Vì sao Argentina ngừng mua LNG của Mỹ?

Argentina có kế hoạch đóng cửa cảng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), vì sau khi hoạt động khai thác tại mỏ khí đá phiến ở vùng Vaca Muerta được đẩy mạnh, đất nước này đã bắt đầu bước chân vào hàng ngũ những quốc gia xuất khẩu khí đốt.

Tàu chở LNG của Excelerate Energy cung ứng hàng cho Argentina

Hợp đồng mua LNG của Excelerate Energy (Mỹ), hết hạn vào cuối tháng 10 năm 2018, sẽ không được phía Argentina gia hạn, theo thông tin ngày 19/10 của tạp chí World Oil thuộc Hội đồng Dầu khí thế giới.

Hiện tại, cảng LNG nổi của Excelerate Energy đang phải neo đậu không tải tại cảng Atlantic Blanca của thànhphố Bahia Blanca.

Trong một thời gian ngắn sắp tới, Argentina vẫn sẽ tiếp tục mua LNG của Mỹ, nhưng nhập hàng qua cảng LNG duy nhất còn hoạt động – cảng Escobar ở cửa sông La Plata.

Công ty dầu mỏ nhà nước của Argentina YPF SA, trong 10 năm qua từng thực hiện hợp đồng mua LNG của Excelerate Energy, đã từ chối bình luận về quyết định này.

Nhưng theo giới quan sát, sở dĩ YPF SA Argentina quyết định không gia hạn hợp đồng là do có sự phát triển thành công của lưu vực đá phiến Vaca Muerta ở vùng Patagonia.

Vào tháng 8 năm 2018, sản lượng khí đá phiến tăng lên 205 triệu m3/ngày, cao gấp 3 lần mức cao nhất ghi nhận được trong năm 2017.

Chính phủ Argentina đã bắt đầu tiến hành đàm phán việc xuất khẩu lượng khí dư thừa sang Chile.

Ngoài ra, các nhà chức trách Argentina cũng đã bắt đầu các cuộc đàm phán về quá trình giảm nguồn cung cấp khí đốt từ nước láng giềng Bolivia, với hợp đồng có giá trị đến năm 2026.

Mỏ đá phiến Vaca Muerta (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa con bò thiêng) nằm ở tỉnh Neuquen và được đánh giá là mỏ hydrocacbon độc đáo lớn nhất thế giới.

Mỏ này có diện tích lưu vực khoảng 30 nghìn km2, được khai trương vào năm 2011 bởi Repsol-YPF.

Theo ước tính của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, trữ lượng của mỏ này vào khoảng 308 nghìn tỷ feet khối khí và 16,2 tỷ thùng dầu.

Giai đoạn đầu của dự án có tổng chi phí 550 triệu USD, trong đó có 475 triệu USD là khoản đầu tư của Malaysia Petronas, vốn đã đạt được thỏa thuận tham gia vào việc phát triển mỏ này trong năm 2014.

Cũng ở giai đoạn đầu này, đã có kế hoạch vào đầu năm 2019 sẽ thực hiện khoan hơn 30 giếng ngang và dọc bằng cách sử dụng phương pháp nứt vỉa thủy lực.

ExxonMobil, Schlumberger và Shell cũng sẽ tham gia vào vào quá trình phát triển của mỏ Vaca Muerta.

Với việc tập trung tích cực phát triển mỏ Vaca Muerta, Argentina hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu hydrocacbon riêng của mình, đồng thời tăng đáng kể xuất khẩu khí đốt.

Bá Thủy

RT

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-sao-argentina-ngung-mua-lng-cua-my-518563.html