Vì quyền lợi người lao động

Đến hết tháng 5-2018, cả nước mới thu được 36,7% kế hoạch thu cả năm và nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) ở mức 10.450 tỷ đồng, tức 4,7% số phải thu của 13,68 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 240 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm khoảng 30% lực lượng lao động trong độ tuổi).

Qua công tác thanh tra chuyên ngành, các cơ quan chức năng phát hiện 56,7 nghìn lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, nhưng chưa tham gia, hoặc đóng thiếu thời gian, đóng không đúng mức quy định với số tiền phải truy đóng là 65,4 tỷ đồng. Số tiền các đơn vị nợ khi có quyết định thanh tra là 1.862 tỷ đồng; số tiền đã nộp trong thời gian thanh tra là 590 tỷ đồng; số tiền đơn vị đã nộp khi thực hiện kết luận thanh tra là 239 tỷ đồng. Thanh tra chuyên ngành BHXH đã lập 398 biên bản xử phạt vi phạm hành chính và ban hành 158 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; số tiền xử phạt phải thu là 5,7 tỷ đồng; số tiền xử phạt đã thu là 1,03 tỷ đồng.

Bắt đầu từ 1-1-2018, có ba điểm mới nổi bật được triển khai trong cải cách BHXH ở Việt Nam là: Chế độ BHXH bắt buộc cho người lao động (NLĐ) được mở rộng cho cả người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ một tháng đến dưới ba tháng và cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ (30% cho NLĐ thuộc diện hộ nghèo và 25% cho các đối tượng khác) trên mức đóng BHXH hằng tháng; với thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Đồng thời, những hành vi gian dối không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH cho NLĐ từ sáu tháng trở lên không chỉ bị phạt hành chính, phạt tiền, mà còn bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự hiện hành, với mức phạt cải tạo không giam giữ và phạt tù từ ba tháng đến bảy năm tùy theo mức độ vi phạm…

Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH chậm được cải thiện có một phần nguyên nhân do nhận thức “ngại va chạm” và lúng túng trong hành động, thiếu sự quyết liệt và phối hợp cần thiết giữa các bên liên quan trong việc chuẩn bị hồ sơ, thanh tra và khiếu nại, khởi kiện dân sự, khởi tố hình sự do nợ BHXH theo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật BHXH và Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn... nhất là khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

“Trăm dâu đổ đầu tằm”, NLĐ thường bất lực và là bên chịu thiệt thòi trực tiếp nhất khi bị doanh nghiệp (DN) nợ hoặc không được đóng BHXH, nhất là khi DN vẫn “thu hộ” phần BHXH mà NLĐ phải đóng theo lương, nhưng DN không nộp và “chốt sổ” BHXH theo quy định. NLĐ không có lương hưu làm tăng áp lực bảo đảm an sinh xã hội và phải gánh chịu thiệt thòi nhiều mặt cho bản thân và người thân liên quan do thường bị mất đi các khoản chi phí hỗ trợ BHYT sau hưu, trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hằng tháng cho người thân nếu đủ điều kiện...

BHXH là trụ cột an sinh xã hội, phát triển BHXH vì quyền lợi NLĐ là trọng tâm chính sách xã hội, là trách nhiệm của người sử dụng lao động và cơ quan hữu quan nhằm gắn phát triển con người song hành với phát triển kinh tế, thể hiện bản chất ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bởi vậy, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (ban hành ngày 23-5-2018) đã xác định mục tiêu đến năm 2021 cả nước phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo đó, quản lý BHXH cần được đổi mới và tăng cường theo hướng mở rộng diện bao phủ, đa tầng và đa dạng hóa các mức đóng - hưởng BHXH cho các nhóm đối tượng phù hợp theo nguyên tắc “có đóng - có hưởng”, chia sẻ và bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan; gắn cải cách BHXH với cải cách tiền lương, thị trường lao động, cơ chế quản lý Quỹ BHXH theo lộ trình phù hợp khả năng kinh tế và ngân sách nhà nước, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại DN và phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, cảnh báo, cưỡng chế thu nợ và xử phạt các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH, bảo đảm an toàn Quỹ BHXH, sự đồng thuận và tiến bộ, công bằng xã hội, vì quyền lợi NLĐ và phát triển bền vững đất nước…

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37239902-vi-quyen-loi-nguoi-lao-dong.html