Vì sao Ấn Độ không thể đẩy TQ ra khỏi thị trường Nam Á, giống như Mỹ làm với TQ ở Mỹ Latinh?

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ và hai nước chiếm thị phần chủ đạo trong giao dịch thương mại của các nước khác ở Nam Á.

Hãng Sputnik (Nga) ngày 15/8 đưa tin, Ấn Độ sẽ phân bổ 500 triệu USD cho Maldives để xây dựng cầu và đập, nhằm kết nối thủ đô Male với ba hòn đảo lân cận.

Sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Maldives Abdulla Shahid vào ngày 13/8, hai nước đã công bố khoản tài trợ 100 triệu USD và hạn mức tín dụng 400 triệu USD.

Ngoại trưởng Maldives nhấn mạnh, đây sẽ là dự án phát triển cơ sở hạ tầng dân sự lớn nhất ở Maldives. Người đồng cấp Ấn Độ cũng cho hay, tính cả dự án kể từ khi Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih nhậm chức vào tháng 11/2018, tổng cam kết đầu tư của Ấn Độ sẽ vượt hơn 2 tỷ USD.

Theo Reuters (Anh), sau thất bại của nhà lãnh đạo Abdulla Yameen - vốn có đường lối thân thiện với Trung Quốc - trong cuộc bầu cử năm 2018, Ấn Độ hy vọng sẽ khôi phục ảnh hưởng ngoại giao của mình đối với hòn đảo này. Ông Yameen bị kết tội rửa tiền và bị kết án 5 năm tù vào năm ngoái. Ông được cho là đã tham gia vào các hợp đồng giá cao với các công ty Trung Quốc, bao gồm hợp đồng xây dựng cây cầu quy mô lớn nối giữa Male và Hulhumalé.

Nhiều ý kiến dấy lên hoài nghi rằng, liệu Maldives có giống như nhiều quốc gia Nam Á khác sẽ dần từ bỏ quan điểm hợp tác hiện nay với Trung Quốc để bắt tay với Ấn Độ hay không? Bởi vấn đề này không chỉ liên quan đến sự gia tăng cạnh tranh giữa hai quốc gia trên thị trường Nam Á. Sự xích mích giữa Ấn Độ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Hãng tin Bloomberg ngày 13/8 dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, các công ty dầu khí quốc doanh của Ấn Độ đã ngừng thuê tàu chở dầu của Trung Quốc để nhập khẩu dầu thô hoặc xuất khẩu dầu diesel và các sản phẩm khác. Hay Huawei và ZTE sẽ không tham gia vào dự án triển khai mạng 5G của Ấn Độ vì mối quan hệ giữa hai nước đã xuống mức thấp nhất trong 4 thập kỷ.

Giải thích về tình hình quan hệ thương mại Trung-Ấn và sự cạnh tranh trên thị trường Nam Á, Giáo sư Trương Gia Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á của Đại học Phúc Đán nói với Sputnik rằng: "Thương mại Trung-Ấn hiện nay bị đặt sai vị trí ở một mức độ nhất định, có nghĩa là Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ, nếu không phải do Ấn Độ không thể sản xuất thì cũng là nhờ giá cả hàng hóa của Trung Quốc thấp, nếu không sẽ không có một lượng lớn sản phẩm Trung Quốc vào thị trường Ấn Độ.

Tuy nhiên, sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ loại bỏ những ngành sản xuất cấp thấp này nên Ấn Độ đã hành động quá vội vàng. Và điều này sẽ buộc Chính phủ Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp tương ứng để ngừng khuyến khích các công ty đến Ấn Độ, đồng thời sẽ không còn các công ty sẵn sàng phát triển thị trường Ấn Độ nữa. Theo nghĩa nào đó, Ấn Độ thậm chí có thể đánh mất cơ hội tiếp nhận ngành sản xuất được chuyển giao từ Trung Quốc".

Về vấn đề cạnh tranh ở Nam Á, ông này cho rằng, xét trên tình hình chung, đó là một mối quan hệ cạnh tranh thị trường bình thường và nó cần thiết cho cả Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác ở Nam Á.

Giáo sư Andrei Volodin thuộc Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga chỉ ra rằng, không giống như Mỹ có thể gây áp lực với các đồng minh ở châu Âu hoặc Mỹ Latinh về vấn đề quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ không có cơ hội như vậy.

Ông nói: "Các nước Nam Á vẫn hoài nghi Ấn Độ do những vấn đề lịch sử. Những mối quan hệ này luôn phức tạp. Trung Quốc đang sử dụng những mâu thuẫn giữa Ấn Độ và các nước Nam Á để thúc đẩy lợi ích của mình. Mặt khác, các nước Nam Á lợi dụng mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Trung Quốc và không sẵn sàng từ chối hợp tác với Trung Quốc để hợp tác với Ấn Độ. Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc hiệu quả hơn nền kinh tế Ấn Độ, vì vậy tôi không nghĩ rằng Ấn Độ không có bất kỳ cơ hội nào để ảnh hưởng đến lập trường của các nước Nam Á".

Ông Alexander Salicki, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết, không giống như nhiều quốc gia Mỹ Latinh hoặc châu Âu thường xuyên chịu áp lực từ Mỹ, các nước láng giềng của Ấn Độ sẽ xây dựng chính sách quan hệ độc lập với Trung Quốc.

"Ấn Độ sẽ không thể khiến Trung Quốc xung đột với các nước Nm Á. Các quốc gia láng giềng của Ấn Độ chỉ có thể là cầu nối cho việc khôi phục quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, bởi sự thù địch của hai cường quốc này sẽ gây bất lợi cho họ", chuyên gia Nga nói.

Hiện nay, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 2019 đạt 92,68 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ và hai nước chiếm thị phần chủ đạo trong giao dịch thương mại của các nước khác ở Nam Á.

An An

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/vi-sao-an-do-khong-the-day-tq-ra-khoi-thi-truong-nam-a-giong-nhu-my-lam-voi-tq-o-my-latinh-8202017812025517.htm