Vì sao Acid benzoic được sử dụng trong tương ớt tại Việt Nam nhưng lại bị cấm ở Nhật?

Liên quan đến vụ việc hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan Việt Nam bị thu hồi tại Nhật Bản do chứa Acid benzoic, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (ảnh) đã có trả lời về thắc mắc của phóng viên xung quanh vấn đề này.

Việc Nhật Bản thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su có chất Acid benzoic gây hoang mang cho người tiêu dùng và dư luận đang đặt câu hỏi liệu Acid benzoic có được sử dụng tại Việt Nam và quốc tế hay không, thưa bà?

Bà Trần Việt Nga.

Bà Trần Việt Nga.

Trong cam kết thương mại, các tiêu chuẩn về thực phẩm của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Ủy ban Codex) được lấy làm quy chuẩn tham chiếu cho các quốc gia thành viên. Vì vậy, chúng tôi khẳng định, các quy định về phụ gia thực phẩm của Việt Nam do Bộ Y tế ban hành hoàn toàn phù hợp với các quy định về phụ gia thực phẩm của Ủy ban Codex.

Tại Việt Nam, Acid benzoic là một phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong một số thực phẩm nhất định. Theo Thông tư 27, Thông tư 08 quy định về quản lý phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, Acid benzoic được phép sử dụng trong tương ớt với hàm lượng 1g/1kg sản phẩm.

Mỗi nước sẽ có những quy định khác nhau về danh mục và hàm lượng các phụ gia thực phẩm. Tại Nhật Bản, Acid benzoic có phải là một chất cấm không?

Theo thông tin chúng tôi có được, hiện nay theo quy định mới nhất của Nhật Bản, Acid benzoic được cho phép sử dụng là phụ gia thực phẩm trong một số nhóm thực phẩm như nước tương, các loại đồ uống không cồn, siro, sản phẩm biến đổi thực vật, trứng cá… với các hàm lượng khác nhau. Nhưng với sản phẩm tương ớt, Acid benzoic là một phụ gia không được sử dụng.

Khi một nước ban hành quy định khác với Codex, họ phải đưa ra bằng chứng khoa học, tính trên tổng quan sản phẩm họ dùng. Hiện chúng tôi không nắm được thông tin khoa học về việc cấm chất Acid benzoic trong sản phẩm tương ớt tại Nhật Bản.

Nhật Bản là quốc gia có tiêu chuẩn khắt khe về thực phẩm, việc họ cấm chất Acid benzoic trong tương ớt chắc có lẽ có nguyên do nhất định. Người tiêu dùng đang lo lắng, nếu Acid benzonic được sử dụng không đúng hàm lượng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? Và liệu Việt Nam có "dễ dãi" trong việc sử dụng chất này không, thưa bà?

Với phụ gia thực phẩm, nguyên tắc là phải sử dụng đúng hàm lượng quy định, đúng đối tượng thực phẩm, bảo đảm độ tinh khiết của phụ gia. Tương ứng mỗi nhóm thực phẩm có những hàm lượng tương ứng khác nhau.

Về nguyên tắc, nếu sử dụng không đúng đối tượng và không đúng hàm lượng sẽ có những ảnh hưởng tới sức khỏe.

Về việc Nhật Bản cấm Acid benzoic tôi cho rằng do mỗi nước có những nguyên tắc để xây dựng tiêu chuẩn thực phẩm. Chẳng hạn, nhóm đối tượng thực phẩm nào được sử dụng nhiều họ sẽ có quy định, tính toán tổng lượng phụ gia được sử dụng trong các thực phẩm người dân dùng. Vì thế, quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm có thể khác biệt nhau giữa các nhóm thực phẩm.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh, nếu các phụ gia thực phẩm đã có trong danh mục của Ủy ban Codex và nếu được sử dụng đúng hàm lượng, đúng đối tượng, bảo đảm độ tinh khiết sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Ngoài ra, phải khẳng định Việt Nam không dễ dãi trong việc sử dụng phụ gia thực phẩm bởi để nằm trong danh mục được dùng, các phụ gia thực phẩm phải thông qua sự kiểm duyệt nghiêm ngặt cua Ủy ban về phụ gia thực phẩm của Codex.

Bà có khuyến cáo gì với người dân?

Tôi cho rằng, người dân cần bình tĩnh, lắng nghe ý kiến của các cơ quan nhà nước. Khi chúng tôi ban hành các quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, quy định về hàm lượng và các đối tượng được sử dụng thì những quy định đó hoàn toàn phù hợp với quốc tế.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế với tư cách là thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu xác minh thông tin chính thống này từ phía cơ quan quản lý thực phẩm của Nhật Bản.

Khi có thông tin chính thống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có thông tin cụ thể đến người tiêu dùng. Chúng tôi chỉ thông tin với nguyên tắc là cơ quan quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm trong các nhóm sản phẩm thực phẩm.

Xin cảm ơn bà!

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/vi-sao-acid-benzoic-duoc-su-dung-trong-tuong-ot-tai-viet-nam-nhung-lai-bi-cam-o-nhat-102668.html