Vì sao bạn tôi bỗng nghiên cứu tiếng Việt

Hắn là chủ đầu tư đang được nhà nước giao cho thực hiện một dự án lớn, trước kia suốt ngày ở công trình, bỗng mấy ngày nay đóng cửa không đi đâu cả, chúi mũi vào nghiền ngẫm cuốn Đại từ điển tiếng Việt.

Ngạc nhiên, tôi hỏi hắn sắp hết năm rồi, sao không lo công việc dự án mà lại quan tâm đến lĩnh vực ngôn ngữ này, hắn bảo ấy là theo gương những người đi trước đang quản lý các dự án lớn như dự án 12 nghìn tỷ Gang thép Thái Nguyên, dự án 1700 tỷ Nhà máy sản xuất xơ sợi ĐìnhVũ, dự án 3000 tỷ Nhà máy đạm Ninh Bình, dự án Ethanol 5400 tỷ, dự án 1900 tỷ xăng sinh học Dung Quất, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông … do quản lý kém, đội vốn khủng khiếp, tiến độ ỳ ạch, năm lần bẩy lượt khất lần xin lui lại thời gian hoàn thành mà vẫn chưa xong, ấy vậy mà vẫn chưa thấy ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phải chăng một phần do họ giỏi sử dụng tiếng Việt. Dự án của hắn phụ trách cũng trong tình trạng như mấy dự án kể trên, nay thanh tra Nhà nước sắp vào thanh kiểm tra rồi nên phải nghiên cứu từ điển tiếng Việt để nâng cao trình độ.

Ngạc nhiên, tôi lại gặng hỏi việc thực hiện dự án với từ điển tiếng Việt thì có liên quan gì đến nhau. Hắn bảo:

- Nói cho ông biết nhé, dự án kinh tế và nghiên cứu tiếng Việt bây giờ tưởng là hai lĩnh vực khác nhau mà là một đó. Trong từ điển tiếng Việt có loại từ đối lập nhau, vấn đề là phải khéo vận dụng cho uyển chuyển. Cụ thể khi làm văn bản giải trình vì sao dự án có nguy cơ đổ bể, SAI thì phải viết là chưa đúng; THAM NHŨNG thì phải viết là có hành động chưa đúng mực; THẤT BẠI thì phải viết là chưa được thành công; DỐT NÁT trong quản lý thì phải viết là chưa hiểu biết đầy đủ... Những ngôn từ này quan trọng lắm đấy, sẽ làm giảm nhẹ lỗi, giảm nhẹ tội, thậm chí còn được xem xét đủ điều kiện không phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ ở mức rút kinh nghiệm sâu sắc.

Hắn nói thêm: “Càng nghiên cứu từ điển tiếng Việt, tôi càng phục nhà học giả Phạm Quỳnh năm 1924, trong một bài diễn thuyết về Truyện Kiều đã nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Nay tôi cũng bắt chước, muốn nói: “Có trình độ sử dụng tiếng Việt thì dự án của tôi còn, dự án của tôi còn thì chức vị, quyền lợi của tôi còn”. Đối với không ít nhà quản lý kinh tế kém như tôi, nâng cao trình độ sử dụng tiếng Việt hiện nay là cấp thiết lắm, ông ạ”.

Nguyễn Đoàn - Theo Dân Trí

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/vi-sao-ban-toi-bong-nghien-cuu-tieng-viet-d108353.html