Vì sao bạn luôn 'cố tình thức khuya' trong giãn cách?

Trì hoãn giấc ngủ để có thêm thời gian riêng là vấn đề người trẻ bận rộn thường gặp. Trong kỳ giãn cách, việc thiếu ngủ càng khó kiểm soát hơn.

Trì hoãn giấc ngủ để có thêm thời gian riêng là vấn đề người trẻ bận rộn thường gặp. Trong kỳ giãn cách, việc thiếu ngủ càng khó kiểm soát hơn.

Điểm chính:

RBP là hiện tượng tâm lý muốn lấy giờ ngủ bù đắp việc thiếu giờ nghỉ trong ngày
Quản lý thời gian chưa tốt là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến RBP

Nếu bạn từng cố gắng bấm điện thoại, xem phim và làm nhiều việc không tên dù bản thân cảm thấy buồn ngủ, thì có lẽ bạn đã vướng phải RBP (viết tắt của revenge bedtime procrastination - hiện tượng lấy giờ ngủ "trả thù" việc không có giờ nghỉ trong ngày).

Bạn không phải người duy nhất trải qua trường hợp trên. RBP là hiện tượng tâm lý khá phổ biến ở người trưởng thành. Theo Heathline, khoảng 40% người ngủ ít đi và khó ngủ trong dịch Covid-19.

Vì sao chúng ta từ chối ngủ sớm?

Cụm từ "trì hoãn giấc ngủ" (bedtime procrastination) lần đầu được nhắc đến trong một nghiên cứu tâm lý năm 2014. Sau đó, từ "trả thù" (revenge) được mạng xã hội Trung Quốc thêm vào, chỉ những người làm việc 12 tiếng/ngày và hy sinh giờ ngủ cho sinh hoạt cá nhân.

Hiểu đơn giản, RBP mô tả cách một người chủ động thức khuya để tìm cảm giác tự do - thứ họ không có khi quá bận vào ban ngày.

RBP bắt đầu bằng những thay đổi rất nhỏ trước giờ ngủ. Ban đầu, bạn có thể ngủ muộn hơn bình thường 10-15 phút để xem hết chương trình yêu thích. Con số này tăng dần theo thời gian. Đến khi nhận ra, có lẽ bạn đã hình thành thói quen ngủ muộn, thậm chí thức đến sáng dù không có việc gì quan trọng.

Bạn có đang "trả thù" giờ ngủ?

Dù vậy, thức đêm không nhất thiết đồng nghĩa với RBP. Theo Verywell Mind, 3 dấu hiệu của trì hoãn giấc ngủ gồm:

Tổng thời gian ngủ mỗi đêm giảm rõ rệt
Việc ngủ trễ xuất phát từ mong muốn cá nhân, không phải từ nguyên do khác
Người trong cuộc hoàn toàn nhận thức được hậu quả, nhưng họ vẫn chọn không ngủ sớm

BBC nói ai cũng có thể rơi vào tình trạng này, đặc biệt là người làm việc ở môi trường áp lực, tăng ca thường xuyên hoặc những ông bố, bà mẹ trẻ vừa đi làm, vừa chăm con.

Làm sao để bảo vệ giấc ngủ?

Covid-19 đã ảnh hưởng và làm xáo trộn sinh hoạt của hầu hết chúng ta. Nếu bạn nghĩ mình đã gặp RBP và cần điều chỉnh, sau đây là một số cách cải thiện.

Giảm khối lượng công việc, làm theo giờ

Vì lịch trình dày đặc là nguồn gốc của RBP, nên hướng giải quyết tốt nhất là bạn bỏ bớt vài hoạt động không cần thiết trong ngày.

Để đảm bảo bạn không lấy giờ ngủ cho việc khác, hãy sắp xếp thời gian sao cho "giờ nào việc đó". Khi ở nhà, chuyên gia tâm lý Kezia Luckett khuyên bạn nên chủ động điều chỉnh để cuộc họp cuối cùng không muộn hơn 7 giờ tối.

Sau khung giờ đó, bạn có thể thư giãn, làm những việc mình thích trước khi ngủ.

Tự tạo các khoảng nghỉ nhỏ

Luckett cũng đề cập việc dành vài phút nghỉ ngơi, tái kết nối với bản thân xen kẽ giờ làm việc hành chính.

Phương pháp Pomodoro (làm 25 phút, nghỉ 5 phút) có 2 lợi ích. Thứ nhất là cân bằng thời gian của bạn, tránh tình trạng quá tải và "trả thù" giấc ngủ. Thứ hai, khoảng nghỉ này cho phép bạn làm mới tâm trí, từ đó giải quyết công việc hiệu quả hơn.

Sắp xếp môi trường thích hợp để ngủ

Môi trường ngủ hoàn hảo được Everyday Health đề xuất: Nơi mát mẻ, yên tĩnh và không có ánh sáng, bao gồm đèn màn hình laptop, điện thoại, TV.

Như vậy, thay vì lướt mạng xã hội đến lúc thiếp đi, bạn nên tự quy định giờ tắt điện thoại cho mình. Không đặt bàn làm việc trong phòng ngủ cũng là cách giúp não phân biệt đâu là chỗ nghỉ, đâu là nơi cần tỉnh táo.

Trì hoãn giấc ngủ là thói quen khó bỏ. Đôi khi, phải đến lúc cơ thể kiệt sức, chúng ta mới quyết tâm tập ngủ sớm.

RBP xuất phát từ cảm giác bạn không kiểm soát được thời gian của mình. Do đó, đánh giá lại cách bạn sử dụng 24 giờ mỗi ngày chính là bước đầu để khắc phục tình trạng này.

Thiên Hân

Đồ họa: Yến Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-ban-luon-co-tinh-thuc-khuya-trong-gian-cach-post1255412.html