Vì sao bà Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn được?

Cơ quan điều tra làm các thủ tục tương trợ tư pháp với Interpol ra lệnh quốc tế, sau đó phối hợp bắt về nước.

Tại bản kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, đến nay bị can Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, bỏ trốn, thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa.

Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, khi nào bắt được bị can sẽ tiến hành phục hồi điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc bà Thoa bỏ trốn đã kéo dài danh sách những can phạm, tội phạm bị truy nã của Việt Nam. Trước bà Thoa, nhiều đối tượng liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng... cũng bỏ trốn trước khi bị khởi tố như Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh, Dương Chí Dũng...

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay, một số đối tượng trong các vụ án đề cập ở trên bỏ trốn trong thời gian chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

"Luật của Việt Nam vẫn chưa lường hết được các trường hợp cần áp dụng biện pháp ngăn chặn như cấm xuất cảnh, giám sát đặc biệt, dẫn đến một số đối tượng bỏ trốn dễ dàng. Cơ quan làm luật cần dự báo trước tình hình để ngăn chặn kịp thời các tình hình có thể xảy ra", ông Nguyễn Túc nói.

Dẫn chứng cho việc bổ sung thiếu sót của luật, ông Túc đề cập đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng. Trước đây, trong nhiều vụ án tham nhũng, khi cơ quan chức năng phát hiện ra thì đối tượng đã tẩu tán tài sản, chuyển trái phép ra nước ngoài, việc thu hồi lại rất khó khăn và không mấy hiệu quả. Tuy nhiên, vừa rồi quy định pháp luật về thu hồi tài sản đã được bổ sung, trong một số vụ, cơ quan chức năng sau khi phát hiện đã khóa tài khoản, thực hiện kê biên, thu hồi.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đang bỏ trốn và bị truy nã

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đang bỏ trốn và bị truy nã

Cho nên, trở lại với hiện tượng một số đối tượng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng... bỏ trốn trước khi bị khởi tố, mà mới đây nhất là bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Nguyễn Túc cho rằng cơ quan chức năng cũng cần phải thực hiện nghiêm như vậy mới ngăn chặn được các đối tượng này bỏ trốn.

Với trường hợp của bà Thoa, ông cho biết, về nguyên tắc, cơ quan điều tra sẽ làm các thủ tục tương trợ tư pháp với Interpol ra lệnh quốc tế, sau đó phối hợp bắt về nước.

Cho ý kiến về trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý, những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương và bà Hồ Thị Kim Thoa đã được xác định từ lâu, cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật đối với các đối tượng này. Tuy nhiên, vấn đề xác định hai người này có dấu hiệu phạm tội hay không thì ở thời điểm đó cơ quan chức năng chưa xác định được.

"Dù vậy, cơ quan điều tra cũng thấy chuyện đó có sự bất thường nên vào cuộc tìm hiểu, xác minh. Còn bản thân những người như ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa biết rõ những gì họ làm là sai trái, vi phạm pháp luật và sẽ bị truy tố, dù không biết là thời điểm nào.

Riêng đối với bà Thoa, có lẽ đã có sự chuẩn bị từ lâu, khi bị kỷ luật, từ chức..., thì đã tính đường lui cho mình, chuẩn bị phương án ra nước ngoài. Hiện nay có thông tin bà Thoa đang ở Pháp, có nhà cửa và tất cả mọi thứ ở bên đó.

Người có tiền thì ở đâu cũng được. Cho nên, nếu nói bà Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn trước khi khởi tố thì chưa hẳn đã chính xác.

Luật của Việt Nam và các nước trên thế giới đều xác định: khi xác định một người có dấu hiệu phạm tội, tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì lúc đó mới có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn như: cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh... Còn thời điểm kỷ luật bà Thoa, chưa xác định bà này có dấu hiệu phạm tội thì không thể thực hiện các biện pháp ngăn chặn và bà ấy có quyền đi bất cứ đâu, miễn là nơi đó nhận", đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.

Vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng lưu ý, đây là một vấn đề phải suy nghĩ và rút kinh nghiệm để trong công tác phòng ngừa, những người có sai phạm, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên có dấu hiệu sai phạm thì phải có động thái ràng buộc họ để kiềm chế, không cho họ có cơ hội tẩu tán tài sản, trốn ra nước ngoài.

"Tôi cho rằng những đối tượng trốn ra nước ngoài cũng có thể gây nguy hại đến tình hình an ninh chính trị, xã hội của Việt Nam. Quan trọng là cơ quan luật pháp của Việt Nam phối hợp với Interpol và quốc gia nơi đối tượng đang lẩn trốn như thế nào.

Như trường hợp bà Thoa, khi đã xác định được nơi bà này đang lẩn trốn thì cơ quan điều tra Việt Nam sẽ truy tới cùng, vấn đề này không phải là khó.

Trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM, ông Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu Bộ Công thương chứ không chịu trách nhiệm trực tiếp với thiệt hại của Nhà nước, đồng thời cho rằng trách nhiệm chính thuộc về bà Hồ Thị Kim Thoa.

Cho nên, để giải quyết vụ án này thuận lợi hơn, đặc biệt làm rõ vai trò, trách nhiệm của các đối tượng trong việc cố ý làm trái, gây thất thoát tài sản nhà nước, xử đúng người, đúng tội thì phải bắt được bà Thoa", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vi-sao-ba-ho-thi-kim-thoa-bo-tron-duoc-3413513/