Vì sao 3 sếp phó Hải Phát Invest liên tục 'mất ghế'?

Hải Phát Invest là doanh nghiệp bất động sản lớn tại Thủ đô Hà Nội, tuy vậy nhiều người lại biết đến thương hiệu Hải Phát nhờ những lùm xùm tranh chấp tại các dự án Tân Tây Đô, The Pride... và hàng loạt dự án đang được thế chấp tại ngân hàng.

Chào sàn chưa lâu...

Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty CP Đầu tư Hải Phát (Mã CK: HPX) vừa có quyết định về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Anh Tú (sinh ngày 06/8/1976) kể từ ngày 12/10/2018.

Đây là lãnh đạo cấp phó thứ 3 của HPX bị “mất ghế” trong năm nay. Trước đó, ngày 12/9/2018, một Phó Tổng giám đốc khác là bà Phùng Thị Hải Vân (sinh năm 1978) cũng bị cho thôi nhiệm chỉ sau hơn 1 tháng được bổ nhiệm.

Trước đó nữa, vào ngày 7/8, ngày mà bà Vân được bổ nhiệm, Hải Phát cũng miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc đối với ông Phạm Văn Minh.

Ba Phó Tổng giám đốc của Hải Phát lần lượt bị cho thôi nhiệm trong 1 năm (ảnh minh họa)

Ba Phó Tổng giám đốc của Hải Phát lần lượt bị cho thôi nhiệm trong 1 năm (ảnh minh họa)

Có thể thấy kể từ thời điểm chào sàn (Hải Phát niêm yết 150 triệu cổ phiếu trên HoSE với mã chứng khoán HPX, ngày giao dịch đầu tiên 24/7/2018), công ty này liên tục có sự thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao.

Vào đúng ngày chào sàn, nguyên Tổng Giám đốc HPX là ông Đỗ Quý Hải được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm người công bố thông tin là ông Đoàn Hòa Thuận được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc. Sau đó không biết vì lý do gì, lần lượt 3 Phó Tổng đã lần lượt phải rời ghế lãnh đạo.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, ban Tổng giám đốc của Hải Phát có 5 người gồm Tổng Giám đốc Đoàn Hòa Thuận và 4 Phó Tổng giám đốc là các ông Lê Việt Dũng, Lê Tiến Dũng, Tạ Phú Cường và bà Trần Hoài Anh.

Cơ cấu nhân sự HĐQT và ban Giám đốc Hải Phát hiện tại (trang chủ của HPX chưa xóa tên ông Nguyễn Anh Tú khỏi ban Giám đốc).

Kế hoạch 2018 khó đạt, lùm xùm 3 dự án bị thế chấp

Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest), tiền thân là công ty Cổ phần Xây dựng – Du lịch Hải Phát, được thành lập năm 2003. Hải Phát Invest là chủ đầu tư của hàng loạt các dự án ở Hà Nội như: Dự án Thuận An Central Lake (Gia Lâm), dự án Tổ hợp Thương mại Dịch vụ và Căn hộ Roman Plaza tọa lạc trên mặt đường Lê Văn Lương kéo dài, dự án Tổ hợp TMDV và căn hộ cao cấp The Pride, dự án Khu đô thị Tân Tây Đô, H.Đan Phượng, dự án Nhà phố thương mại 24h,...

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 đã kiểm toán cho thấy, doanh thu của HPX đạt 542,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 190 tỷ đồng. Các con số này đang ở khá xa so với mục tiêu doanh thu 3.290 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng mà HĐQT HPX đã đặt kế hoạch cho năm 2018.

Sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới hoàn thành được hơn 15% kế hoạch doanh thu và gần 40% chỉ tiêu lợi nhuận.

Phát biểu hôm chào sàn (24/7/2018), đại diện ban lãnh đạo Hải Phát khẳng định kế hoạch lãi sau thuế cả năm 450 tỷ đồng chắc chắn đạt được, lợi nhuận sẽ rơi vào quý IV còn quý III chỉ ghi nhận một phần.

Về sức khỏe tài chính, tổng tài sản tới cuối quý II/2018 của HPX là gần 6.700 tỷ đồng, chủ yếu gồm các khoản nợ ngắn hạn của khách hàng và tài sản dở dang dài hạn.

Theo đó, các khoản phải thu ngắn hạn gần 1.516 tỷ đồng, chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 2.222 tỷ đồng, các khoản đầu tư tài chính dài hạn là 1.600 tỷ đồng, trong khi tiền và các khoản tương đương tiền chỉ có 319 tỷ đồng, cho thấy khả năng thanh toán tức thời của doanh nghiệp là thấp.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tại thời điểm 30/6/2018, vay nợ tài chính (ngắn và dài hạn) của Hải Phát là 4.400 tỷ đồng, trong đó vay nợ dài hạn chiếm gần 2.500 tỷ đồng, còn lại 1.900 tỷ đồng là nợ ngắn hạn.

Ngoài ra, một số dự án chung cư của HPX hiện nay đang dính lùm xùm tranh chấp với cư dân, điển hình như khu đô thị Tân Tây Đô với cuộc chiến cư dân đòi nước sạch suốt nhiều năm và những phản ánh về việc nhiều hạng mục trong tòa nhà và các căn hộ xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được chủ đầu tư khắc phục.

Ngoài ra, cư dân khu chung cư The Pride (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng đã từng phải chất vấn chủ đầu tư Hải Phát tới nửa đêm về hàng loạt sự cố, sai phạm liên tục xảy ra tại dự án này mà không được giải quyết...

Phối cảnh dự án Hà Nội Homeland của Hải Phát - 1 trong 3 dự án đang bị thế chấp ngân hàng.

Gần đây nhất, doanh nghiệp dính lùm xùm vì có 3 dự án đang bị thế chấp ngân hàng. Cụ thể, theo danh mục 92 dự án bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng do sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố mới đây thì Hải Phát và công ty thành viên thế chấp 3 dự án gồm Roman Plaza, Hà Nội Homeland và The Vesta.

Liên quan đến thông tin trên, tại buổi gặp gỡ hơn 200 nhà đầu tư và chuyên viên môi giới chứng khoán tại TP.HCM ngày 26/9 vừa qua, lãnh đạo công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát đã có câu trả lời.

Theo đó, ông Đoàn Hòa Thuận, Tổng Giám đốc Hải Phát cho biết, việc cầm cố dự án của doanh nghiệp là đúng luật.

“Chúng tôi luôn tuân thủ đúng các quy định hiện hành của pháp luật khi tiến hành triển khai vay vốn ở các tổ chức tín dụng để triển khai các dự án bất động sản bằng các tài sản là đất và các tài sản trên đất mà Hải Phát có. Cũng như 15 năm qua, đánh giá của các tổ chức tín dụng với Hải Phát là uy tín, các ngân hàng đánh giá tốt nên công ty mới có thể tiếp tục vay”, ông Thuận nói.

Ông Thuận cũng khẳng định, khi tiến hành bán hàng luôn phải có sự chấp thuận của sở Xây dựng, vì thế Hải Phát luôn tuân thủ thực hiện giải chấp trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Minh Minh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-3-sep-pho-hai-phat-invest-lien-tuc-mat-ghe-a407351.html