Vi quý phi ba năm không được hạ táng chỉ vì vua quá yêu

Khi thi thể không thể bảo quản thêm được nữa, Đường Đại Tông mới bất đắc dĩ cho hạ táng Độc Cô quý phi vào Trang Lăng.

Độc Cô quý phi, còn gọi là Trinh Ý hoàng hậu, là một phi tần rất được Đường Đại Tông Lý Dự sủng ái. Tuy chưa từng được làm hoàng hậu, cũng không sinh ra hoàng đế kế vị nhưng vẫn được truy phong thụy hiệu như một hoàng hậu nhà Đường. Có rất nhiều giai thoại về sự sủng ái đến tận trời của Đường Đại Tông Lý Dự đối với Độc Cô quý phi, trong đó có giai thoại 3 năm không chôn.

Theo tìm hiểu, Độc Cô quý phi là người Kinh Triệu, xuất thân từ đại gia tộc lớn Kinh Triệu Độc Cô thị. Từ nhỏ, Độc Cô thị đã nổi tiếng nhờ dung mạo xuất chúng, lớn lên, nàng lại càng xinh đẹp diễm lệ. Một số ghi chép miêu tả vẻ đẹp của Độc Cô cho là hoa nhường nguyệt thẹn, da trắng nõn như bạch ngọc, đường nét trên khuôn mặt chẳng khác nào tượng tạc.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đường Hội yến có ghi, Độc Cô thị trở thành phi thiếp của Đường Đại Tông khi ông còn là Quảng Bình quận vương. Ngay khi nhìn thấy Độc Cô thị, Quảng Bình quận vương đã say đắm bởi vẻ đẹp của mỹ nhân. Sau khi tiếp xúc, Độc Cô thị lại hấp dẫn Quảng Bình quận vương bởi trí tuệ hơn người và tính cách dịu dàng, hiểu chuyện. Có thể nói, mỹ nhân tài sắc vẹn toàn này chẳng khác nào làn gió xuân, thổi vào trái tim của vị quận vương trẻ tuổi.

Sau khi thành thân, Độc Cô thị mặc dù được độc sủng thế nhưng không ỷ sủng sinh kiêu, nàng vẫn ôn nhu săn sóc chồng, rất chú ý đến lễ nghĩa. Bên cạnh đó, Độc Cô thị không tranh giành lợi ích vì gia tộc, chỉ thích an phận làm bạn tâm giao, làm tri kỷ với Quảng Bình quận vương, chính vì thế, nàng lại càng được yêu thương, chiều chuộng.

Trong thời gian này, Độc Cô thị hạ sinh cho Quảng Bình quận vương hai con, con trai là Lý Huýnh và con gái, sau này là Hoa Dương công chúa.

Năm Càn Nguyên nguyên niên (758), Quảng Bình quận vương được lập làm Hoàng thái tử, đổi tên thành Lý Dự.

Năm Bảo Ứng nguyên niên (762), sau khi Đường Túc Tông Lý Hanh giá băng, Thái tử Lý Dự đăng cơ trở thành Hoàng đế Đại Đường, tức Đường Đại Tông.

Sau khi đăng cơ chẳng bao lâu, Đường Đại Tông chính thức sách phong Độc Cô thị làm phi, vị Chính nhất phẩm quý phi. Đây là địa vị cao nhất tại thời điểm đó trong hậu cung do Đại Tông không sách lập ai làm hoàng hậu.

Lúc này, cuộc sống của Độc Cô quý phi vô cùng sung sướng, muốn gì được nấy, vinh hoa phú quý nhiều không đếm được. Họ hàng thân thích của quý phi cũng nhận được ẩn sủng đãi ngộ cực cao, khiến người người ghen tị.

Hoa Dương công chúa di truyền nhan sắc tuyệt luân của mẹ lại rất thông minh, hoạt bát, đáng yêu, được Đường Đại Tông và Độc Cô quý phi hết sức sủng ái. Đáng tiếc, hạnh phúc thường ngắn ngủi. Hoa Dương công chúa đột nhiên mắc bệnh lạ, chữa trị thế nào cũng không hiệu quả. Tuyệt vọng, Độc Cô thị còn đưa con gái đi tu hành theo con đường đạo sĩ, gọi là Quỳnh Hoa chân nhân, hy vọng thần tiên sẽ cứu được công chúa. Thế nhưng bệnh tình của công chúa vẫn không chuyển biến tốt đẹp, cuối cùng Hoa Dương công chúa mất sớm.

Cái chết của Hoa Dương công chúa là đả kích trí mạng đối với Độc Cô quý phi. Kể từ khi con gái chết, Độc Cô quý phi hàng ngày lấy nước mắt rửa mặt, không bao lâu thì ngã bệnh, trở nên kiệt quệ.

Có lẽ vì thương tâm quá độ, Độc Cô quý phi không còn thiết tha bất cứ điều gì. Nàng cứ thế hao mòn rồi qua đời chỉ trong một thời gian ngắn.

Con ái yêu và sủng phi liên tục qua đời, đối với Đường Đại Tông mà nói, đơn giản là mất đi mục đích sống. Cùng thời điểm, việc quốc gia đại sự lại khiến vị hoàng đế cao cao tại thượng này ngột ngạt đến không thở nổi, vô cùng áp lực.

Đường Đại Tông truy phong Độc Cô quý phi là Trinh Ý hoàng hậu, thế nhưng ông vẫn không thể chấp nhận sự thật rằng mỹ nhân xinh đẹp như thiên tiên, ngày nào vẫn quấn quýt bên mình giờ đã vĩnh viên âm dương chia cắt. Đường Đại Tông không cho hạ táng Độc Cô quý phi mà lưu giữ quan tài của bà trong cung ở Tây điện thuộc Nội cung. Mỗi ngày, ông đều bớt chút thời gian đến Tây điện, giống như sủng phi của ông vẫn đang còn sống.

Mãi đến 3 năm sau, khi thi thể không thể giữ được nữa, Đường Đại Tông mới bất đắc dĩ cho hạ táng Độc Cô quý phi vào Trang Lăng. Hoa Dương công chúa, trước đó được an táng tại vị trí khá ẩm thấp, sau đó cũng được an táng gần cạnh mẹ mình.

Theo Tùy Ý/Dân Việt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/vi-quy-phi-ba-nam-khong-duoc-ha-tang-chi-vi-vua-qua-yeu-1347129.html