Vì sao Ấn Độ rút khỏi Hiệp định RCEP?

Quyết định rút khỏi Hiệp định RCEP của Ấn Độ đã gây ra bất ngờ cho các nước thành viên. Đâu là lý do đằng sau quyết định này?

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hôm thứ Hai tại Bangkok, Thủ tướng Ấn Độ - ông Narendra Modi đáng lẽ ra sẽ đặt bút ký vào một hiệp định thương mại tự do giữa 16 quốc gia, có phạm vi bao trùm hơn 3 tỷ người, với tổng GDP lên tới khoảng 17 nghìn tỷ USD, và chiếm khoảng 40 phần trăm tổng thương mại thế giới...

Thế nhưng, mọi việc đã thay đổi, Ấn Độ đã quyết định sẽ đứng ngoài RCEP! Thật khó để nói quyết định của Ấn Độ là đúng hay sai!

Mặc dù, có vẻ như “vắng mợ thì chợ vẫn đông”, thế nhưng việc vào phút chót Ấn Độ rút khỏi RCEP đã ít nhiều làm nản lòng các thành viên còn lại - bao gồm mười quốc gia ASEAN, cùng với Úc, Nhật Bản, New Zealand và quan trọng nhất là Trung Quốc.

Nhưng theo giới quan sát, người thua cuộc thực sự sẽ là chính Ấn Độ. Chính phủ của Thủ tướng Modi hiện nằm ngoài cả hai khối thương mại - vốn được cho là sẽ xác định tương lai của toàn bộ châu Á: RCEP và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP. Quan trọng hơn, việc này sẽ gửi tín hiệu đáng báo động về cam kết của Ấn Độ đối với cả cải cách kinh tế và thương mại.

Nói về việc Ấn Độ không tham gia RCEP, giới chức nước này nói rằng các điều khoản của RCEP là không thuận lợi và thiếu công bằng cho quốc gia Nam Á này. Mặc dù Ấn Độ đã rất cố gắng đưa ra những nhượng bộ đáng kể trong các lĩnh vực chẳng hạn như gia công phần mềm, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với hàng điện tử giá rẻ của Trung Quốc.

Người biểu tình bị trúng đạn nước của cảnh sát trong cuộc biểu tình phản đối thỏa thuận RCEP tại bang Chandigarh vào ngày 14/5.

Người biểu tình bị trúng đạn nước của cảnh sát trong cuộc biểu tình phản đối thỏa thuận RCEP tại bang Chandigarh vào ngày 14/5.

Trên thực tế, thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã lên tới mức 58 tỷ USD vào năm 2018. Con số này có thể sẽ gia tăng nhanh chóng nếu Ấn Độ tham gia vào RCEP mà không đưa ra các cải cách bổ sung để tăng sức cạnh tranh trong nước. Ấn Độ cũng có những lo lắng chính đáng về sự gia tăng nhập khẩu từ nền kinh tế do nhà nước thống trị của Trung Quốc.

Quá trình đàm phán RCEP đã diễn ra trong nhiều năm, Ấn Độ cũng đã đưa ra những nhượng bộ, bao gồm cả việc gỡ bỏ các biện pháp bảo vệ trong một số lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp. Đặc biệt, trong những tháng gần đây, dường như chính quyền của Thủ tướng Modi đã rất cố gắng và quyết định rằng tham gia RCEP vì lợi ích kinh tế và địa chính trị của Ấn Độ.

Thế nhưng, mọi việc dường như đã thay đổi, từ chính trong nội các Ấn Độ. Đảng Quốc hội đối lập Moribund đã bắt đầu đưa ra các ý kiến trái chiều liên quan đến RCEP trong những tuần gần đây. Thậm chí, Chủ tịch Đảng Quốc đại Ấn Độ - ông Rahul Gandhi đã đăng tải một dòng tweet rằng nếu tham gia RCEP "Ấn Độ sẽ tràn ngập hàng hóa giá rẻ, dẫn đến hàng triệu việc làm bị mất."

Nói về lý do thực sự phía sau quyết định không tham gia RCEP của Ấn Độ, chuyên gia kinh tế Amitendu Palit đến từ Viện nghiên cứu Nam Á (Đại học Quốc gia Singapore), nhận định rằng chính phủ ông Modi có thể đã nhận ra rằng, nếu đồng ý gia nhập RCEP, họ có thể khiến lực lượng cử tri chính yếu là các ngành công nghiệp nhỏ và chủ cửa hàng cảm thấy bị bỏ rơi. Bên cạnh đó, nhu cầu cốt lõi của nước này là sớm được cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường cho những ngành thế mạnh không được đáp ứng.

"Vì vậy, cuối cùng, vì bảo vệ lợi ích trong nước nên Ấn Độ từ chối gia nhập Hiệp định. Tuy nhiên, thỏa thuận RCEP vẫn chưa hoàn tất vì hiện tại chỉ mới kết thúc các đàm phán. Cánh cửa để Ấn Độ gia nhập chưa khép lại", ông Palit bình luận thêm.

Ở một khía cạnh nào đó, có thể thấy rằng Thủ tướng Modi đã đưa ra một quyết định tuyệt vời. Để tận dụng RCEP, Ấn Độ cần tập trung vào những cải cách bổ sung đó, chẳng hạn như thay đổi các quy định về lao động và thuế để từ đó thúc đẩy sản xuất.

Thế giới có thể nhìn ra tham vọng của Ấn Độ muốn soán ngôi của Trung Quốc, vươn lên thành cường quốc sản xuất trên phạm vi toàn cầu, do RCEP sẽ giúp các nhà xuất khẩu của mình dễ dàng có được chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu thống trị sản xuất quốc tế.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của quốc gia Nam Á này là địa chính trị. Rõ ràng Ấn Độ đã mất uy tín với ASEAN. Khối Đông Nam Á đã kiên nhẫn chờ đợi và cho cơ hội để Ấn Độ tham gia vì họ không muốn một khu vực thương mại mới bị Trung Quốc thống trị.

RCEP có quy mô thị trường và GDP rất lớn, sẽ làm thay đổi diện mạo châu lục

Trung Quốc đã tìm cách đẩy nhanh thỏa thuận khi nước này phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. RCEP sẽ hợp nhất các nền kinh tế châu Á với Trung Quốc, trong khi chính quyền Trump thì kêu gọi các quốc gia châu Á tránh xa các khoản vay cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và công nghệ 5G.

Mỹ luôn tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của RCEP. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng Hiệp định này "không có nhiều thỏa thuận". "Nó không phải là một thỏa thuận thương mại tự do hay như CPTPP. Nó cũng không giống như các thỏa thuận riêng của chúng ta với Nhật Bản hay Hàn Quốc", ông Wilbur Ross bình luận.

Trung Quốc nói rằng 15 quốc gia còn lại đã quyết định tiếp tục tiến tới và Ấn Độ được hoan nghênh tham gia RCEP bất cứ khi nào sẵn sàng. "Sẽ không có vấn đề gì đối với 15 quốc gia để ký kết RCEP vào năm tới. Chúng tôi đang cởi mở, bất cứ khi nào Ấn Độ sẵn sàng, họ sẽ được chào đón gia nhập",Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành tuyên bố

Tất nhiên có thể quyết định của Thủ tướng Modi chỉ là một chiến thuật đàm phán. Các quốc gia RCEP còn lại có thể đưa ra những nhượng bộ mới nhằm kêu gọi Ấn Độ đặt bút ký và tham gia vào năm sau. Nhưng kết quả cũng có thể là RCEP thống nhất mà không có Ấn Độ.

Quyết định của Modi cũng đặt ra một câu hỏi đơn giản hơn: Ấn Độ - nếu không phải bây giờ thì là khi nào? Liệu có phải sau khi ông giành được một chiến thắng trong cuộc bầu cử lần thứ hai vào tháng Năm năm tới?

Đối với thế giới, quyết định của Ấn Độ cũng gây ra nhiều lo ngại. Cho đến tận bây giờ, vẫn có thể, chỉ tính Ấn Độ là một phần trong liên minh lỏng lẻo của các quốc gia ủng hộ thương mại mở và ủng hộ trật tự kinh tế hiện có. Bản thân Thủ tướng Modi, trong bài phát biểu tại Davos vào năm 2018 đã thận trọng khi nói về quá trình toàn cầu hóa của quốc gia này.

Cuối cùng, sự lựa chọn của Modi gợi nhớ lại động thái của Tổng thống Donald Trump khi rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương năm 2017. Quyết định của Tổng thống Trump đã gây thiệt hại lâu dài cho vị thế kinh tế của Mỹ ở châu Á. Liệu Thủ tướng Modi có học tập Tổng thống Trump mà làm điều tương tự?

An Chi

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/vi-sao-an-do-rut-khoi-hiep-dinh-rcep-160827.html