Vì sao ăn gỏi cá, bún ốc phải dùng lá tía tô?

Tía tô là loại rau gia vị phổ biến ở Việt Nam, không chỉ giúp kích thích ngon miệng nó còn là loại rau giải độc.

Tía tô là rau thơm xuất hiện từ 2.000 năm trước, người ta sử dụng điều trị các vết thương trên da, hỗ trợ điều trị cả các bệnh khác.

Tía tô là loại rau được sử dụng nhiều vì nó có mùi thơm, nhiều tinh dầu. Các loại tinh dầu này có tác dụng khác nhau, kích thích ngon miệng, có tính chống dị ứng, kháng sinh, kháng viêm. Ngoài ra, tía tô còn có tác dụng với toàn thân.

PGS Nguyễn Thị Bay – BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết tía tô không chỉ là rau thơm nó còn được sử dụng làm thuốc. Có nhiều loại tía tô như tía tô tím, tía tô đỏ, tía tô xanh.

Từ xa xưa khi ăn các thực phẩm như ốc, cua, cá (gỏi) người dân đều sử dụng tía tô ăn kèm, vì đây là các thực phẩm có tính lạnh dễ gây ngộ độc nên dùng tía tô ăn kèm để giải độc.

Tại Nhật Bản khi ăn cá, thịt sống họ đều ăn kèm tía tô. Việc ăn này là có mục đích vì đây là thực phẩm có thể gây ngộ độc thì tía tô giải độc.

Tại Hàn Quốc, Đài Loan tía tô cũng được sử dụng phổ biến từ dạng khô, tươi để nấu nước uống nhưng tất cả đều với mục đích phục vụ chữa bệnh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong y học cổ truyền, PGS Bay cho biết toàn bộ cây tía tô đều được đưa vào tủ thuốc đông y từ thân, lá, cành, hoa, hạt, rễ. Các bộ phận của tía tô có tác dụng khác nhau.

Tại Nhật, người ta có nhiều nghiên cứu về cây tía tô. Các nghiên cứu cho biết tía tô có tác dụng trị viêm khớp, giải độc thủy hải sản, trị hen suyễn. Đây là loại rau thơm số 1 ở Nhật. Tinh dầu ở tía tô có tác dụng chống gốc tự do, chống lại sản xuất của histamin.

Đông y sử dụng tía tô vì vị tính cay the, ôn ấm. Y học hiện đại cũng tìm được nhiều hoạt chất khác trong tía tô và nó đi vào cơ thể từ kinh tì, kinh phế.

Rau tía tô có thể sử dụng điều trị giải cảm nhờ vị cay the, tính ôn, tía tô làm ra mồ hôi, hạ sốt. Tía tô còn giải độc nên sử dụng điều trị ngộ độc đau bụng, tiêu chảy, đặc biệt ngộ độc cá, hải sản.

Người bệnh bị đau dạ dày cũng sử dụng tía tô để giảm triệu chứng ợ chua, đau dạ dày. Tía tô dùng cho phụ nữ đau bụng khi đến chu kỳ kinh nguyệt, băng huyết.

Tía tô còn dùng để làm trắng sáng da. Người đau nhức khớp xương có thể sử dụng tía tô ăn sống, phơi khô nấu nước uống, nhất là bệnh gout.

Trong y học cổ truyền, tía tô còn giúp con người sống lâu hơn, chống lão hóa. Từ dân gian, các loại đặc sản dễ gây độc người ta đều cho tía tô vào để giảm nguy cơ ngộ độc.

Còn y học hiện đại, các nghiên cứu ở châu Á có rất nhiều và tía tô đã được định danh khoa học để tìm ra vì sao dân gian sử dụng tía tô.

Người ta thấy trong tía tô nhiều tinh dầu như perillaldehyde, limonene và trong lá nhiều nhất. Đặc biệt trong hạt tía tô hay gọi tô tử có chứa dầu béo - đây là chất rất cần thiết cho cơ thể. Chất béo này giúp tạo màng tế bào cho cơ thể. Đây là chất béo chưa bão hòa rất tốt.

PGS Bay cũng cho biết thêm trong thân và cành tía tô cũng chứa nhiều dầu béo nhưng ít hơn hạt. Tía tô còn có các thành phần vitamin A, B, C, D, các thành phần khoáng chất như kẽm, sắt. Các thành phần này thông qua cơ chế tác dụng dược lý có thể tác động tới nhiều bộ phận của cơ thể.

Hàng ngày, nếu người có các bệnh xương khớp, PGS Bay khuyên bạn có thể làm trà tía tô để uống bằng cách dùng tươi và khô.

Có thể mua tía tô ngay tại chợ hoặc tự trồng. Khi dùng, PGS Bay khuyến cáo bạn cần rửa thật sạch trước khi dùng và nên dùng cả cây từ rễ, hạt, thân, lá.

Nếu bạn muốn tích trữ trà tía tô dùng dần thì tía tô mua về cũng phải rửa sạch với nước, ngâm muối, rửa lại lần nữa rồi đem phơi nắng.

Thường 2 nắng to là có thể đem cất vào túi kín. Khi dùng có thể lấy trà cho vào ấm, hãm nước rồi đợi vài phút cho trà tan ra là có thể thưởng thức.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/vi-sao-an-goi-ca-bun-oc-phai-dung-la-tia-to-5002465.html