Vì sao ảnh nude chỉ chụp phụ nữ có cơ thể đẹp?

Một người bạn ngạc nhiên nói với tôi khi nghe câu hỏi này: 'Ảnh khỏa thân mà không phải của phụ nữ đẹp thì ai thèm xem? Chẳng lẽ xem ảnh nude đàn ông, nude người béo chảy mỡ?'.

Nhận xét về triển lãm ảnh khỏa thân đầu tiên vừa mở tại Hà Nội, nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia Việt Văn viết trong một bài báo: "Phần lớn ảnh ca ngợi số đo phụ nữ mà thiếu đi một triết lý sâu sắc, một ý tứ mãnh liệt, và chưa để lại một ám ảnh mạnh cũng như dư âm sau này. Mẫu đẹp và ánh sáng đẹp chưa đủ".

"Ca ngợi số đo phụ nữ" là cách diễn đạt đắt giá về cách khai thác quen thuộc đến cũ kỹ trong thể loại ảnh khỏa thân nghệ thuật: không hẳn là ca ngợi con người, mà đó phải là "những người nữ có số đo đẹp".

Trong khi đó, vẻ đẹp của con người thực sự đa dạng, không phải chúng ta cố tình tuyên truyền như vậy để an ủi những người thừa cân, gầy gò hay già cỗi, nhăn nheo. Và nghệ sĩ, hơn tất cả mọi đối tượng trong xã hội, là những người có khả năng nhìn ra vẻ đẹp từ những thứ thoạt trông có thể không đẹp.

Hãy nhìn bức ảnh dưới đây.

Đồi cát làm từ cơ thể người của nhiếp ảnh gia Carl Warner trong bộ có tên Bodyscapes.

Đồi cát làm từ cơ thể người của nhiếp ảnh gia Carl Warner trong bộ có tên Bodyscapes.

Hay 2 bức ảnh dưới đây.

Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Anton Belvodchenko.

Với những bức ảnh trên, số đo của nhân vật không còn là đối tượng ca ngợi chính khi ý đồ và thẩm mỹ đã được đẩy lên một tầm mới. Đây chỉ là 2 trong số vô vàn ví dụ cho việc người nghệ sĩ nhiếp ảnh có thể thỏa sức sáng tạo với đối tượng là cơ thể người trần trụi, không nhất thiết phải bó buộc mình trong việc mô tả những bộ phận cơ thể đẹp theo ý niệm thông thường.

Vì sao tôi chụp phụ nữ béo?

Năm 2007, Leonard Nimoy - một diễn viên gạo cội ở Hollywood kiêm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, đã chụp vô số người mẫu thân hình chuẩn cho các tạp chí - có một hướng đi lạ trong sự nghiệp.

Ông tung ra bộ ảnh thuộc dự án "The Full Body Project" (Dự án cơ thể béo), với hàng loạt người mẫu đều là những phụ nữ béo, thậm chí béo phì, hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực.

Bộ ảnh không thể trích đăng trong khuôn khổ bài báo này, bởi nó thuộc dạng "explicit": nhân vật lộ gần hết bộ phận kín của cơ thể, nhiều người trong một khung hình. Nhưng với hướng đi của mình, Nimoy có lời trải lòng đầy cảm xúc.

Ông viết trong phần giới thiệu bộ ảnh (được xuất bản thành sách ảnh): "Những người phụ nữ này là ai? Tại sao họ ở trong các bức ảnh này? Cuộc sống họ ra sao? Bạn nghĩ gì về họ? Có vài câu hỏi tôi muốn các bạn đặt ra khi xem ảnh".

Leonard Nimoy, nhiếp ảnh gia nổi tiếng và được kính trọng, từng là diễn viên trong Star Trek. Ảnh: Takes On Tech.

Trong nhiều năm trời, Nimoy là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp về thân thể nữ giới. Ông đã làm việc với vô số người mẫu vốn là mẫu ảnh, diễn viên, vũ công chuyên nghiệp.

"Nhưng, trong nhiều cuộc thảo luận về tác phẩm của tôi", ông cho biết, "nhiều người xem cũng chỉ ra rằng những bức ảnh đó chỉ đưa ra một hình mẫu thân thể nữ giới duy nhất: giới hạn trong những gì văn hóa đại chúng cho là đẹp".

"Đẹp" cũng là từ mà Nimoy nghe nhiều nhất mỗi khi ông triển lãm ảnh các phụ nữ có thân hình chuẩn mực. Nhưng ông vẫn không hài lòng với lối sáng tác của mình.

"Những người phụ nữ trong các bộ ảnh trước đây của tôi dường như không có bản sắc cá nhân. Họ được thuê và đạo diễn để giúp tôi thể hiện ý tưởng có sẵn của mình, đôi khi về tính dục, đôi khi về tâm linh, thường xuyên là về sức mạnh nữ giới. Nhưng các bức ảnh không thể hiện con người họ. Thân thể của họ chỉ được sử dụng để minh họa cho chủ đề, câu chuyện mà tôi muốn nói mà thôi", nhiếp ảnh gia bộc bạch.

Còn với bộ ảnh phụ nữ béo, Nimoy gọi đó là một "cuộc cách mạng béo". Với những người mẫu đặc biệt này, nhiếp ảnh gia muốn "Những bức ảnh nói nhiều hơn về chính họ, kể câu chuyện của họ thay vì của tôi, lòng tự trọng của họ cũng rất mạnh mẽ".

Trong số các mẫu béo, có một phụ nữ học ngành nhân học. Chị hiểu rất rõ rằng ý niệm về thân hình đẹp hay tính dục đều bị trói buộc bởi văn hóa đại chúng. Những ý niệm đó không hề có một tiêu chuẩn bất di bất dịch, chúng thay đổi theo từng thời đại và nơi chốn.

"Họ nói với tôi rằng rất nhiều người đau khổ vì thân thể mà họ sở hữu không giống như thân thể trên các tạp chí thời trang", Nimoy nói. Chính các chuẩn mực về vẻ đẹp của con người do con người tạo ra cuối cùng lại làm khổ con người.

Đó là một vòng luẩn quẩn, nhưng chẳng phải nghệ thuật chính là nơi quen thuộc mà những chuẩn mực như vậy bị thách thức và phá vỡ hay sao?

Một bức ảnh trong dự án "The Full Body Project" của Leonard Nimoy.

Cơ thể con người là nguồn cảm hứng vô tận

Nimoy tự hào gọi bộ ảnh của mình là "sự giải phóng cơ thể béo". Nhưng ông đúng. Bởi thân thể phụ nữ béo, hoặc quá gầy, hoặc đơn giản là không đẹp dưới nhiều hình thức, vốn không quen với việc được tôn vinh trong một bộ ảnh nghệ thuật, mà quen hơn với việc bị dè bỉu và sỉ nhục.

Và vẫn còn nhiều phong cách sáng tác khác từ cơ thể trần trụi của con người.

Năm 2013, nhiếp ảnh gia Carl Warner khiến công chúng thích thú khi tung ra bộ ảnh "Bodyscapes" (Phong cảnh từ thân thể người) với mức độ sáng tạo cao và hiệu ứng thị giác ấn tượng. Ông tạo ra những khung cảnh đồi cát, núi non trùng điệp và hùng vĩ đều từ những bộ phận cơ thể người xếp chồng lên nhau, hoàn toàn không có gương mặt.

"Tôi bị hấp dẫn bởi mối quan hệ giữa cơ thể người và phong cảnh. Tôi luôn tìm kiếm trên cơ thể chính mình những tương quan với phong cảnh rộng lớn ngoài kia", nhiếp ảnh gia Warner nói.

Đường chân trời không thẳng hay bờ vai của một chàng trai. Ảnh của Carl Warner.

Trong ảnh của ông, đầu gối là đỉnh núi và những bờ vai là đỉnh đồi nhấp nhô, vùng bụng phẳng là thung lũng còn bàn chân là sườn núi. Những cơ bắp, thớ thịt, đường gân giống như sự gồ ghề của đất mẹ. Để giữ được màu da đồng nhất, ông chụp nhiều ảnh khỏa thân của một người mẫu và ghép lại để tạo thành phong cảnh như trong ảnh.

Tất cả những nỗ lực này cốt để bứt phá khỏi những chuẩn mực thông thường về ảnh khỏa thân con người. Sự đổi mới nằm ở trong chính đầu óc và cách nhìn thế giới của người chụp. Vốn là người yêu thích thiên nhiên và phong cảnh, Warner nhìn ra phong cảnh ở rất nhiều đối tượng mẫu ảnh, trong đó có cả thức ăn.

Còn với Anton Belvodchenko, tác giả bức ảnh khỏa thân của một người mẫu béo ở đầu bài, cơ thể con người được anh so sánh với các tác phẩm điêu khắc. Bên cạnh người mẫu béo, Belvodchenko cũng thực hiện nhiều bức ảnh của người mẫu có thân hình đẹp, săn chắc.

Nhưng thay vì tập trung vào vòng1, vòng 3 - những bộ phận dễ đi vào lối mòn, anh để cho người mẫu tạo dáng theo các tư thế tập yoga, khiến những đốt xương, cột sống, đường gân hay bắp thịt tạo hình tương tự như những bức điêu khắc có màu da người.

Một tác phẩm của Anton Belvodchenko tập trung vào xương và gân để tạo nên đường nét khác biệt.

Ý nghĩ cho rằng ảnh khỏa thân là để lưu giữ thời thanh xuân cũng sẽ trở nên cũ kỹ khi khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ không chỉ dừng lại ở các cơ thể đẹp.

Chẳng hạn, Sally Mann, nhiếp ảnh gia nữ chuyên chụp khỏa thân, có những tác phẩm gần đây là chụp người chồng lớn tuổi của bà, ông bị chứng loạn dưỡng cơ với các cơ bắp đang thoái hóa dần.

Mi Ly

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-anh-nude-chi-chup-phu-nu-co-co-the-dep-post863573.html