Vì sao 'Attack on Titan' ăn khách?

Loạt anime chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của Isayama Hajime ngày càng được đông đảo người xem yêu mến khi đi dần đến những tập cuối cùng.

Ra mắt năm 2009, bộ truyện tranh Nhật Bản Attack on Titan (tựa gốc: Shingeki no Kyojin) nhanh chóng đạt doanh số 30 triệu bản vào tháng 4/2014, rồi tăng lên mức 45 triệu bản vào cuối 2014.

Phiên bản chuyển thể anime lên sóng từ năm 2013 cũng góp phần tăng doanh số bán truyện, qua đó giúp thương hiệu trở nên nổi tiếng hơn trên toàn thế giới.

Nội dung mới lạ, nhiều bí ẩn

Thoạt nhìn, Attack on Titan có nội dung tương đồng với không ít bộ truyện dành cho thanh thiếu niên khác của Nhật Bản khi xoay quanh hành trình Eren đi trả thù những gã Titan đã ăn thịt mẹ mình. Cậu cũng giống như Naruto hay Tanjiro của Demon Slayer khi sớm mất người thân và mang trong mình nguồn sức mạnh bí ẩn khổng lồ.

Song, tác phẩm nhanh chóng vượt qua những lối mòn quen thuộc khi thế giới của Eren mang màu sắc châu Âu thời Trung cổ, thay vì bối cảnh xứ sở hoa anh đào quen thuộc. Tác giả đã sớm cài cắm nhiều câu hỏi then chốt, như năng lực hóa Titan của Eren hay nguồn gốc của những tên khổng lồ khát máu.

 Bước sang mùa thứ tư, Attack on Titan vẫn còn rất nhiều bí mật dành cho khán giả.

Bước sang mùa thứ tư, Attack on Titan vẫn còn rất nhiều bí mật dành cho khán giả.

Tuy nhiên, những nút thắt ngày càng dẫn đến một bí mật khác to lớn hơn nhiều lần. Mọi thứ đều có thể xảy ra và câu chuyện liên tục bẻ lái theo hướng khó đoán. Hiện tại, vai trò thực sự của Eren vẫn còn bị bỏ ngỏ và có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

Càng về cuối, loạt phim càng mở ra cả một thế giới rộng lớn với sự liên kết chặt chẽ đáng kinh ngạc. Người xem dễ cảm thấy bất ngờ khi những manh mối tưởng chừng chẳng liên quan trước đó lại đóng vai trò vô cùng quan trọng sau này.

Bên cạnh đó, Attack on Titan cũng bám sát nguyên tác truyện tranh khi không thêm thắt những tuyến truyện phụ bên lề để “vắt sữa”. Đây là cách mà nhiều loạt anime khác thường áp dụng khi nội dung phim gần đuổi kịp tốc độ nguyên tác truyện tranh.

Yếu tố bạo lực khác biệt

Các bộ anime nổi tiếng như One Piece, Bleach hay Naruto thường mang đến các trận đại chiến mãn nhãn. Song, chúng thua xa Attack on Titan về yếu tố bạo lực.

Tác phẩm của Isayama Hajime gây liên tưởng đến những mùa đầu tiên của Game of Thrones khi tạo ra thế giới đẫm máu và đầy tuyệt vọng. Nhân loại dường như chỉ có hai sự lựa chọn là sống trong sợ hãi rồi bỏ mạng, hoặc cố gắng chiến đấu để rồi cũng mất mạng thê thảm.

Thế giới trong Attack on Titan hiện lên u ám, tuyệt vọng.

Nếu như vùng đất Westeros bị cai trị bởi các thế lực vua chúa tàn bạo hay thực thể đen tối coi mạng người như cỏ rác, thì thế giới của Eren phải co cụm trong những bức tường thành khổng lồ. Đây là thứ đã bảo vệ nhân loại khỏi những tên Titan khổng lồ ăn thịt người ở bên ngoài.

Song, chỉ sau vài chục phút đầu phim, một Đại Titan đã phá vỡ bức tường để đồng loại tràn vào tàn sát người dân bên trong. Chúng giẫm bẹp, bóp nát, ăn thịt nạn nhân xấu số. May mắn sống sót, Eren đăng ký vào quân đội để báo thù.

Xuyên suốt cuộc chiến, vô số đồng đội của cậu cùng nhiều nhân vật quan trọng khác liên tục bỏ mạng trước những tên Titan khát máu hay âm mưu giữa các thế lực ngầm. Phim mang đến cảm giác bất an khi không ai được an toàn. Ngoài ra, cách xây dựng nhân vật phụ công phu cũng khiến cho mỗi cái chết thêm phần bi thương.

Levi Ackerman, Mikasa, Historia hay Armin là những cái tên có lượng fan đông đảo không thua kém gì nhân vật chính. Mỗi người đều có câu chuyện và tính cách riêng nổi bật. Qua các mùa phim, khán giả thấy rõ sự phát triển của từng cá nhân khi người tốt hóa kẻ xấu, người yếu đuối trở nên mạnh mẽ và ngược lại.

Chất lượng sản xuất vượt trội

Không sở hữu những trận đại chiến nhẫn thuật hay siêu năng lực hoành tráng, nhưng Attack on Titan vẫn được đánh giá cao ở khoản hành động. Cuộc chiến giữa con người và Titan khổng lồ không hề cân sức. Cách duy nhất để nhân loại tiêu diệt đám khổng lồ khát máu là sử dụng hệ thống dây đu lên cao và chém vào tử huyệt nằm ở gáy của chúng.

Loạt phim có chất lượng kỹ thuật vượt trội.

Nhờ yếu tố đặc biệt ấy, loạt phim vẫn mang đến những trường đoạn chiến đấu kịch tính khi đưa khán giả vào góc nhìn đầy nguy hiểm của người lính. Về sau, các Titan cấp cao với sức mạnh đặc biệt, cùng nhiều loại vũ khí tân tiến hơn của con người, cũng xuất hiện. Các trận đụng độ cũng mãn nhãn hơn với quân số đông đảo của hai phe.

Các họa sĩ của Wit Studio tỏ ra kỳ công trong việc mang đến những chuyển động mượt mà cho nhân vật qua từng nét vẽ. Bên cạnh đó, phần nhạc phim mang đậm chất bi tráng cũng là thứ khiến người xem nhớ đến Attack on Titan. Lần lượt Guren no Yumiya, Jiyuu no Tsubasa hay Shinzou wo Sasageyo! đều nhận được những giải thưởng danh giá cho Nhạc phim xuất sắc tại Nhật Bản qua các năm.

Attack on Titan hiện trải qua mùa bốn, cũng là phần khép lại toàn bộ anime. Mùa phim dự kiến kéo dài 16 tập.

Tâm Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-attack-on-titan-an-khach-post1184541.html