Vì sao Anh vẫn 'bình chân như vại' trước đại dịch COVID-19

Trong khi đa số các nước bị virus SARS-CoV-2 tác động nặng nề đều phong tỏa vùng bị dịch, hạn chế đi lại, cấm tụ họp đông người hay thậm chí tuyên bố tình trạng khẩn cấp, thì Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn 'bình chân như vại' và chưa áp dụng những biện pháp quyết liệt.

Theo kênh CNN (Mỹ), sau khi tham khảo các cố vấn y tế và khoa học, Thủ tướng Johnson đã thông báo Chính phủ Anh sẽ chuyển sang giai đoạn “trì hoãn” trong kế hoạch đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ông cảnh báo người dân Anh rằng họ sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế công cộng tồi tệ nhất trong một thế hệ và cần chuẩn bị tinh thần mất người thân yêu sớm hơn.

Tuy nhiên, nhìn chung tới thời điểm này, Chính phủ của ông Johnson chưa hề áp đặt những biện pháp quyết liệt cần thiết như tại một số quốc gia khác khi bị đại dịch tấn công, trong đó có cách ly xã hội, đóng cửa biên giới hay ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP

Trái với nhiều nước, Chính phủ Anh liên tục nhấn mạnh rằng lệnh cấm tụ tập đông người hay đóng cửa trường học như Italy, Pháp, Đức và Tây Ban Nha sẽ không hiệu quả trong ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Trong khi đó, nhiều khu vực thuộc Vương quốc Anh nhưng lại có hệ thống y tế riêng biệt như CH Ireland và Scotland, thì lại đang thực hiện các biện pháp giống các nước châu Âu khác.

Lý do Anh không áp đặt biện pháp cách ly xã hội dường như xuất phát từ dự báo của nước này rằng đợt bùng phát virus SARS-CoV-2 hiện nay sẽ đạt đỉnh trong 14 tuần nữa từ bây giờ. Anh cho rằng người dân sẽ không sẵn sàng thay đổi mạnh cuộc sống để tuân thủ quy tắc mới trong hơn ba tháng tới. Vì thế, chưa có lý do gì để áp đặt hạn chế.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho lái xe tại chỗ ở Wolverhampton, Anh. Ảnh: Getty Images

Khuyến nghị mới nhất dành cho người Anh là tự cách ly trong 7 ngày nếu ho liên tục hoặc sốt cao, đồng thời tiếp tục giữ gìn vệ sinh cá nhân thường xuyên như rửa tay và khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc.

Chính phủ Anh cho biết họ hoàn toàn dựa trên khoa học để đưa ra các quyết định trên. Tức là, Anh sẽ có lợi khi xây dựng cơ chế miễn dịch cộng đồng cho người dân trước dịch bệnh COVID-19 về lâu dài. Tóm lại, Chính phủ Anh muốn một số người dân nhiễm loại virus này để xây dựng miễn dịch cộng đồng, đặc biệt khi có nhiều người, thì các triệu chứng của bệnh sẽ suy yếu.

Miễn dịch cộng đồng là một hình thức bảo vệ gián tiếp chống lại một loại bệnh truyền nhiễm. Nó diễn ra khi một tỉ lệ lớn dân cư trong một cộng đồng đã trở nên miễn dịch với virus gây bệnh và virus này sẽ khó lây lan hơn.

Tính tới 9h ngày 14/3 (giờ Việt Nam), Anh có 798 ca nhiễm virus và 11 người tử vong. Tuy nhiên, cố vấn khoa học Patrick Vallance của Chính phủ Anh thừa nhận có thể đã có từ 5.000 tới 10.000 người Anh đã nhiễm virus. Khi Anh tăng cường làm xét nghiệm cho tới 10.000 người/ngày, con số người nhiễm chắc chắn sẽ tăng.

Các chuyên gia ở Anh hy vọng kế hoạch mới của nước này sẽ đẩy đỉnh dịch COVID-19 qua mùa cúm hàng năm (tháng 4) vào mùa Hè – khi đó các bệnh viện ở Anh sẽ bớt quá tải.

Cách tiếp cận này đang gây chia rẽ cộng đồng y khoa. Một số chuyên gia đổ lỗi cho Thủ tướng Johnson vì không nắm bắt được tính chất nghiêm trọng của tình hình. Tổng biên tập tạp chí The Lancet đã chỉ trích động thái của Chính phủ Anh: “Để tránh thảm họa không thể kiểm soát nổi ở Anh, chúng ta cần trung thực về điều có thể xảy ra trong những tuần tới. Chúng ta cần tăng năng lực chăm sóc đặc biệt. Hệ thống y tế Anh chưa hề sẵn sàng với tình hình hiện nay”.

Nhiều thành viên nổi tiếng khác trong cộng đồng y khoa tại Anh không tin tưởng cách tiếp cận này. Các bác sĩ ở các khoa chăm sóc đặc biệt cảnh báo Anh có thể thiếu máy thở như ở Italy và Trung Quốc vào đỉnh dịch. Hơn nữa, nếu nhân viên y tế cũng nhiễm bệnh, vấn đề sẽ trầm trọng hơn.

Chính phủ Anh chưa cấm các sự kiện tập trung đông người. Ảnh: Guardian

Tuy nhiên, số khác lại ca ngợi Chính phủ Anh vì đã không thực hiện các biện pháp mà cả châu lục đang áp dụng để hạn chế người dân đi lại. Tiến sĩ Clare Wenham, Phó giáo sư chính sách y tế toàn cầu tại Trường Kinh tế London, đồng tình với cách làm của Chính phủ Thủ tướng Johnson, song cũng thừa nhận hướng đi này "là một canh bạc". Ông nói: “Chúng ta biết rằng đóng cửa trường học có tác dụng phòng ngừa cúm vì trẻ em là đối tượng siêu lây nhiễm. Nhưng ta không biết điều đó có đúng với virus Corona chủng mới này hay không”.

Trong khi các nước tập trung kiềm chế dịch bằng những biệt pháp quyết liệt thì Chính phủ Anh lại có nhiều động thái quan tâm kinh tế hơn. Anh đã bàn bạc về quỹ khẩn cấp để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng Trung ương Anh cũng cắt lãi suất và thông báo gói kích thích kinh tế. Theo Chính phủ Anh, cơn hoảng loạn do COVID-19 gây ra có thể nguy hiểm về lâu dài hơn là bản thân căn bệnh.

Tóm lại, chỉ thời gian mới biết "canh bạc" của Chính phủ Anh trong đối phó với đại dịch COVID-19 có phải là cách tiếp cận phù hợp hay không.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/vi-sao-anh-van-binh-chan-nhu-vai-truoc-dai-dich-covid19-20200314095753922.htm