Vì sao bạn thức ngày ngủ đêm, nguyên nhân từ một hormone đặc biệt?

Bạn thức vào ban ngày khi có ánh sáng và ngủ khi màn đêm buông xuống. Bạn luôn nghĩ đấy là một phần tự nhiên của cuộc sống. Thực tế không phải vậy. Hormone melatonin, một loại hormone đặc biệt 'điều hành' chu kỳ thức - ngủ của con người.

TS. Nguyễn Phan Kiên, Trung tâm Điện tử Y sinh, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, mới gần đây các nhà khoa học mới hiểu được chu kỳ luân phiên của giấc ngủ và thức dậy có liên quan đến ánh sáng ban ngày và bóng tối. Tất cả đều xuất phát từ hormone melatonin, loại hormone đặc biệt do tuyến tùng của cơ thể tạo ra.

TS. Nguyễn Phan Kiên, Trung tâm Điện tử Y sinh, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, mới gần đây các nhà khoa học mới hiểu được chu kỳ luân phiên của giấc ngủ và thức dậy có liên quan đến ánh sáng ban ngày và bóng tối. Tất cả đều xuất phát từ hormone melatonin, loại hormone đặc biệt do tuyến tùng của cơ thể tạo ra.

Tuyến tùng là một tuyến nhỏ bằng hạt đậu nằm ngay trên trung tâm của não. Trong ngày tuyến tùng không hoạt động. Khi mặt trời lặn và bóng tối xảy ra, tuyến tùng được kích hoạt và bắt đầu chủ động sản xuất melatonin và lượng melatonin này được đưa vào máu.

Khi mức độ hormone đặc biệt này tăng mạnh cũng là lúc bạn bắt đầu cảm thấy buồn ngủ và ngủ sâu. Khi Mặt Trời chiếu sáng, tuyến tùng ngừng hoạt động và melatonin ngừng sản xuất. Đây chính là lúc chúng ta dễ dàng bị đánh thức dậy.

Tất cả điều này lý giải vì sao chúng ta dễ dàng có giấc ngủ ngon vào buổi đêm, còn buổi ngày rất khó ngủ trừ khi bạn ở trong môi trường có ánh sáng lờ mờ (nếu ban ngày, bạn cần phải che bớt nguồn sáng).

Ngoài ánh sáng mặt trời, ánh sáng nhân tạo cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất melatonin. Đây là lý do nếu buổi tối bật điện sáng, xem tivi, điện thoại sẽ khó ngủ, thậm chí là mất ngủ. Vì các ánh sáng này khiến melatonin không sản xuất hoặc sản xuất rất ít.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra, số lượng melatonin phát hành vào ban đêm giữa các cá nhân có sự khác nhau, phần nhiều liên quan đến tuổi tác.

Trong cơ thể con người, loại hormon này giảm dần theo độ tuổi. Tuổi càng cao hormon này tiết ra càng ít. Đây là lý do người già dễ mất ngủ và ngủ ít hơn so với người trẻ.

Do có vai trò quan trọng của melatonin trong giấc ngủ, đối với những trường hợp bị rối loạn giấc ngủ, bác sỹ cho bổ sung melatonin như là thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ "tự nhiên".

Mời độc giả xem video: Mỹ và Trung Quốc căng thẳng trong cuộc đối thoại cấp cao. Nguồn: VTV24.

Thu Hà

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vi-sao-ban-thuc-ngay-ngu-dem-nguyen-nhan-tu-mot-hormone-dac-biet-1513880.html