp chặt chẽ.
Joe Mulhall - Giám đốc nghiên cứu của Hope Not Hate - gọi phong trào này là “hậu tổ chức” trong một bài phân tích năm 2018. Ông viết các phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ phát triển đã cung cấp "những phương thức mới để tham gia vào các hoạt động ngoài giới hạn các cấu trúc tổ chức truyền thống”.
Theo giáo sư Paul Jackson tại Đại học Northampton, các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố - một phần cốt lõi trong sự trỗi dậy của Liên đoàn Phòng vệ Anh - thường đóng vai trò là “công cụ chiêu mộ” cho các nhóm cực đoan.
Cảnh sát cũng có thể gặp khó khăn trong việc đối phó với đám đông tự phát, được hình thành chỉ trong vòng vài giờ thông qua các ứng dụng nhắn tin.
Theo giáo sư Feldman, “cảnh sát vẫn thường có lối suy nghĩ từ thế kỷ XX, khi cho rằng những sự kiện biểu tình, bạo loạn cần mất vài ngày mới ‘thành hình’, hay người đứng đầu có thể gửi yêu cầu cấp phép cho một cuộc diễu hành”.
Ông dẫn ví dụ về cuộc bạo loạn ở Southport, cho rằng vụ việc này gần như là một cuộc biểu tình bất ngờ, được kích động đột ngột và không có sự chuẩn bị trước.
Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-bao-loan-xay-ra-tren-khap-nuoc-anh-post1490128.html