Vì sao ABBank quyết định chuyển 'nhà' ra Thủ đô?

ABBank sẽ chuyển trụ sở chính từ TP.HCM ra Hà Nội mà không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của ngân hàng.

Ngân hàng TMCP An Bình – ABBank vừa đưa ra thông báo chính thức về việc chuyển trụ sở. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 7199/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của nhà băng này.

Theo quyết định này, ngân hàng ABBank sẽ được thay đổi địa điểm trụ sở chính từ số 170 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM sang địa điểm mới là tầng 1,2,3 Tòa nhà Geleximco, số 36 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP.Hà Nội.

Ngân hàng ABBank sẽ chuyển trụ sở chính từ TP.HCM về Hà Nội.

Ngân hàng ABBank sẽ chuyển trụ sở chính từ TP.HCM về Hà Nội.

Việc chuyển trụ sở chính ra Hà Nội vốn được đưa ra trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 với lý do hầu hết thành viên HĐQT, BKS, Ban tổng giám đốc và đội ngũ lãnh đạo đều làm việc tại Hà Nội.

Trong khi đó, nhân sự nhà băng này liên tục gia tăng, chưa kể kế hoạch phát triển nhân sự cho các năm tiếp theo. Do đó, trụ sở tại 170 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) không còn đáp ứng được nhu cầu công việc.

Thêm nữa, việc di dời trụ sở chính về Hà Nội cũng không gây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của ngân hàng bởi hạ tầng công nghệ, các máy chủ dữ liệu và vận hành kỹ thuật của ngân hàng đều đặt tại đây.

Nhìn lại hệ thống ngân hàng trong nước, từ những ngân hàng quốc doanh cỡ lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV cho tới những ngân thương mại tư nhân như VPBank, Techcombank… đều đặt trụ sở chính tại thủ đô Hà Nội.

Đại gia Vũ Văn Tiền.

Về ngân hàng ABBank, đây là ngân hàng thương mại tư nhân thuộc nhóm dưới trong hệ thống ngân hàng với vốn điều lệ đến cuối quý II/2019 đạt 5.319 tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 91.000 tỷ đồng.

Cổ đông lớn nhất của nhà băng này là Malayan Banking Berhad (Maybank) sở hữu 20% vốn. Xếp sau là Geleximco sở hữu 12,99% vốn, doanh nghiệp nổi tiếng gắn với tên tuổi của đại gia Vũ Văn Tiền. Hiện ông Tiền cũng đang là Phó chủ tịch HĐQT tại nhà băng này. Đứng thứ ba là tổ chức Tài chính Quốc tế IFC với 10% cổ phần.

Trong năm tài chính 2018, lãi trước thuế của ABBank đạt 928 tỷ đồng, tăng 52%. Tuy nhiên, tình hình hiện tại không mấy thuận lợi vì theo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của ABBank lại giảm hơn 7%, đạt 551 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-abbank-quyet-dinh-chuyen-nha-ra-thu-do-a449410.html