Vì sao ăn mì cao sản bị tử vong?

Thời gian vừa qua, tôi thấy có thông tin một số trường hợp bị tử vong do ăn mì cao sản. Xin Thanh Niên cho biết tại sao ăn mì cao sản lại bị tử vong? Nguyễn Thị Duyên (Bình Phước)

Thời gian vừa qua, tôi thấy có thông tin một số trường hợp bị tử vong do ăn mì cao sản. Xin Thanh Niên cho biết tại sao ăn mì cao sản lại bị tử vong? Nguyễn Thị Duyên (Bình Phước)

Mì (sắn) cao sản được trồng để sử dụng trong công nghiệp chế biến bột ngọt, mì ăn liền, glucose, phụ gia, dược phẩm, rượu... Khác với khoai mì lương thực có cuống lá màu tím và củ có vỏ lụa màu hồng tím, khoai mì cao sản có cọng lá dày màu xanh ánh vàng, đọt lá màu tím, đặc biệt củ nhỏ, tròn, dài, có vỏ lụa màu trắng, hàm lượng cyanogenic glucoside (60 - 150 mg/kg) nhiều hơn khoai mì thường (20 - 30 mg/kg). Chất gây độc trong khoai mì là limanarin, cyanogenic glucoside, khi vào đường tiêu hóa sẽ được men tiêu hóa thủy phân thành hydrocyanic acid (HCN) vào máu gây độc. Trong cơ thể, HCN sẽ kết hợp với ion ferric trong cytochrome oxidase gây ức chế khả năng sử dụng ô xy của tế bào. Nếu ăn lượng nhiều sẽ dẫn đến ngộ độc cyanide, ngạt do thiếu ô xy tế bào.

Ngộ độc cấp khoai mì diễn tiến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu: vài giờ sau khi ăn xuất hiện triệu chứng ói, nhức đầu, chóng mặt, sau đó thở nhanh, khó thở, rối loạn nhịp tim; giai đoạn 2: xuất hiện triệu chứng co giật, da ẩm và lạnh, mạch yếu và nhanh; giai đoạn muộn: hôn mê, hạ huyết áp, loạn nhịp tim phức tạp, phù phổi, trường hợp nặng sẽ tử vong trong tình trạng co giật. Do có diễn tiến nhanh nên trong điều trị ngộ độc khoai mì cấp, thời gian là yếu tố quyết định, bởi vậy ngay khi xác định cần đưa đến bác sĩ để can thiệp tích cực với các biện pháp cần thiết.

Khoai mì là một loại cây lương thực phổ biến, do vậy cần tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng ngừa ngộ độc khoai mì như: Không ăn khoai mì cao sản, khoai mì lâu năm, khoai mì có vị đắng, đọt khoai mì; Chế biến đúng cách để làm giảm lượng HCN: bỏ vỏ, cắt bỏ đầu củ là phần độc, ngâm lâu trong nước, khi nấu mở nắp nồi cho bay hơi có độc chất; Không ăn nhiều quá, đặc biệt ở trẻ em cần thận trọng vì dễ ngộ độc và bị nặng hơn người lớn. Theo kinh nghiệm dân gian, trong trường hợp trẻ bị ngộ độc khoai mì, cần cho trẻ uống nước đường để trung hòa a xít độc trong mì cao sản và đưa ngay đến bác sĩ.

Hà Thanh
(tổng hợp)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/toa-soan-ban-doc/vi-sao-an-mi-cao-san-bi-tu-vong-118382.html