Vì sao Ba Lan thúc giục EU ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2?

Lo sợ Bulgaria trì hoãn, Ba Lan đã phải lên tiếng thúc giục EU đẩy nhanh tiến độ làm việc, đồng thời cảnh báo Chủ tịch luân phiên EU kỳ tới là Áo phải hành xử trung lập, không vì lợi ích riêng mà đồng tình với dự án khí đốt Nga.

Vì sao Ba Lan thúc giục EU ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2?

Lo sợ Chủ tịch luân phiên EU là Bulgaria trì hoãn thay đổi trong chỉ thị khí đốt, lãnh đạo Ba Lan đã phải lên tiếng thúc giục EU đẩy nhanh tiến độ làm việc, đồng thời cảnh báo Chủ tịch luân phiên kỳ tới là Áo phải hành xử trung lập, không vì lợi ích riêng mà đồng tình với dự án khí đốt Nga.

Thứ trưởng Bộ Năng lượng Ba Lan Michal Kurtyka tuyên bố trên Đài phát thanh Ba Lan rằng nước này đang yêu cầu EU đẩy nhanh các công việc liên quan đến sửa đổi trong chỉ thị khí đốt, điều này sẽ làm phức tạp thêm việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream-2).

Tháng 11 năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã đề xuất sửa đổi chỉ thị khí đốt của EU. Mục tiêu của họ là đảm bảo rằng các định mức nhất định của luật năng lượng EU được áp dụng không chỉ cho một số, mà là đối với tất cả các đường ống dẫn khí trên lãnh thổ của EU, đến từ hoặc đến các nước thứ ba.

Các định mức này bao gồm cả việc thiết lập thuế quan không phân biệt đối xử đối với việc bơm khí, quyền tiếp cận của các bên thứ ba với khả năng bơm nhiên liệu xanh, sự tách biệt các hoạt động bán và vận chuyển khí đốt. Hiện giờ các tiêu chuẩn này không áp dụng cho các phần ngoài khơi của đường ống dẫn khí.

Tuy nhiên, Bulgaria, nước đang là Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, đã giới hạn các cuộc họp chuyên gia và làm chậm tiến độ nghiên cứu các tài liệu.

Các Đại sứ của Liên minh châu Âu sẽ phải đối phó với những thay đổi về chỉ thị khí đốt vào cuối tháng Sáu này. Vào tháng 7, chức Chủ tịch luân phiên EU sẽ chuyển sang cho Áo. Ông Kurtyka lưu ý rằng Ba Lan hy vọng người Áo sẽ khách quan, chứ không chỉ chăm chăm bảo vệ lợi ích của chính mình.

"Chủ tịch Liên minh nên hành xử trung lập, chúng tôi sẽ nhắc nhở rằng ban lãnh đạo EU phải minh bạch và đáng tin cậy", ông nói.

Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2

Dòng chảy phương Bắc 2

Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai tuyến ống dẫn khí với tổng công suất 55 tỷ mét khối/ năm từ bờ biển Nga qua biển Baltic tới Đức. Đường ống dẫn nhiên liệu được lên kế hoạch xây dựng bên cạnh dự án Dòng chảy phương Bắc 1.

Hiện tại đã có Đức, Phần Lan và Thụy Điển cấp phép xây dựng dự án. Tập đoàn Nord Stream 2 AG phải cần thêm đồng thuận từ Đan Mạch.

Một số nước, trong đó có Ukraine đã cực lực phản đối dự án, do sợ mất doanh thu từ quá cảnh khí đốt của Nga, còn phía Mỹ phản đối là do họ đang muốn phát triển kế hoạch đầy tham vọng xuất khẩu khí hóa lỏng sang châu Âu.

Ngoài ra, Latvia, Lithuania và Ba Lan cùng tuyên bố rằng họ không chấp thuận việc xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc-2. Lãnh đạo của các nước này khăng khăng đây là một dự án mang mục đích chính trị.

Nga đã nhiều lần kêu gọi các bên không coi dự án xây dựng đường ống dẫn khí như một công cụ gây ảnh hưởng. Tổng thống Vladimir Putin khẳng định rằng, Moscow chỉ coi đây là một dự án kinh tế đơn thuần.

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-ba-lan-thuc-giuc-eu-ngan-chan-dong-chay-phuong-bac-2-post265959.info